Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mặt trận giám sát hỗ trợ công tác kiểm tra, thanh tra

Thứ hai, 09/03/2015 - 21:16

(Thanh tra)- Cho ý kiến Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) sửa đổi tại phiên họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) hôm nay (9/3), một số ý kiến cho rằng, cần khẳng định rõ vai trò giám sát đại diện cho nhân dân, mang tính nhân dân của Mặt trận.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, MTTQ không “né tranh” vai trò giám sát của mình, quy định như dự thảo luật là để tránh chồng chéo. Ảnh: Thảo Nguyên

Phải bảo đảm đại diện cho nhân dân

Theo Dự thảo Luật, giám sát của MTTQVN mang tính nhân dân, hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước; phát hiện, phổ biến, nhân rộng những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

“Kết quả giám sát được thể hiện thông qua kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết.

Bày tỏ băn khăn, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt vấn đề, quy định giám sát của Mặt trận chỉ để “hỗ trợ” cho hoạt động thanh tra, kiểm tra của Nhà nước như vậy đúng không? “Theo Dự thảo, MTTQ bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân, giám sát Mặt trận mang tính nhân dân. Vì vậy, giám sát của Mặt trận phải mang tính độc lập, đại diện cho nhân dân, như giám sát của Quốc hội. Cho nên giám sát phải là đại diện cho dân, chứ không phải hỗ trợ cho Nhà nước trong hoạt động thanh tra, kiểm tra”, bà Mai phát biểu.

Lý giải thắc mắc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, giám sát của Mặt trận là giám sát nhân dân nhưng không phải vấn đề gì cũng giám sát. Dự thảo quy định như vậy là để MTTQ kịp thời phát hiện sai phạm, khuyết điểm, bảo đảm dân chủ, tránh chồng chéo, chứ không phải “né tránh” vai trò giám sát của mình. Như trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chính phủ làm tốt rồi thì Mặt trận hỗ trợ để làm tốt hơn. Nhưng nếu có vấn đề thì Mặt trận sẽ không né tránh mà sẽ giám sát.

Tránh “ai cũng được giám sát”

“Anh nào cũng làm giám sát mà không có phạm vi, giới hạn thì sợ rằng chồng chéo. Biết rằng, giám sát của Mặt trận mang tính nhân dân khác với giám sát mang tính quyền lực Nhà nước, nhưng nội dung giám sát lại giống nhau”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói và đề xuất, nên quy định MTTQ tập trung giám sát những vấn đề, công việc cụ thể tại cơ sở, liên quan thiết thực đến đời sống của người dân. Cùng với đó, nên quy định Mặt trận được kiến nghị Quốc hội, UBTVQH, HĐND các cấp tổ chức giám sát những nội dung theo kế hoạch, nghị quyết của Quốc hội, HĐND ban hành và được tham gia là thành viên của Đoàn giám sát những nội dung này để tránh “ai cũng giám sát nhưng vẫn bỏ lọt những vấn đề thiết thực với dân”.

Cũng theo ông Phước, nội dung phản phản biện của MTTQ rất quan trọng, đây là chủ trương lớn của Đảng. MTTQ được thực hiện hai chức năng vừa tham gia xây dựng luật, vừa phản biện chính sách, pháp luật. Cho nên, phản biện của MTTQ nên tập trung trước, trong quá trình xây dựng dự thảo và quan trọng hơn nữa là phản biện quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình dự án với vai trò là đại diện cho nhân dân.

Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, giám sát của Mặt trận mang tính nhân dân, hỗ trợ, góp phần cho giám sát của Nhà nước. Để phát huy vai trò của nhân dân cần phát huy dân chủ, vai trò của nhân dân, bảo đảm công khai, minh bạch. Giám sát và phản biện của MTTQ mang tính toàn diện các chính sách, pháp luật của Nhà nước đang ở trong giai đoạn dự thảo, cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào Dự thảo Luật quy định MTTQVN có trách nhiệm tiếp công dân. UBTVQH cho rằng, Luật Tiếp công dân đã có quy định Ủy ban MTTQVN có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân phù hợp với quyền, trách nhiệm của mình. Theo đó, trách nhiệm tiếp công dân của MTTQVN vẫn được thực hiện mà không cần thiết phải bổ sung quy định về nội dung này trong dự thảo Luật.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm