Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không ít công chức sẵn sàng tiếp tay cho tham nhũng

Thứ tư, 21/11/2012 - 21:59

(Thanh tra)- Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới vừa chủ trì buổi họp báo công bố kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp (DN) và cán bộ, công chức, viên chức” (CBCC).

Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Thái Hải

Khảo sát ý kiến của 5.460 CBCC, DN và người dân tại 10 tỉnh, thành phố thì trên 75% cho rằng, tham nhũng trong lực lượng cảnh sát giao thông và quản lý đất đai là phổ biến. Sau đó đến ngành xây dựng và hải quan. Các ngành, lĩnh vực mà những người tham gia khảo sát, nhìn nhận ít tham nhũng nhất là: Bưu điện, báo chí, kho bạc và cảnh sát khu vực.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, xác suất người dân trả hối lộ cao nhất là cho cảnh sát giao thông (47%), xin học (32%) và xin việc trong các cơ quan Nhà nước (29%) và thấp nhất là trong bảo hiểm và phúc lợi xã hội (2%), khai thuế nộp thuế (3%).

Dịch vụ y tế tác động đến nhiều người nhất và cũng là lĩnh vực có nhiều hối lộ -18,2%.

Khảo sát cũng ghi nhận: 52% số DN có các hoạt động phòng, chống tham nhũng (PCTN), 43% người dân sẽ tố cáo tham nhũng và 85% số CBCC cho biết nhận thức về tham nhũng đã được nâng cao.

Tuy nhiên, một trong những thách thức trong việc PCTN lại xuất phát từ chính CBCC. Có tới 64% CCBC cho biết sẵn sàng tiếp tay cho đối tượng tham nhũng và 86% cho rằng, tâm lý e ngại khi đấu tranh chống tham nhũng vẫn còn phổ biến trong CBCC. Nguyên nhân không tố cáo tham nhũng xuất phát từ việc không tin tưởng vào người có thẩm quyền; ngại đụng chạm đến những người thân quen; sợ bị trù dập, trả thù; người có thẩm quyền có thể có liên quan đến đối tượng tham nhũng; không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình và không được khen thưởng…

Đánh giá cao vai trò của cơ quan truyền thông đại chúng, có tới 80% DN và CBCC cho rằng, báo chí phát hiện ra tham nhũng trước khi cơ quan chức năng phát hiện. Hơn 85% cho rằng, áp lực từ báo chí giúp các vụ tham nhũng khỏi bị “chìm xuồng”.

Nhóm khảo sát cho rằng, cần xây dựng minh bạch thật sự, tiếp cận thông tin với chế tài giám sát và thực hiện, trao quyền cho báo chí để giúp báo chí tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, áp dụng kỹ năng điều tra, phát hiện trường hợp tham nhũng. Cần giúp báo chí tự do hơn bằng cách không xử lý hình sự với những trường hợp mà nhà báo mắc lỗi có thể làm cho báo chí đưa tin mạnh mẽ hơn về tham nhũng.

Nhấn mạnh “ở Việt Nam, tham nhũng được nhận định còn nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các giải pháp PCTN thời gian qua bước đầu đã phát huy hiệu quả nhưng chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét”, Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cũng đồng thời lưu ý: Nhiều vấn đề liên quan đến tình hình tham nhũng và công tác PCTN có thể được nhận diện ở những góc độ nhất định thông qua việc thực hiện các cuộc khảo sát, điều tra xã hội học đối với những nhóm đối tượng liên quan. Do những hạn chế nhất định trong việc tổ chức triển khai khảo sát nên kết quả không đại diện cho ý kiến tổng thể nhân dân, DN và đội ngũ CBCC. Báo cáo cũng chưa phản ánh một cách toàn diện, đầy đủ và chính xác về thực trạng PCTN của Việt Nam và cũng không phải là ý kiến đánh giá của các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, kết quả khảo sát này rất có ý nghĩa để các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà khoa học và những người làm công tác hoạch định chính sách về PCTN tham khảo, phục vụ cho công tác nghiên cứu nhằm hướng tới mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng tại Việt Nam.

  Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm