Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Làm thế nào để luật không phải chạy theo cuộc sống?

Thứ bảy, 23/05/2015 - 10:21

-Lấy ý kiến không chỉ thuần túy là để hợp thức hồ sơ mà việc này có giá trị rất quan trọng trong cả quá trình xây dựng luật.

Ảnh minh họa

Ngày 22/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Một trong những vấn đề đang mang tính thời sự và được đông đảo người dân quan tâm là việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản luật.

Một chuyên gia pháp luật đã nói đại ý rằng: Cảm giác của nhiều người là văn bản pháp luật tiếp tục được phát hành từ các văn phòng có máy lạnh theo tư duy chủ quan của người quản lý, kể cả các văn bản đã được lấy ý kiến “cẩn thận” của dân.

Đây là lý do chính làm cho các văn bản quy phạm pháp luật có đời sống không dài, phải sửa đổi liên tục.

Có thể kể ra một số ví dụ điển hình: Luật Đất đai trước năm 2003 cứ hơn 2 năm phải sửa 1 lần, sau đó Luật Đất đai 2003 cũng phải sửa 2 lần mới tới được Luật Đất đai 2013, nay Luật Đất đai 2013 vừa có hiệu lực thi hành hơn nửa năm thì đã có quy định vênh với Luật Nhà ở 2014.

Vậy làm gì để các văn bản luật tiếp nhận được sức nóng từ đời sống thực tế. Nhiều người đặt kỳ vọng: Việc Quốc hội sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ giải quyết triệt để vấn đề này.

Trong số hơn 20 vấn đề của Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật thì việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả. 

Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì: Trong quá trình soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến cơ quan, tổ chức hữu quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và xác định cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến; đăng tải toàn văn dự thảo trên Trang thông tin điện tử của Chính phủ hoặc của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo trong thời gian ít nhất là 60 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến.

Quy định là vậy, nhưng thực tế việc lấy ý kiến mới chỉ dừng lại kiểu làm cho có, làm cho đúng quy trình. Hay nói cách khác là làm một cách hình thức.

PGS.TS Hoàng Ngọc Giao- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển cho rằng: Lấy ý kiến không chỉ thuần túy là để hợp thức hồ sơ mà việc này có giá trị rất quan trọng trong cả quá trình xây dựng luật.

Ông Hoàng Ngọc Giao lý giải nguyên nhân của việc lấy ý kiến không hiệu quả như sau: “Trong quá trình soạn luật hay là đề nghị xây dựng luật thì cơ quan chỉ trì soạn thảo hay đề nghị chưa xác định được rõ đối tượng chịu tác động. Khi đưa ra để lấy ý kiến thì thường đưa cả dự thảo lên trang web, hoặc đưa ra ý kiến cho các tổ chức xã hội thì chỉ lấy ý kiến chung chung về luật thôi, cùng lắm là đưa ra một số quan điểm khác nhau trong quản lý giữa các cơ quan với nhau thôi, chứ không đưa ra được nội dung lấy ý kiến rõ ràng phải lấy ý kiến về những tiêu chí gì”.

Một dự án luật ra đời có thể tác động đến nhiều nhóm cộng đồng khác nhau, thậm chí lợi ích của các nhóm cộng đồng có thể xung đột với nhau.

Nếu tổ chức lấy được ý kiến của cộng đồng thì sẽ phát hiện ra sự khác nhau về lợi ích giữa các nhóm cộng đồng, trên cơ sở đó nhà làm chính sách, nhà làm luật có thể xác định được mức độ ưu tiên thứ tự hoặc có những giải pháp hài hòa lợi ích, hoặc lựa chọn thứ tự ưu tiên, qua đó giúp cho sự phát triển chung rất tốt.

Mặt khác, đặt trong điều kiện làm luật của chúng ta có biểu hiện lợi ích cục bộ, bộ ngành và lợi ích nhóm thì việc lấy ý kiến một cách rộng rãi, ảnh hưởng của lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm sẽ giảm đi. Thế nhưng để làm được điều này thì cần có cơ chế lấy ý kiến hiệu quả hơn.

Theo ý kiến của bà Trần Huệ Anh (số 48 đường Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội), cách mà chúng ta đang làm như hiện nay rất khó để người dân đóng góp ý kiến vào các dự án luật.

Bà Huệ Anh nói: “Bây giờ dân trí cao, tôi nghĩ chắc nhiều người dân cũng quan tâm đến việc góp ý vào các dự thảo luật nhưng nếu cứ đưa cả bộ luật thì dân chẳng biết góp ý gì. Nếu chẻ ra từng vấn đề thì dễ dàng hơn”.

Nếu như việc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo luật bị coi là hình thức, chưa hiệu quả thì việc tiếp thu ý kiến cũng bị coi là ở tình trạng tương tự.

Theo ông Nguyễn Sĩ Cương – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận: Việc tiếp thu, giải trình đã không được quan tâm đúng mức.

Ông Cương nói: “Có những dự án luật đưa ra tổ chức trưng cầu ý kiến rộng rãi. Cứ nói rằng tiếp thu tối đa giải trình thuyết phục nhưng mà nó luôn luôn là khẩu hiệu. Rất nhiều đại biểu có ý kiến xác đáng, rất đúng vấn đề, rất có cơ sở, nhưng đến lúc tiếp thu lại tìm mọi cách để giữ lại cái mà mình đã muốn ban hành ra, mình đã dự thảo rồi, để rồi bác bỏ. Điều đó khiến cho việc lấy ý kiến, kể cả ý kiến công chúng lẫn ý kiến đại biểu QH trở nên hình thức”.

Để pháp luật không xa rời thực tế, nâng cao tính khả thi của các văn bản luật thì việc nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến góp ý vào dự thảo Luật ban hành văn bản pháp luật một cách cẩn trọng, trách nhiệm để có được một quy trình xây dựng pháp luật đạt hiệu suất, hiệu quả và hiệu lực cao./.

Theo Ngọc Chi/VOV.vn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm