Thắng lợi kép “được mùa, được giá”Báo cáo tổng kết kế hoạch năm 2011, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá cố định 1994) tăng 5,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông nghiệp tăng 4,78%; lâm nghiệp tăng 5,74%; thủy sản tăng 6,39%. Tốc độ tăng trưởng ngành (GDP) đạt khoảng 3%.Sản lượng lúa cả năm ước đạt 42,2 triệu tấn, tăng trên 2,2 triệu tấn, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu đạt 7,17 triệu tấn. Các cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao và thị trường thuận lợi đều tăng về diện tích và sản lượng. Cao su đạt 834,2 ngàn ha (tăng 85 ngàn ha), sản lượng đạt 812 ngàn tấn (tăng 8%). Cà phê đạt 571 ngàn ha, sản lượng khoảng 1,17 triệu tấn (tăng 5%)…Sản lượng thịt hơi các loại đạt 4,31 triệu tấn, tăng 7,7%; trứng gia cầm tăng 10,6%; sữa tươi tăng 11%. Sản lượng thủy sản đạt 5,4 triệu tấn, vượt 8,6% so với mục tiêu đề ra. Trồng rừng sản xuất đạt 190 ngàn ha, vượt 16% mục tiêu kế hoạch. Sản xuất chế biến gỗ, nhất là chế biến gỗ xuất khẩu tăng mạnh. Độ che phủ rừng dự kiến đạt 40,2%, tăng 0,7% so với năm ngoái.Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (phải ảnh) phát biểu chỉ đạo hội nghịTrong năm qua, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản thuận lợi, xuất khẩu tăng cao. Hầu hết các loại nông, lâm, thủy sản được tiêu thụ với giá cao, tạo nên thắng lợi kép “được mùa, được giá” cho ngành. Ước cả năm tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt gần 25 tỷ USD, tăng 29% (tăng trên 5 tỷ USD) so với năm 2010. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 9,2 tỷ USD, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. 4 mặt hàng (thủy sản, đồ gỗ, gạo, cao su) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Cà phê có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD và hạt điều có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. 2012: Tập trung tái cơ cấu các ngành sản xuất 2012, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng (GDP) của ngành là 2,5 - 2,6%. Giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng từ 4 - 4,5%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 25,5 - 26 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%. Năm 2012, Bộ NN&PTNT tiếp tục thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành, phát triển bền vững, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu ngành, lĩnh vực từ cấp Trung ương đến cấp xã gắn với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; lựa chọn và tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi là lợi thế của các vùng, miền; chú trọng phát triển thủy sản, chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến gắn kết với các hoạt động thị trường, thương mại nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gồm tái cơ cấu đầu tư, tổ chức lại sản xuất và đổi mới về thể chế, cơ chế.Đặc biệt, mục tiêu lớn của năm 2012 là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao đời sống dân cư nông thôn, tăng cường công tác xóa đói, giảm nghèo. Giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp còn dưới 50% lao động xã hội.Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao nỗ lực của ngành nông nghiệp cả nước, chỉ đạo quyết liệt sát sao của Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh, thành đối với nông nghiệp trong năm 2011. Năm 2011, kinh tế thế giới và Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn nhưng với ngành Nông nghiệp về tổng thể là một năm thành công lớn. Đạt được tăng trưởng về nông nghiệp mạnh mẽ trong điều kiện khó khăn thiên tai, từ đó góp phần rất quan trọng đối với đời sống người dân, đặc biệt là dân cư nông thôn. Ngành Nông nghiệp những năm qua góp phần tiên phong giảm nhập siêu cho cả nước. “Thay mặt Chính phủ, tôi đề nghị hoan nghênh đóng góp của nông nghiệp, của hàng chục triệu bà con nông dân trong cả nước cho sự phát triển nông nghiệp nước ta”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.Theo Phó Thủ tướng, để ngành Nông nghiệp phát triển sâu rộng hơn, hội nghị cần bàn thảo kỹ để hướng đến những chỉ tiêu cụ thể về năng suất các cây, con chủ yếu, thu nhập bình quân của người làm nông nghiệp của các địa phương; làm tốt công tác quy hoạch, xác định quy hoạch sản xuất chăn nuôi vùng, sản phẩm chủ lực, rà soát quy hoạch, cập nhật thông tin để có những thay đổi phù hợp; xây dựng các đề án xuất khẩu nông sản sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản… Bên cạnh đó, tích cực đổi mới khoa học công nghệ, đưa khoa học công nghệ phục vụ hiệu quả cho nông nghiệp. Cần “đặt hàng” sản phẩm khoa học công nghệ, tăng cường ứng dụng; chú trọng dạy nghề cho lao động nông thôn, tăng cường an toàn vệ sinh thực phẩm trong nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản… Đại Dương