Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri Hải Phòng

Chủ nhật, 14/12/2014 - 10:06

(Thanh tra)- Thực hiện chương trình hoạt động sau kỳ họp, chiều 13/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri huyện An Lão, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Sau khi nghe đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng báo cáo những kết quả quan trọng của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, các cử tri cho rằng kỳ họp lần này đã dành nhiều thời gian thảo luận, phân tích sâu sắc về tình hình năm 2014 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015. Cử tri cũng đánh giá cao sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện đồng bộ các giải pháp giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu kinh tế, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri cũng nêu nhiều kiến nghị liên quan đến nguồn lực thực hiện chương trình nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho người người lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn; đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là hàng nông sản, thủy sản, hoa quả; vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế liên quan đến quỹ đất nông nghiệp và việc làm của người nông dân; vấn đề bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhất là chủ quyền trên vùng biển, đảo của tổ quốc.

Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trân trọng tiếp thu các kiến nghị, đề xuất hết sức tâm huyết, trách nhiệm của cử tri đối với những vấn đề lớn của đất nước cũng như những vấn đề sát sườn đến cuộc sống, việc làm, thu nhập của người dân.

Thủ tướng cho biết, năm 2014, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cả về kinh tế, xã hội, bảo đảm độc lập, chủ quyền biển đảo của đất nước cũng như hậu quả của thiên tai, dịch bệnh. Những khó khăn, thách thức đó không chỉ đe dọa đến hòa bình, ổn định mà còn đến cả nỗ lực phát triển của đất nước. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu toàn diện trên các mặt. Bên cạnh giữ vững được ổn kinh tế vĩ mô được, kiểm soát được lạm phát, đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 5,9%, bảo đảm được an sinh xã hội. Trong năm 2014, đất nước ta cũng giữ vững được ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; đẩy mạnh hoạt động hội nhập quốc tế, tăng cường công tác đối ngoại, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. “Chúng ta không chủ quan, thỏa mãn với những gì đạt được, nhưng những kết quả đó đã thể hiện nỗ lực rất lớn của đất nước chúng ta; là tiền đề, là cơ sở để chúng ta phát triển tốt hơn trong năm 2015 và những năm sau” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 2015, Chính phủ sẽ phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục tăng cường ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt và căn cơ hơn. Tạo mọi thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2015 đạt 6,2%. Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; thực hiện 3 đột phát chiến lược, bao gồm hoàn thiện luật pháp, cơ chế, thể chế, chính sách; dành nguồn lực cho đầu tư đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. “Không thể vì lý do thủ tục hành chính mà môi trường kinh doanh của Việt Nam thấp hơn các nước ASEAN. Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được điều này” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ tiếp tục đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội tốt hơn thông qua việc bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, phát triển y tế, giáo dục, tạo việc làm, giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tiếp tục bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Trả lời kiến nghị của cử tri về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc theo tinh thần vừa hợp tác, vừa đấu tranh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hợp tác và đấu tranh là 2 mặt trong quan hệ quốc tế thời đại ngày nay để đảm bảo hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng cũng như lợi ích chính đáng của mỗi quốc gia. “Trong thời đại ngày nay, hội nhập, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, cùng thịnh vượng là nhu cầu tất yếu của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác, những mâu thuẫn về lợi ích buộc mỗi quốc gia phải đấu tranh để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, trong đó có những phạm trù hết sức thiêng liêng là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có được hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và bền vững. Không thể có bạn kiểu nhà tôi là nhà anh, của tôi là của anh được” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ.

Trả lời các kiến nghị của cử tri liên quan đến vấn đề đầu ra cho sản phẩm của nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết về mặt vĩ mô, Chính phủ đã cố gắng tạo mọi cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tìm mọi biện pháp mở cửa thị trường để xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản của Việt Nam. Các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mới đàm phán và ký kết gần đây cũng như các FTA đang đàm phán, Chính phủ đều chỉ đạo các Đoàn đàm phán đề nghị các nước mở cửa thị trường cho hàng nông sản, thủy sản, hoa quả của Việt Nam. “Những hàng hóa này kim ngạch xuất khẩu không quá lớn nhưng lại liên quan đến đời sống, thu nhập của hàng triệu nông dân Việt Nam. Sắp tới đây, với nhiều FTA mới được ký kết và có hiệu lực, thuế suất rất thấp hoặc bằng 0%, hàng hóa nông sản, thủy sản, hoa quả của Việt Nam có cơ hội rất lớn để xuất khẩu. Vấn đề còn lại là các doanh nhân, các nhà khoa học, bà con nông dân chúng ta sẽ phải làm nhiều việc để đảm bảo các sản phẩm này có chất lượng cao, giá thành cạnh tranh” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Ngọc Hoàng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Kạn: Đề xuất phương án hợp nhất 10 sở, ngành

Bắc Kạn: Đề xuất phương án hợp nhất 10 sở, ngành

(Thanh tra) - Chiều 11/12, Ban Chỉ đạo về Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2027 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Trung Hà

21:14 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm