Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sức người làm nên chiến thắng

Chủ nhật, 04/05/2014 - 08:10

(Thanh tra)- Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi lớn nhất của ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến thắng đó nói lên sự lãnh đạo tài tình của Đảng về chỉ đạo chiến tranh, về nghệ thuật quân sự, về tinh thần anh dũng của quân đội và nhân dân Việt Nam. Một nhân tố vô cùng quan trọng chính là sức người làm nên chiến thắng Điện Biên.

Đêm 12 rạng ngày 13/3/1954, ta nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, mở màn bằng 20 phát lựu pháo 105 mm do đại đội 806 bắn vào trung tâm Him Lam. Để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử này, ta đã huy động 51.445 người, biên chế trong 9 trung đoàn bộ binh; 1 trung đoàn pháo 75mm (15 khẩu); 2 tiểu đoàn lựu pháo 105mm (24 khẩu); 4 đại đội súng cối 120mm (16 khẩu); một trung đội cao xạ 37mm (24 khẩu); 2 tiểu đoàn công binh; 628 ô tô tải; 21.000 xe đạp thồ và 251.500 dân công, 500 chiếc xe ngựa, xe trâu, vận chuyển 4 triệu 450 nghìn tấn/km hàng hoá, đạn dược. Tuyến đường vận chuyển dài 1.477km. Tổng số khối lượng vũ khí, trang bị, lương thực thực phẩm cung cấp cho chiến dịch là 30.759 tấn, trong đó tiêu thụ hết 19.989 tấn. 

Đường mới ra đời trong chiến dịch

Bộ đội, dân công, thanh niên xung phong đã làm mới 89km đường, củng cố, sửa chữa và mở rộng 500km đường khác, mở 5 tuyến đường kéo pháo vào trận địa. Đó là kỳ công đầu tiên bảo đảm cho chiến dịch thắng lợi.

Tuyến đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ là đường mòn, qua nhiều đèo núi cheo leo và gần 100 con suối lớn nhỏ, các cầu đều bị phá. Ta huy động 75.000 ngày công, làm trong 11 ngày đêm, với phương tiện thô sơ, đã làm lại con đường này rộng 5m.

Mở đường kéo pháo vào trận địa

Các chiến sĩ bộ binh và pháo binh "chân đồng, vai sắt" đã dùng sức người kéo những khẩu pháo lớn 105mm, nặng 2 tấn rưỡi vào trận địa, bảo đảm bí mật, bất ngờ trước giờ nổ súng.

Để đưa pháo lớn vào trận địa, đầu tháng 2/1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định mở 5 tuyến đường với chiều dài 60km, từ đường lớn vào trận địa chỉ cách địch chừng 5km theo đường chim bay. Các đường kéo pháo vượt qua những đèo cao hơn 1.000m, nhiều nơi chưa in dấu chân người (đèo Pha Long, Pú Hồng Mèo...). Yêu cầu công việc làm đường không những hết sức khẩn trương mà còn bảo đảm bí mật: Nổ mìn phá đá, ngả cây phải tránh gây tiếng động làm cho địch nghe thấy; đào đất không để chảy xuống làm đục dòng suối; làm đường đến đâu phải ngụy trang ngay đến đó...  Theo tính toán, công trình đòi hỏi 40.000 công. Ta huy động 5.000 bộ đội lên mặt đường, lần lượt làm xong gọn từng tuyến. Với năng suất kỷ lục (trung bình 7,9m3/công, bộ đội làm việc từ 10 - 13 tiếng/ngày), các tuyến đường đều hoàn thành trước thời gian quy định, nhanh gấp 8 lần so với kế hoạch.

Hai vạn xe đạp thồ hàng tiếp tế cho mặt trận

Để tăng năng suất, các chiến sĩ dân công đã không ngừng cải tiến tổ chức các chuyến xe thồ. Mặc dù đèo cao, đường xa (từ khu 4 lên, từ Việt Bắc sang), các đoàn dân công xe thồ đã thi đua nâng năng suất lên không ngừng. Lúc đầu, mỗi xe chở được 200 rồi 250kg. Cuối cùng, chiến sĩ dân công Cao Văn Ty (Thanh Hoá) đã nâng lên tới mức kỷ lục: 350kg cho mỗi chuyến.

Trên sông Nậm Na về Lai Châu, ta phải phá hàng trăm cái thác, có cái dài hàng nghìn mét để mở đường sông vận tải. Chiến sĩ công binh Phan Tư một mình phá 9 thác. Có lần anh ngâm mình dưới dòng sông sâu sáu, bảy giờ liền giữa mùa đông ở Tây Bắc. Phan Tư được tặng danh hiệu "Anh hùng phá thác".

Góp gạo nuôi quân

Để bộ đội ăn no, đánh thắng, nhân dân ta đã đóng góp trên 25 nghìn tấn gạo, hơn 900 tấn thịt, hơn 900 tấn thực phẩm khác. Mặc dù mới được giải phóng từ năm 1952 và còn gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế nhưng nhân dân Tây Bắc đã đóng góp 7.311 tấn gạo (riêng Châu Thuận 950 tấn, huyện Tuần Giáo 1.200 tấn, huyện Điện Biên 555 tấn). Điều đáng quý ở đây là một tấn gạo tại chỗ giá chỉ bằng một phần mười một tấn gạo đưa từ miền xuôi lên.

Nhân dân Tây Bắc đã huy động trên 31.800 dân công, làm 1 triệu 296 nghìn ngày công phục vụ chiến dịch.

Xây dựng trận địa, tấn công và bao vây địch

Sau thắng lợi của đợt 1 chiến dịch (tiêu diệt 3 cụm phía bắc tập đoàn cứ điểm), để tạo điều kiện tiếp cận quân địch khi bước vào đợt hai. Bộ Chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ quyết định xây dựng hệ thống trận địa tiến công và bao vây xung quanh các cứ điểm ở hai phân khu còn lại của địch. Hệ thống trận địa này gồm một hệ thống đường trục vây quanh phân khu Mường Thanh và phân khu Hồng Cúm ở phía nam và từ các trục đường này ta đã phát triển các giao thông hào và chiến hào "râu tôm" tới sát từng vị trí địch.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cái cuốc, cái xẻng trong tay các chiến sĩ tạo nên cả một mạng nhện hầm hào khổng lồ, góp một phần quyết định vào chiến thắng lịch sử. Bộ đội ta đã đào hào tích cực, khẩn trương, thâu đêm suốt sáng, liên tục cả tháng trời dưới bom đạn địch. Kết quả là một hệ thống giao thông hào được hình thành từ ngoài vào trong, xuyên qua những triền núi, sườn đồi chung quanh lòng chảo Mường Thanh, bủa vây các căn cứ ngoại vi của địch.

Cái cuốc, cái xẻng đơn sơ nhưng rất lợi hại. Hãy nghe địch thú nhận: "... Bộ Chỉ huy của ta (tức quân Pháp) phát hiện rằng cái xẻng và cái cuốc là những vũ khí mạnh không kém gì máy bay và xe tăng. Trên mặt Bắc và mặt Tây của tập đoàn cứ điểm, việc đào trận địa tiến hành nhanh chóng. Mỗi ngày các phi công ghi nhận sự tiến triển của các vòi. Các đơn vị trực tiếp, tiếp xúc với địch (tức bộ đội ta) đã phản ứng mãnh liệt. Các giao thông hào lộ thiên lập tức bị bịt lại và gài mìn. Thế nhưng, quân địch (tức bộ đội ta) vẫn tiếp tục không mệt mỏi công việc đào dũi, và ngay sau đó phải tiến hành những cuộc hành quân thực sự để giải vây cho các cứ điểm bị uy hiếp nhất (Pie Lănggle, Điện Biên Phủ, Nxb Frăngxơ Ampia Pari). Tướng Nava cũng chưa hết kinh hoàng khi viết hồi ký của mình: "Đối phương thắt chặt vòng vây, các chiến hào xuất hiện khắp chung quanh, các cao điểm lân cận đều bị pháo mặt đất và pháo cao xạ đối phương chiếm lĩnh. Tuy phi cơ và pháo binh ta (Pháp) đã bắn phá nhưng không sao tiêu diệt được chúng. Quân đội đối phương gặm dần hệ thống phòng ngự của ta, buộc ta ngày càng phải thu hẹp bố trí, các hoạt động thay quân, liên lạc, tiếp tế, lấy dù đều phải trả bằng giá rất đắt". (Đông Dương hấp hối, Nxb Plông, Pari).

Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bao gồm 21 tiểu đoàn, trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh cơ động chiến lược; 3 tiểu đoàn pháo binh; 1 tiểu đoàn công binh; 1 đại đội xe tăng; 353 sĩ quan từ thiếu úy đến thiếu tá; 16 trung tá và đại tá; 1 thiếu tướng. Tổng số lượng địch bị ta tiêu diệt và bắt sống tại Điện Biên Phủ bằng 4% quân số địch ở Đông Dương. Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta thu được 28 khẩu pháo; 5.915 khẩu súng các loại; 3 xe tăng; 64 ô tô; 43 tấn dụng cụ thông tin; 20 tấn thuốc quân y; 40 tấn đồ hộp; 40.000 lít xăng dầu và bắn rơi 62 máy bay các loại.

PV
(Nguồn: TTXVN, Sách: “Điện Biên Phủ: Sự kiện - Tư liệu, Nxb Quân đội nhân dân 2004)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm