Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát huy thành tích, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng cơ quan, xây dựng ngành vững mạnh

Thứ hai, 23/01/2012 - 09:27

(Thanh tra)- Chào đón Xuân Nhâm Thìn 2012 cũng là thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm lần thứ 82 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong nhiều hoạt động báo công dâng Đảng, dâng Bác, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh đã dành cho Báo Thanh tra cuộc trả lời phỏng vấn về những kết quả hoạt động của ngành Thanh tra năm 2011 và chia sẻ nhiều tâm huyết xây dựng ngành, xây dựng Đảng bộ TTCP.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh

+ Thưa Tổng Thanh tra, năm đầu tiên giữ trọng trách mới, đồng chí đánh giá thế nào về kết quả nổi bật của ngành Thanh tra trong năm 2011?

- Trước hết, phải khẳng định, trong năm qua toàn ngành Thanh tra đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Điều đó được thể hiện qua một số nội dung chủ yếu như:

Ngành đã thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng thể chế, tham mưu, giúp Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản pháp luật trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Có thể kể đến (theo thời gian ban hành) những văn bản nổi bật như Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định qui định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo… Qua đó giúp công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng đi vào nền nếp và đạt những kết quả tích cực.

Ngành đã triển khai có kết quả định hướng, kế hoạch công tác thanh tra năm 2011 và thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước các cấp. Đặc biệt đã tập trung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, theo chuyên đề, qua đó phát hiện, xử lý nhiều vi phạm pháp luật, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục được những vướng mắc trong quản lý, sửa đổi chính sách pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và hoạt động của các cấp, ngành, đơn vị. Trong năm, toàn ngành đã triển khai 8.875 cuộc thanh tra hành chính, lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành cũng đã tiến hành 460.654 cuộc kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân. Qua đó phát hiện thiếu sót, sai phạm về kinh tế 8.507 tỷ đồng, 286.408 ha đất các loại; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 5.123 tỷ đồng và 11.845 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 3.473 tỷ đồng; ban hành 166.151 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 8.011 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.363 tập thể, 2.180 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 83 vụ việc, 102 cá nhân.

Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được quan tâm thực hiện.  Năm 2011, cả nước đã giải quyết đạt 85% số đơn thư khiếu nại, tố cáo; đặc biệt, đã tập trung rà soát và giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã chú trọng sự phối hợp giữa các cấp, ngành, đơn vị và đối thoại với công dân để giải quyết ngay tại địa phương. Tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm có xu hướng giảm về số lượng, nhất là ở khu vực phía Nam có địa phương giảm đến 30%...

Công tác PCTN cũng được triển khai đạt kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực xây dựng thể chế, tuyên truyền phổ biến pháp luật; phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh xử lý hành vi tham nhũng; hợp tác quốc tế về PCTN. Đáng chú ý là các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như kê khai tài sản, thu nhập, đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức… đã được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong cả nước triển khai khá đồng bộ, mang lại nhiều tác dụng tích cực. Song song với các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, ngành Thanh tra cũng đã chú trọng việc phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng. Trong năm 2011, qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, toàn ngành đã phát hiện, đồng thời chuyển cơ quan điều tra xử lý 17 vụ việc, 43 cá nhân có dấu hiệu tham nhũng.

Ngoài ra, trong năm 2011, toàn ngành cũng đã quan tâm thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, xây dựng lực lượng và thi đua khen thưởng, góp phần tạo sự chuyển biến đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực công tác của ngành.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như: Việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra và việc đánh giá, rút kinh nghiệm từ các cuộc thanh tra chưa được quan tâm đúng mức; xử lý sau thanh tra chưa triệt để, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản thấp. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo có lúc, có nơi chưa tốt, có vụ việc còn thiếu thống nhất về phương án giải quyết, thiếu tính khả thi; tình trạng ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy trong giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn xảy ra; một số nơi chưa làm hết trách nhiệm trong tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để công dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp; sự thiếu thống nhất về nội dung của phiếu chuyển đơn thư giữa các cấp, ngành cũng như thiếu hệ thống các tiêu chí quy định làm căn cứ để ngưng xem xét, giải quyết đơn thư cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện kéo dài, phức tạp; chưa hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; sự phối hợp, trao đổi thông tin liên quan đến tham nhũng còn hạn chế, nhất là trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng; số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra…

+ Với cương vị đứng đầu ngành Thanh tra, xin Tổng Thanh tra cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của ngành cần tập trung trong năm 2012?

- TTCP đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình công tác thanh tra năm 2012, trong đó tập trung một số nội dung chủ yếu sau:

1. Tập trung thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của các ngành, các cấp trên lĩnh vực quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, tài chính ngân sách, chương trình mục tiêu quốc gia; việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý. Đổi mới công tác thanh tra hành chính, chủ động và linh hoạt trong triển khai các cuộc thanh tra theo chương trình, kế hoạch; tăng cường việc nắm tình hình, thu thập thông tin, phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật để thanh tra đột xuất; quan tâm triển khai việc thanh tra lại đối với các vụ việc đã được cơ quan cấp dưới kết luận nhưng phát hiện vi phạm pháp luật theo quy định. Đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành, tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật và các quy định về chuyên môn, kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc các ngành, lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực có nhiều vi phạm và dư luận đặc biệt quan tâm.

2. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung giải quyết kịp thời các vụ việc mới phát sinh, nhất là các vụ việc đông người, vượt cấp; giải quyết cơ bản các vụ việc tồn đọng, kéo dài, góp phần giữ ổn định an ninh trật tự, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội.

3. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng, kế hoạch của Chính phủ thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; chú trọng việc phát hiện và đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng.

4. Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Chú trọng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo…

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời phỏng vấn báo chí.


+ Đảng bộ TTCP vừa qua đã được nâng cấp thành Đảng bộ cấp trên cơ sở. Từng giữ cương vị người đứng đầu Đảng bộ cấp tỉnh, với những kinh nghiệm của bản thân, thời gian tới, trong vai trò Bí thư Ban Cán sự Đảng TTCP, đồng chí sẽ ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nào nhằm xây dựng Đảng bộ TTCP trong sạch, vững mạnh?

- Quyết định nâng cấp Đảng bộ TTCP thành Đảng bộ cấp trên cơ sở là một quyết định quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành, phát triển của Đảng bộ cơ quan và khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ đối với sự phát triển của cơ quan và của ngành Thanh tra.

Để tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, thứ nhất, cần tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy TTCP và các cấp ủy trực thuộc; giữ vững sự đoàn kết thống nhất nội bộ, giữ vững các nguyên tắc sinh hoạt Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng; đổi mới mạnh mẽ tổ chức bộ máy và hoạt động của cơ quan TTCP, trước hết là hoàn thành việc sắp xếp tổ chức, bộ máy đồng bộ, thống nhất, phù hợp với Luật Thanh tra năm 2010 và Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị gắn với đề cao vai trò, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong cơ quan TTCP. Đổi mới công tác cán bộ, thực hiện việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ bảo đảm khách quan, đúng quy trình, dân chủ và công khai; không để xảy ra tình trạng cục bộ, nội bộ mất đoàn kết qua thực hiện công tác cán bộ.

Thứ hai, cần tập trung củng cố, xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết T.U 6 (khóa X), xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng; hướng tới bảo đảm được sự lãnh đạo toàn diện, đều khắp của các tổ chức Đảng trên tất cả các lĩnh vực công tác của cơ quan TTCP; quan tâm thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên mới. Đồng thời, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể và của mỗi cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu cấp ủy Đảng, đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với tất cả các trường hợp vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong cơ quan.

Thứ ba, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách thiết thực, hiệu quả, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là một trong những tiêu chí để xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của tập thể và cá nhân; gắn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác với đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, CCVC trong toàn cơ quan.

Thứ tư, đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể, bảo đảm mỗi tổ chức đoàn thể thực sự là người đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên. Phát huy vai trò của các đoàn thể trong việc phát động và vận động cán bộ, công chức, viên chức tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan vững mạnh.

+ Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Thìn, Tổng Thanh tra có lời chia sẻ, động viên gì tới cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra?

- Cá nhân tôi cũng như tập thể lãnh đạo TTCP mong muốn và tin tưởng rằng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Thanh tra luôn tự hào về truyền thống tốt đẹp và nhiệm vụ cao cả của ngành, phát huy những thành tích mà toàn ngành đã đạt được trong 66 năm qua, đoàn kết, khắc phục khó khăn, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2012, góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước. Nhân dịp năm mới, thay mặt lãnh đạo TTCP, tôi xin chúc toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành cùng gia đình một năm nhiều sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt!

+ Xin trân trọng cảm ơn Tổng Thanh tra !


Thúy Nhài (Thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm