Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát triển kinh tế biển xanh: Triển vọng và thách thức

Thứ bảy, 08/06/2013 - 10:39

(Thanh tra) - Chiều 7/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường kết hợp với Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Diễn đàn kinh tế biển Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề “Phát triển kinh tế biển xanh: Triển vọng và thách thức”. đây là một chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2013 diễn ra tại Hà Tĩnh.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh Yến Yến

Việt Nam có đường bờ biển dài (cao gấp 6 lần chỉ số trung bình của thế giới), nguồn lợi từ biển lớn, bờ biển lại mở ra cả 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam nên rất thuận lợi cho việc giao lưu thương mại quốc tế. Để đạt được mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và tạo ra một “nền kinh tế xanh” trong khi trình độ khai thác biển của nước ta vẫn lạc hậu so với khu vực thì Việt Nam sẽ phải nỗ lực xây dựng một nền công nghiệp hiện đại; phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững, có khả năng hội nhập quốc tế; có phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và bảo đảm an ninh chủ quyền vùng biển.

Tại diễn đàn, ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban chỉ đạo Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2013 chia sẻ: “Trình độ khai thác biển của nước ta vẫn lạc hậu so với khu vực, Việt Nam chúng ta sẽ phải nỗ lực xây dựng một nền công nghiệp hiện đại; phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững, có khả năng hội nhập quốc tế; có phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và đảm bảo an ninh chủ quyền vùng biển. Mặt khác, phát triển “kinh tế biển xanh” ở nước ta đang phải đối mặt với các nguy cơ của biến đổi khí hậu, của tình trạng axit hóa đại dương, phát triển nghề cá và nuôi trồng hải sản thiếu bền vững, ô nhiềm và chất thải, mất nơi cư trú, giảm đa dạng sinh học và các loài ngoại lai; tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển, các khu bảo tồn biển...của các hoạt động sản xuất công nghiệp ven bờ, các hoạt động khai thác tài nguyên biển. Đây thực sự là những vấn đề rất quan trọng đòi hỏi các ngành, các cấp và cộng đồng phải chung tay vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn và mang tính đột phá hơn”.

Ông Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu khai mạc diễn đàn thương hiệu biển Việt Nam. Ảnh Yến Yến

Diễn đàn đã thu hút 8 tham luận của các đại biểu, các nhà khoa học, các học giả, nhà nghiên cứu chuyên ngành về các vấn đề lớn và trọng tâm như: Quy hoạch phát triển các cửa ngõ ra biển tầm khu vực và quốc tế Việt Nam; Chiến lược phát triển kinh tế biển vùng Bắc Trung bộ trong dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội trong khu vực đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Định hình hướng đi mới cho các khu kinh tế ven biển Việt Nam; Để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển… Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển. Chiến lược này sẽ tạo đà cho nước ta tiến đến nền “kinh tế biển xanh” gần hơn.

Trước đó, sáng 7/6, , Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức diễn đàn thương hiệu biển Việt Nam lần thứ V với chủ đề: Khu bảo tồn biển với việc phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển, hải đảo. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Tuần lễ biển, hải đảo năm 2013.

Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn về biển, hải đảo, với diện tích mặt biển trên 1 triệu km2, có bờ biển dài trên 3.260 km với trên 3.000 đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trung bình khoảng 100 km2 đất liền có 1km đường bờ biển. Trong đó có nhiều đảo có thể xây dựng thành các trung tâm kinh tế biển- đảo và dịch vụ cho các biển xa. Các đặc trưng trên đã tạo cho nước ta tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên biển và nguồn lợi hải sản. Đến nay, trong vùng biển nước ta đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú  trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Trong tổng số các loài được phát hiện có khoảng 6.000 loài động vật đáy, hơn 2.000 loài cá (trong đó trên 100 loài cá kinh tế), 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du...Tất cả đều có giá trị kinh tế cao, đã và đang được khai thác, phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và trên các đảo. Khu bảo tồn (KBT) là nơi tạo điều kiện cho các tài nguyên biển sinh tồn và phát triển. Trước thực trạng khai thác tài nguyên bừa bãi, hoang phí như hiện nay thì việc xây dựng KBT trở nên cấp thiết và bức bách hơn bao giờ hết.

Diễn đàn Thương hiệu biển Việt Nam lần này với mục đích góp phần xây dựng và phát triển Thương hiệu Biển Việt Nam nói chung, thương hiệu các địa danh- trong đó có thương hiệu các KBT biển- là một trong những điều kiện để bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển và ven biển, góp phần để phát triển kinh tế, xã hội phục vụ sự phát triển bền vững đất nước. Đối với tỉnh Hà Tĩnh, đây cũng là dịp tốt để giới thiệu, quảng bá tiềm năng kinh tế biển của Hà Tĩnh, góp phần tạo nguồn lực về tài chính, nhân lực...nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Hà Tĩnh, tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ và hội nhập trong nước, quốc tế”.

Ông Nguyễn Mại trao bức Trướng của Ban tổ chức VMEF và dự án Minh Triết làm chủ Biển Đông của Trung tâm nghiên cứu Minh Triết cho Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam. Ảnh Yến Yến

Mạng lưới KBT biển tại Việt Nam hiện nay đã có nhiều tiến bộ, hiện đã có 5 KBT đã được thành lập và đi vào hoạt động, 5 KBT đã xây dựng xong đề án đề xuất thành lập, 3 KBT biển đã thành lập theo hệ thống KBT thiên nhiên (Cát Bà, Núi Chúa, Côn Đảo), từ nay đến năm 2015 sẽ tiến hành xây sựng tiếp 3 KBT. Tại diễn đàn, ông Nguyễn Việt Cường, Cục Quản lý KBT và nguồn lợi thủy sản – Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra những thách thức khi triển khai thành lập các KBT biển như: sự phối hợp giữa các bộ, ban ngành Trung ương; sự ủng hộ, phối hợp của địa phương trong quá trình thiết lập KBT; xung đột về phát triển kinh tế xã hội với bảo tồn, bảo vệ; chuyển đổi nghề, tạo sinh kế thay thế cho cộng đồng dân cư địa phương...

Theo Kỹ sư Phạm Quang Mỵ, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Biển Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, để giá trị các KBT biển được gia tăng cần: hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách, pháp luật về biển và hải đảo; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về KBT; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quản lý; tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển, phân vùng sử dụng, rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KBT biển; phát huy vai trò của cộng đồng dân cư tham gia xây dựng và quản lý các KBT biển; tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý KBT biển;

Thông qua những cách tiếp cận khác nhau, các đại biểu đã đưa đến diễn đàn những thông tin, cách làm, giải pháp hay, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu từng KBT cụ thể, qua đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng.

Yến Yến

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm