Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quy rõ trách nhiệm của Thủ tướng trong chống tham nhũng

Thứ hai, 01/06/2015 - 21:09

(Thanh tra)- Thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) hôm nay (1/6), nhiều Đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), quan liêu, lãng phí, không thể để cứ mãi “chung chung, không rõ ràng”…

ĐB Nguyễn Bá Thuyền đề nghị quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN. Ảnh: Thảo Nguyên

Quyền hạn phải tương xứng với trách nhiệm

Theo ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Chính phủ đã ban hành một nghị định quy định trách nhiệm của người đứng đầu, mà Thủ tướng đứng đầu Chính phủ nên cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Thủ tướng. Ngoài trách nhiệm báo cáo trước QH, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, Chủ tịch Nước, nhân dân, ĐB Thuyền đề nghị, “bổ sung trách nhiệm của Thủ tướng phải hoàn thành cơ bản trách nhiệm QH giao; đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; trực tiếp trả lời chất vấn trước QH”.

ĐB Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ) cho rằng, vừa qua trong bộ máy Chính phủ từ T.Ư đến địa phương còn xảy ra nhiều tham nhũng nhưng trách nhiệm chưa được rõ ràng. Cho nên, cần bổ sung nhấn mạnh hơn về trách nhiệm của Chính phủ trong việc đấu tranh PCTN, lãng phí trong hoạt động của bộ máy Nhà nước từ T.Ư đến cơ sở. Người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng cũng phải có trách nhiệm lãnh đạo thực hiện tốt công tác đấu tranh PCTN, quan liêu, chống lãng phí. Đồng thời, phải thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, cá nhân tham nhũng hoặc các cơ quan để xảy ra tham nhũng, lãng phí.

ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam), ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cũng bày tỏ, về nguyên tắc trách nhiệm phải tương xứng với quyền hạn. Dự thảo quy định như vậy thì quyền hạn, trách nhiệm của Thủ tướng và các Bộ trưởng chưa tương xứng với nhau. “Trong trường hợp xảy ra những vụ việc như vụ Vinashin, rút kinh nghiệm quy định trách nhiệm như thế nào? Không thể để xảy ra việc như vậy mà không ai chịu trách nhiệm cả”, ĐB Kiên chuyển câu hỏi thắc mắc của cử tri đến QH.

Đối với quy định báo cáo trước nhân dân, nhiều ĐB nhấn mạnh, đây là điều rất cần thiết nhằm bảo đảm tính minh bạch, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu và các thành viên Chính phủ. Nhưng cần quy định rõ hơn phương thức thực hiện và thời gian thực hiện chế độ báo cáo để đảm bảo tính khả thi của quy định này.

Cấp phó đã quy định “cứng” thì không “thêm”

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, việc quy định trong luật số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ là cần thiết. Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH từ kỳ họp 8, tại kỳ họp này, UBTV QH đề nghị QH xác định rõ trong luật số lượng tối đa thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5 (riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6); số lượng cấp phó của tổng cục không quá 4; số lượng cấp phó của cục, vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ không quá 3.

Cơ bản tán thành quy định “cứng” cấp phó và bày tỏ chia sẻ với Chính phủ “không có cấp phó đi họp cũng gay”, nhưng ĐB Nguyễn Bá Thuyền bày tỏ băn khoăn khi Dự thảo “thòng” thêm quy định “trong trường hợp đặc biệt do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Chính phủ trình UBTVQH quyết định việc tăng số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ”.

Theo ĐB, nếu chúng ta mới đưa ra nguyên tắc cứng, lại có ý đồ đưa ra nguyên tắc mềm dưới đề thêm vậy không được. “Nên bỏ quy định này vì QH là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, không thể quy định UBTVQH lại quyết cao hơn QH. Nếu muốn thiết kế “mềm” thì thiết kế ngay trong Dự thảo luật”, ĐB Thuyền nói.

BĐ Lê Đình Khanh (tỉnh Hải Dương) cho biết, nhiều nước không có thứ trưởng mà chỉ có trợ lý. Có nước dân số đông hơn ta rất nhiều chỉ có tổng thống và một phó tổng thống. Trọng trách lớn như vậy nhưng mà vẫn làm tốt. Theo ĐB, Việt Nam ta cứ giảm đi 1/3 cấp phó thì bộ máy vận hành tốt hơn, năng lực trình độ người đứng đầu bộ, ngành cũng có điều kiện thể hiện rõ hơn, phát huy cao hơn. Cho nên, cần hạn chế cấp phó một cách tối đa, kể cả Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ ngoại giao. “Trên sai một ly dưới đi một dặm, nếu không khắc phục thì sẽ “nhờn” luật”. Tôi cho rằng, muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền thì phải có hệ thống luật chặt chẽ, tránh tình trạng hiểu thế nào cũng được”, ĐB Khanh lưu ý.

Cùng ngày, QH thảo luận, cho ý kiến Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm