Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nêu cao tinh thần gương mẫu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong công tác tiếp dân và giải quyết KN,TC

Thứ ba, 19/05/2015 - 09:01

(Thanh tra) - Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình đã có bài viết về phát huy tác phong quần chúng, nêu cao tinh thần gương mẫu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Báo Thanh tra trân trọng trích giới thiệu cùng bạn đọc.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình chủ trì cùng cán bộ Cục III và lãnh đạo địa phương TCD, giải quyết KN,TC ngay tại cơ sở. Ảnh: Ngọc Giang

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thanh tra đã xác định rõ TCD, giải quyết KN, TC là cầu nối quan trọng và thiết thực để củng cố mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Là một đảng viên trưởng thành từ cơ sở, được tổ chức phân công làm công tác quản lý Nhà nước ở nhiều cấp, tôi luôn thấm nhuần và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư tưởng gần dân, trọng dân. Với cương vị Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Tổng TTCP, tôi đã cùng cán bộ, đảng viên, công chức toàn ngành quán triệt và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là tác phong gần dân, hiểu dân, giải quyết kịp thời KN, TC của nhân dân ngay từ cơ sở.

Xuất phát từ nhiều nguyên nhân như cơ chế chính sách, lịch sử đất đai qua các thời kỳ, trong đó quy định về đền bù, giải tỏa, thu hồi nhà đất còn bất cập, lịch sử diễn biến nhà đất tại nhiều nơi, mà cụ thể tại 20 tỉnh thành phía Nam rất phức tạp, trình độ năng lực của một số bộ phận cán bộ làm công tác TCD, giải quyết KN, TC còn hạn chế, nhận thức pháp luật của công dân chưa đầy đủ, các đối tượng cơ hội chính trị lại lợi dụng kích động… đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với lĩnh vực này. Từ năm 2006 đến 2014, tình hình KN, TC vẫn diễn biến phức tạp, có lúc, có nơi đặc biệt phức tạp, gay gắt, biểu hiện rõ nhất là: Số đoàn đông người tăng mạnh, thái độ khiếu kiện thiếu kiềm chế, KN, TC vượt cấp lên Trung ương gia tăng, nhất là trong các dịp có sự kiện chính trị (như họp Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, hay các ngày lễ lớn của đất nước). Nhiều vụ việc phát sinh từ hàng chục năm, đã được nhiều cấp, ngành xem xét, giải quyết nhưng công dân vẫn tiếp khiếu kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tiềm ẩn nguy cơ làm mất ổn định chính trị - xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Thực tế này đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, đảng viên của ngành Thanh tra cần chủ động vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để tăng cường giải quyết KN, TC một cách sáng tạo. Trong quá trình giải quyết phải đặc biệt chú trọng đến công tác TCD, đối thoại công khai tại cơ sở với phương pháp phù hợp hơn để giải quyết dứt điểm các vụ việc KN, TC phức tạp, tồn đọng, kéo dài, vượt cấp, cũng như các vụ việc mới phát sinh.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải quyết KN “sớm chừng nào, hay chừng ấy”, là cần giải quyết ngay từ cơ sở nơi phát sinh KN của dân. Tại Hội nghị công tác thanh tra toàn miền Bắc ngày 5/3/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các cô, các chú phải làm thế nào đừng để nhiều thư KN gửi thẳng đến Bác, vì các địa phương giải quyết không tốt nên họ phải đưa đến Bác… Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào mới thấy rõ Đảng và Chính phủ luôn quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn”.

Từ nhận thức đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh giá đúng hiện trạng KN, TC của công dân, tôi cùng tập thể lãnh đạo TTCP thành lập các Tổ công tác liên ngành với thành phần là cán bộ có năng lực tốt, phẩm chất chính trị vững vàng, có tác phong gần dân xuống cơ sở TCD, vận động, giải thích pháp luật để công dân đồng thuận với quyết định giải quyết của cơ quan chức năng. Đối với các vụ việc phức tạp như KN của công dân tỉnh An Giang đòi lại đất cũ, KN của công dân huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) đòi lại đất tập đoàn sản xuất, KN về chính sách đền bù giải tỏa tại Khu công nghiệp Long Giang (tỉnh Tiền Giang), TC của 47 hộ dân quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) về sai phạm trong thu hồi nhà đất, KN vượt cấp của công dân tỉnh Tây Ninh đối với Dự án Khu liên hiệp dịch vụ Phước Đông - Bời Lời… Tôi cùng Chủ tịch UBND các tỉnh tổ chức đối thoại đột xuất để lắng nghe, ghi nhận nội dung KN, thống nhất phương án xử lý phù hợp. Cách làm này đã góp phần giải quyết cơ bản các điểm nóng KN, TC đông người, hạn chế tình trạng KN vượt cấp lên Trung ương dù thực tế thẩm quyền giải quyết vẫn thuộc Chủ tịch UBND các tỉnh, thành.

Tuy nhiên, do phương pháp của một số địa phương chưa tốt nên người dân không đồng tình. Khi có lãnh đạo TTCP cùng với Chủ tịch UBND tỉnh, TP tham gia thì người dân tin tưởng hơn và đồng thuận cao. Cách làm này cũng từng bước nâng cao niềm tin của nhân dân vào chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thể hiện được bản chất ưu việt của chế độ ta, Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Đối với địa bàn phía Nam, nơi có nhiều vụ việc phức tạp, bản thân tôi đã phát huy tinh thần người đứng đầu gương mẫu trong TCD, giải quyết KN, TC để cùng cán bộ, đảng viên của ngành chủ động sắp xếp thời gian, bố trí công việc khoa học nhằm dành nhiều thời gian xuống cơ sở TCD định kỳ, đột xuất, với tinh thần phát huy dân chủ trong nhân dân, lắng nghe dân, sát với vụ việc cụ thể, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt quá trình rà soát, xác minh các vụ việc đông người, phức tạp và thống nhất hướng giải quyết đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn, có tính khả thi, được công dân đồng thuận, dư luận đánh giá cao.

Học tập phong cách gần dân, tôn trọng dân, hiểu dân, với một số vụ KN đông người, cùng các Phó Tổng TTCP, tôi đã trực tiếp đến tận nhà của nhiều hộ dân KN có hoàn cảnh khó khăn để động viên, chia sẻ, giải thích, thuyết phục công dân, cũng như chủ trì đối thoại với công dân ngay tại địa phương. Nhiều công dân sau buổi tiếp dân đã cảm động chia sẻ rằng, họ đi KN hàng chục năm nhưng đây là lần đầu tiên được gặp, được nghe lãnh đạo TTCP tiếp xúc, lắng nghe đầy đủ những điều mà bấy lâu nay người dân muốn nói. Khi bức xúc được bày tỏ thì công dân đã chấp thuận phương án nhận hỗ trợ đất ở, đất sản xuất thay vì tiếp tục KN đòi lại đất cũ hay TC gay gắt, không hợp tác với chính quyền. Đây cũng chính là bài học quý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến là dù bất luận thế nào, việc của người dân cũng thuộc về trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước sinh ra để phục vụ dân, cán bộ, đảng viên phải là công bộc của dân. Dân bị oan ức là do cán bộ, chính quyền làm chưa đúng. Dân chưa hiểu là do cán bộ, chính quyền chưa làm cho họ hiểu. Vì vậy, chính quyền có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết các KN, thắc mắc đó.

Từ thực tế vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong TCD, giải quyết KN, TC trong thời gian qua của cơ quan TTCP cũng như các bộ, ngành và địa phương trong cả nước, có thể rút ra 5 bài học kinh nghiệm sau:

Một là, phải sâu sát cơ sở, gần dân, hiểu dân, nắm chắc đặc điểm và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như đặc thù dân cư theo từng vùng miền, từ đó có các biện pháp giải quyết phù hợp.

Hai là, tổ chức đối thoại công khai với người khiếu kiện, tùy theo đặc thù và điều kiện thực tế của từng vụ việc có thể mời cả luật sư hoặc người đại diện của người khiếu kiện cùng đối thoại; kết hợp giữa giải quyết khiếu kiện với giải thích, tuyên truyền phổ biến pháp luật để dân hiểu, đồng thời vận động, thuyết phục công dân chấp hành.

Ba là, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về tiếp dân thường xuyên và tiếp dân định kỳ; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước các cấp trong tiếp dân, đối thoại với công dân.

Bốn là, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong tiếp dân, giải quyết khiếu kiện của công dân; phát huy vai trò các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tiếp dân, đối thoại với công dân, giải thích, vận động, thuyết phục công dân; tạo sự thống nhất, đồng thuận về quan điểm, định hướng và biện pháp giải quyết khiếu kiện của công dân trong hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Năm là, mạnh dạn sửa sai và công khai nhận lỗi trước nhân dân đối với các quyết định giải quyết chưa đúng quy định, những thiếu sót về trình tự, thủ tục; đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quyết định giải quyết khiếu kiện của cấp có thẩm quyền, các ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Những bài học kinh nghiệm từ hình thức TCD ngay tại cơ sở với sự tham gia của lãnh đạo TTCP, Chủ tịch UBND địa phương, cùng các cơ quan dân cử đã từng bước góp phần giải quyết cơ bản nhiều vụ KN, TC kéo dài hàng chục năm. Những cách làm và kinh nghiệm trên của TTCP tuy không mới nhưng phù hợp với đặc thù KN, TC do các nguyên nhân có liên quan đến lịch sử quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai ở nước ta trong thời gian qua; đảm bảo được quyền lợi chính đáng và đáp ứng được nhu cầu bức thiết về đất ở, đất sản xuất của người dân; được dư luận đồng tình, ủng hộ; giải quyết được các vấn đề tình thế liên quan đến an ninh chính trị, trật tự xã hội trước mắt cũng như lâu dài.

Cách làm và kinh nghiệm đó cũng thể hiện được bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, thể hiện mỗi cán bộ, công chức là công bộc của nhân dân, đúng với quan điểm của Đảng, thể hiện sự sáng tạo trong làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần vào kết quả thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương nói chung và Đảng bộ TTCP nói riêng.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm