Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không được để xếp hạng CCHC cao mà người dân lại không hài lòng

Thứ bảy, 06/09/2014 - 10:31

(Thanh tra) - Tại hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2013, ngày 5/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thông qua các thứ hạng có thể nghe được tiếng nói của dân và biết nền hành chính đơn vị mình vận hành hiệu quả đến đâu, để có những phương án điều chỉnh thích hợp...

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thảo Nguyên

Một thực tế hiện nay, tốc độ CCHC trên phạm vi cả nước còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra, nhiều vấn đề, nhất là thủ tục hành chính, chất lượng dịch vụ công, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức... còn gây nhiều bức xúc trong xã hội, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân, doanh nghiệp.

Chỉ số nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thấp nhất

Theo Bộ Nội vụ, chỉ số CCHC năm 2013 cho thấy, kết quả đạt được của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố có xu hướng đồng đều hơn, khoảng cách cũng thu hẹp hơn so vớ chỉ số CCHC năm 2012.

Có 3 bộ, 22 tỉnh (nhiều hơn 4 tỉnh so với năm 2012) đạt chỉ số CCHC trên 80%. Trong khi đó, chỉ số CCHC dưới 70% chỉ còn 1 bộ (năm 2012 có 4 bộ) và 7 tỉnh (giảm 5 tỉnh so với năm 2012).

Tuy nhiên, giá trị cực đại, cực tiểu của chỉ số CCHC cấp bộ, cấp tỉnh có những xu hướng biến động khác nhau. Cấp bộ, giá trị chỉ số CCHC cao nhất giảm, giá trị thấp nhất tăng, trong khi ở cấp tỉnh, giá trị cao nhất, thấp nhất đều giảm so với năm 2012.

Đáng chú ý, cấp bộ, cấp tỉnh đều có giá trị trung bình thấp ở một số tiêu chí thành phần. Cấp bộ có 5/7 chỉ số thành phần có giá trị thấp dưới 80%, trong đó thấp nhất là chỉ số thành phần về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức chỉ đạt 58,67%. Chỉ số thành phần này cũng thấp nhất ở cấp tỉnh với mức 62,26%.

“Điều này thể hiện kết quả đạt được trong các lĩnh vực này chưa đạt yêu cầu đề ra, cũng như chưa đáp ứng được mong muốn của người dân và xã hội đối với cơ quan hành chính”, báo cáo của Bộ Nội vụ đánh giá.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, để cải thiện chỉ số thành phần trên đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần đưa ra những giải pháp mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả hơn, mà trọng tâm là xây dựng cơ cấu công chức theo ví trị việc làm, đổi mới công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiến tới một nền công vụ “chuyên nghệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả”.

Phải hướng đến phục vụ người dân

Hiện nay, chúng ta đã có các chỉ số như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)... đánh giá đa chiều, nhiều khía cạnh liên quan đến nền hành chính.

“Phải nhận thức rằng Chỉ số CCHC chỉ là một kênh thông tin đánh giá kết quả CCHC hàng năm. Mặc dù đã có sự chuyển biến so với năm 2012, nhưng chúng ta không được bằng lòng với kết quả đó, vấn đề phải làm sao cho bộ máy hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân và xã hội“, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong CCHC. Người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp phải xác định rõ kết quả cụ thể phải đạt, những nhiệm vụ phải thực hiện gắn với trách nhiệm các cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện và bố trí nguồn lực thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra triển khai CCHC.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, “kết quả CCHC hàng năm của bộ, tỉnh là một cơ sở để đánh giá năng lực và trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp”.

Các bộ, ngành, địa phương xếp thứ hạng cao cần duy trì những kết quả đã đạt được, tiến tới nâng cao hơn nữa tác động tích cực của CCHC đối với phát triển kinh tế, xã hội và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Các bộ, ngành và địa phương đạt kết quả Chỉ số CCHC năm 2013 thấp cần xem xét cụ thể nguyên nhân, các vấn đề liên quan để tăng cường công tác chỉ đạo điều hành một cách toàn diện, đồng bộ trên tất cả các nội dung CCHC, giúp cải thiện thứ hạng Chỉ số CCHC ở những năm sau.

Phó Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành, địa phương có chỉ số CCHC thấp “phải trả lời được câu hỏi vì sao nên nông nổi này”. Đặc biệt Bộ Nội vụ phải lắng nghe để hoàn thiện chỉ số đánh giá, công tâm, khách quan, đặc biệt phải phối hợp với các chỉ số khác để đánh giá đồng bộ như chỉ số hài lòng của người dân, chỉ số công nghệ thông tin… và cả dư luận của xã hội. Việc công bố hàng năm phải tốt hơn nữa, bảo đảm tính thực chất, khách quan, đặc biệt phải tránh cho được tham nhũng, tiêu cực, tránh trường hợp chỉ số của bộ, ngành, địa phương xếp ở vị trí cao mà người dân lại không hài lòng.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng: 

Sẽ rà soát kỹ việc bố trí cán bộ

Năm 2012, Bộ Tư pháp xếp thứ nhất, đứng đầu trong các bộ, ngành trong chỉ số CCHC. Năm 2013 xếp thứ 5, so với năm 2012, tụt xuống 4 bậc, nhưng vẫn nằm trong tốp đầu, do năm nay Bộ Tư pháp có nhiều công việc phải triển khai trong lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện thể chế, đặc biệt là triển khai thi hành Hiến pháp nên chưa thật tập trung cho việc CCHC. 

Trên cơ sở xếp hạng, chúng tôi sẽ rà soát kỹ lại ở 7 lĩnh vực, 31 tiêu chí đánh giá để xem những tiêu chí nào không đạt, tìm ra nguyên nhân tại sao để có biện pháp, giải pháp cụ thể khắc phục. Chúng tôi quyết tâm trong năm 2014 sẽ cải thiện chất lượng xếp hạng của mình, phấn đấu để đạt thứ hạng cao.

Đối với chỉ số thành phần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, nhất là đánh giá 18/19 bộ không đạt điểm số nào ở tiêu chí xác định cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chúng tôi cũng đang rà soát kỹ lại để xem việc bố trí như vậy phù hợp chưa. 

Về cơ bản, Bộ Tư pháp sắp xếp, bố trí việc làm cho cán bộ, công chức tương đối phù hợp. Tuy nhiên, cũng có những cán bộ phải xem xét kỹ để làm sao xác định đúng người, đúng việc, đúng sở trường của họ trong ngành tư pháp.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn: 

Thứ hạng không phải là cái quyết định

Mục tiêu CCHC là bảo đảm thực hiện cho người dân được tốt hơn. Muốn làm được việc đó, trước hết cần sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo địa phương; sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, sự đồng thuận của cộng đồng.

Riêng TP Đà Nẵng sau khi xem xét báo cáo tổng quan cũng như chi tiết, chúng tôi thấy, dù đang đứng đầu bảng xếp hạng nhưng vẫn có nhiều tồn tại cần phải khắc phục. Thứ hạng chỉ đánh giá mặt khách quan, không phải là cái quyết định, cho nên bên cạnh duy trì thứ hạng, chúng tôi sẽ tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế mà trong báo cáo đã vạch ra, đồng thời phát huy những mặt đã đạt được. 

Tôi tin rằng, các bộ, ngành, địa phương khác cũng sẽ tiếp tục cải thiện thứ hạng CCHC để làm sao bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, phục vụ người dân được tốt hơn.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Kạn: Đề xuất phương án hợp nhất 10 sở, ngành

Bắc Kạn: Đề xuất phương án hợp nhất 10 sở, ngành

(Thanh tra) - Chiều 11/12, Ban Chỉ đạo về Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2027 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Trung Hà

21:14 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm