Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 30/03/2011 - 21:36
Tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chăm lo người nghèo, cắt giảm các dự án đầu tư chưa cấp bách… là những nội dung chính của phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2011.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai Nghị quyết 02, Nghị quyết 11 của Chính phủ - Ảnh: Chinhphu.vn
Ngày 30/3, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2011 tập trung đánh giá kinh tế - xã hội trong tháng và quý I/2011, tình hình triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ ở các bộ, ngành, địa phương, về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Cắt giảm đầu tư từ NSNN 3.400 tỷ đồng
Tập trung, triển khai đồng bộ Nghị quyết 02 và Nghị quyết 11 của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã không khởi công một số dự án chưa cấp thiết, cắt giảm, điều chuyển vốn các dự án kém hiệu quả, triển khai chậm hoặc không có điều kiện triển khai. Không ứng trước vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, giảm tín dụng đầu tư trên 50 nghìn tỷ đồng. 30 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và 12 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã cắt giảm 1.387 dự án với tổng số vốn cắt giảm gần 3.400 tỷ đồng.
Tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các tổ chức tín dụng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, cơ cấu tín dụng để tập trung vốn phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), công nghiệp hỗ trợ; giảm tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất. Quy định lãi suất huy động bằng VND của các tổ chức tín dụng không vượt quá 14%/năm.
NHNN cũng đang khẩn trương soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung hình thức xử phạt đối với những hành vi mua bán ngoại tệ bất hợp pháp trên thị trường tự do, chấn chỉnh hoạt động của các đại lý thu đổi ngoại tệ. Đồng thời, NHNN cũng dự thảo quy định cá nhân có thể mua bán ngoại tệ tiền mặt, kiều hối với tỷ giá hợp lý thông qua hệ thống ngân hàng thương mại và đang hoàn chỉnh dự thảo Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sớm trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Trong tháng 3, lực lượng công an phối hợp với các ngành chức năng rà soát tất cả các điểm thu đổi ngoại tệ trái phép; các cửa hiệu kinh doanh vàng không phép; xử lý hành chính nhiều trường hợp để răn đe, giáo dục phòng ngừa vi phạm. Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, tập trung đấu tranh với các tổ chức, cá nhân có biểu hiện hoạt động đầu cơ, thao túng thị trường vàng ngoại tệ.
Nhờ thực hiện mạnh mẽ các biện pháp quản lý nên đã đem lại kết quả bước đầu, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 1,7%, tổng dư nợ tín dụng tăng 3,68% so với cuối năm 2010.
GDP tăng trưởng 5,43%, xuất khẩu tăng gấp 3 lần
Tốc độ tăng GDP quý I/2011 ước đạt 5,43%; trong đó sản xuất công nghiệp tăng 14,2%, nông nghiệp tăng 3,5%. Đặc biệt, khu vực dịch vụ tiếp tục tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 3 tháng đầu năm đạt trên 451,8 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2010.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 2,54 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Cả nước có 173 dự án đăng ký mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký mới đạt xấp xỉ 2,04 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất khẩu quí I/2011 ước đạt 19,2 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước, gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%). Những mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh gồm cao su, dệt may, giày dép, điện tử, máy tính, thủy sản, cà phê…
Chăm lo người nghèo, thu nhập thấp
Từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội; cứu đói các hộ nghèo, hỗ trợ tín dụng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định chỗ ở, định canh định cư; đồng thời hỗ trợ trực tiếp 30.000 đồng/tháng/hộ khi thực hiện tăng giá điện.
Tạo việc làm cho gần 343 nghìn người, trong đó đưa hơn 17 nghìn người đi lao động nước ngoài. Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt sơ tán nhanh, an toàn hơn 10 nghìn lao động từ Libya về nước; đồng thời hỗ trợ ban đầu 1 triệu đồng/người.
Đặc biệt, trước áp lực giá cả tăng cao, các thành viên Chính phủ nhất trí cao chủ trương sẽ triển khai trợ cấp khó khăn đột xuất cho người thu nhập thấp, các DNNVV.
Cụ thể, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, trong thời gian tới, dự kiến hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có hệ số lương ngạch bậc từ 3.0 trở xuống; người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội mức thấp từ 2,19 triệu đồng/tháng trở xuống; người có công với cách mạng, đối tượng hưởng trợ cấp tuất, hộ nghèo; đồng thời giãn 1 năm thời gian nộp thuế với DNNVV và doanh nghiệp siêu nhỏ.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai Nghị quyết 02, Nghị quyết 11 của Chính phủ. Kinh tế - xã hội đất nước bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực; công, nông nghiệp, dịch vụ có bước tăng trưởng đáng khích lệ; lạm phát đang được kiềm chế; an sinh xã hội được quan tâm hơn.
Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương:
Trong khi ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô phải chú ý duy trì tăng trưởng sản xuất ở mức hợp lý.
Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ song cần chú nâng cao chất lượng tín dụng, điều chỉnh cơ cấu cho vay theo hướng tập trụng, ưu tiên vốn tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV...từng bước giảm lãi suất cho vay.
Kiên quyết xóa bỏ kinh doanh ngoại tệ trái phép. Thực hiện mua bán, thu đổi ngoại tệ qua ngân hàng, mở thêm nhiều điểm thu đổi ngoại tệ tại các sân bay, cửa khẩu, khu du lịch, khách sạn… NHNN khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp khắc phục tình trạng đô la hóa một cách toàn diện, đồng bộ. Nhà nước tôn trọng quyền sở hữu vàng của người dân, song kiên quyết xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu; khuyến khích tiết kiệm trong toàn bộ nền kinh tế, trong sinh hoạt và đời sống nhân dân; tổ chức tốt thực hiện qui định tiết kiệm 10% chi thường xuyên; kiên quyết rà soát, cắt giảm đầu tư công, các công trình chưa cấp bách, kém hiệu quả.
Đảm bảo điện cho sản xuất; kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản, ngăn chặn tình trạng phao tin, tăng giá, thổi phồng lợi nhuận, tạo làn sóng đầu cơ mới, dẫn đến thu hút nhiều nguồn vốn trong dân và các doanh nghiệp vào lĩnh vực không khuyến khích sản xuất, kinh doanh, đồng thời gây khó khăn cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư.
Tăng cường công tác quản lý thị trường, bình ổn giá cả; chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm hơn đời sống nhân dân, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách và người làm công ăn lương; công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Các bộ, ngành địa phương chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh; kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông; kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho nhân dân; các cơ quan báo chí đẩy mạnh thông tin tuyên truyền củng cố niềm tin và sự đồng thuận cao trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng đóng góp ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011./.
(Chinhphu.vn)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ… theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Hương Giang
23:28 11/12/2024(Thanh tra) - Sau khi hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Kinh tế, Tài chính dự kiến sẽ giảm được 22 đầu mối, không còn tổng cục.
Hương Giang
23:23 11/12/2024Trung Hà
21:14 11/12/2024Bùi Bình
21:07 11/12/2024Bùi Bình
20:49 11/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà