Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không để lợi dụng chính sách miễn giảm THA

Thứ hai, 03/11/2014 - 20:38

(Thanh tra)- Thảo luận Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án (THA) dân sự (DS), hôm nay (3/11), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng phải quy định chặt chẽ điều kiện để tránh tình trạng lợi dụng chính sách, gây tiêu cực khi xét miễn, giảm nghĩa vụ THA...

ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình). Ảnh: Thảo Nguyên

Miễn, giảm THA có giảm án tồn đọng?

Luật THADS đã có quy định về miễn, giảm nghĩa vụ THA đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, quy định này còn chưa sát với thực tiễn, nhất là đối với số án tồn trước 1/7/2009. Thực tế, có những việc mà các cơ quan THADS đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục và áp dụng các biện pháp cần thiết để tổ chức thi hành trong nhiều năm nhưng “bó tay” không có kết quả, gây tốn kém công sức, kinh phí từ ngân sách Nhà nước.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, việc duy trì cơ chế xét miễn, giảm nghĩa vụ THA đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước nhằm cụ thể hóa chính sách nhân đạo của Nhà nước ta, cho nên không cần phân biệt các loại tội danh không được xét miễn, giảm.

“Để bảo đảm sự công bằng, tránh việc người phải THA trốn tránh nghĩa vụ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị không bổ sung trường hợp không xác định được nơi cư trú hoặc không xác định được tài sản của người phải THA vào diện được xét miễn, giảm. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng cụ thể hóa các điều kiện để xem xét miễn, giảm”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện cho biết.

Tán thành với quy định của dự thảo, nhưng nhiều ĐBQH cho rằng, cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các điều kiện miễn, giảm; thu hẹp phạm vi đối tượng được miễn, giảm THA; bỏ cụm từ “có thể” để tránh gây ra tiêu cực khi xét miễn, giảm nghĩa vụ THA. “Tôi đồng tình chính sách miễn, giảm THA những cần phải quy định chặt chẽ để tránh tình trạng lợi dụng chính sách trục lợi”, ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) nhấn mạnh.

ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) thì đề nghị bỏ quy định này vì không giải quyết tận gốc lý do làm lượng án tồn đọng mà chỉ là giải pháp tạm thời thay vào đó, sớm sửa ngay các quy định của pháp luật hình sự, bỏ tiền án phí hình sự, bỏ tiền phạt các vụ án ma túy.

ĐB Thường phân tích, xác định tội phạm là trách nhiệm của Nhà nước tại sao lại bắt người phạm tội nộp tiền án phí khi mà họ đã nộp thuế để Nhà nước làm công việc đó? Nhiều tử tù đã THA tử hình mà số tiền án phí vẫn còn đó chẳng lẽ chúng ta lại vẫn tiếp tục đòi? Vì vậy, án phí hình sự là bất hợp lý, là không phù hợp. Trong khi đó, số việc tồn đọng hiện nay chủ yếu là án phí và tiền phạt thu ngân sách Nhà nước, mà người phải THA hầu hết là những người phạm các điều về ma túy, án dài 10 - 20 năm, chung thân, thậm chí đã tử hình hoặc là những người nghiện ma túy phạm tội.

“Bỏ án phí hình sự là bỏ một khoản thu rất nhỏ có thể thu được nhưng lại giảm đáng kể lượng việc phải giải quyết, lượng việc tồn và cao hơn có thể giảm ngay tức khắc 20% số cán bộ THADS hiện nay”, ĐB Thường nói.

Giữ 2 cơ chế ra quyết định THA

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Dự thảo Luật trình Quốc hội kỳ này đã sửa đổi theo hướng, chuyển việc xác minh điều kiện THA từ nghĩa vụ của người được THA thành trách nhiệm của chấp hành viên và người được THA vẫn có quyền tự mình hoặc uỷ quyền cho cá nhân, tổ chức xác minh điều kiện của người phải THA.“Đây là nội dung quan trọng nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn công tác THADS hiện nay”.

Bên cạnh đó, UBTVQH đề nghị giữ quy định 2 cơ chế ra quyết định THA (chủ động và theo đơn yêu cầu) nhưng mở rộng hơn loại việc cơ quan THADS phải chủ động ra quyết định THA. “Để nâng cao trách nhiệm của cơ quan THADS, Dự thảo Luật bỏ quy định về “trả lại đơn yêu cầu THA”, trường hợp người phải THA chưa có điều kiện THA, cơ quan THADS vẫn có trách nhiệm theo dõi và tiến hành xác minh, tổ chức việc THA khi có thông tin về người phải THA khi có điều kiện THA”, ông Hiện nói.

Nhiều ĐB tán thành với dự thảo nhằm bảo đảm nguyên tắc tự định đoạt, tự thỏa thuận trong giải quyết các loại việc dân sự, tạo điều kiện, khuyến khích các bên giải quyết việc THA, nhất là đối với trường hợp các đương sự là doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) lưu ý, để tránh tình trạng thiếu hiểu biết nên khi có đơn yêu cầu THA đã hết thời hiệu gây thiệt thòi cho đương sự, cần quy định rõ, cơ quan tòa án, khi ra quyết định, bản án cần tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục này. “Cơ quan THA phải nâng cao trách nhiệm, chủ động ra quyết định THA các loại việc theo quy định và tôn trọng quyền tự thỏa thuận của các bên liên quan đến THA”.

Tuy nhiên, theo ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình), người dân ở vùng cao, vùng sâu, đồng bào dân tộc thiểu số hiểu biết liên quan đến THA còn hạn chế, nếu không được cơ quan có thẩm quyền tư vấn, hướng dẫn kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người được THA. “Bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan THA ra quyết định thi hành và thông báo cho người được THA biết mà không cần phải có đơn yêu cầu”, ĐB Thủy đề xuất.

Không thể gây thêm phiền hà cho đương sự

Theo Chính phủ, để tránh tình trạng cắt khúc, tách rời giữa hoạt động xét xử với hoạt động THA cần bổ sung quy định Tòa án có trách nhiệm quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành. Còn các loại quyết định khác trong quá trình THADS chỉ mang tính chất hành chính, thuộc về nghiệp vụ THA thì do cơ quan, tổ chức THADS thực hiện.

UBTVQH cho rằng, quy định này thực chất, chỉ mang tính hình thức, không có tác dụng nhiều đến hiệu quả THADS và cũng không phải là vấn đề bức xúc cần sửa đổi. Hơn nữa, quy định này khó đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời hạn THA và có thể gây thêm phiền hà cho đương sự, vì họ phải liên hệ với cả 2 cơ quan trong quá trình THADS.

“UBTVQH đề nghị cho giữ quy định cơ quan THAD

S ra quyết định THA như hiện hành”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện cho biết.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm