Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không cần “khóa” độ tuổi hành nghề công chứng

Thứ sáu, 21/02/2014 - 09:55

(Thanh tra) - Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 20/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Người dân được lựa chọn dịch vụ công chứng. Ảnh: Thảo Nguyên

>> Cần thiết lập hàng rào kỹ thuật với phế liệu nhập khẩu   

Công chứng viên được chứng thực

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Phan Trung Lý cho biết, về việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên, có 2 loại ý kiến.  

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giao lại cho công chứng viên thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao như các cơ quan hành chính Nhà nước. Nhưng cũng có ý kiến không tán thành, vì hoạt động công chứng ở nước ta đang được phát triển theo hướng công chứng về nội dung, phân biệt với các hoạt động chứng thực chỉ xác nhận về mặt hình thức.

“Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy về lâu dài, việc tách bạch, chuyên môn hóa hoạt động công chứng là cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện và hoàn cảnh thực tế ở nước ta hiện nay, việc giao cho các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên nhiệm vụ chứng nhận bản dịch, chứng thực chữ ký và bản sao giấy tờ, văn bản như các cơ quan hành chính Nhà nước đang làm hiện nay sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận loại hình dịch vụ công này”, ông Phan Trung Lý nói.

Cùng với đó, để bảo đảm chất lượng của hoạt động công chứng, phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế của các tổ chức này, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị giao cho công chứng viên nhiệm vụ chứng nhận bản dịch giấy tờ. 

Theo ông Phan Trung Lý, dự thảo quy định người dịch phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung bản dịch so với bản chính hoặc bản sao giấy tờ được dịch; người yêu cầu chứng nhận bản dịch chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các giấy tờ được dịch. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định việc dịch giấy tờ để công chứng phải do người dịch được cấp phép hành nghề dịch thuật thực hiện để nâng cao chất lượng của bản dịch, quản lý tốt hơn đội ngũ dịch thuật. 

Cơ bản tán thành nhiều ý kiến dự thảo, song Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng lý giải của Ủy ban Thẩm tra về phạm vi điều chỉnh chưa thuyết phục. Theo bà Mai, chứng thực là việc của các cơ quan hành chính, vì vậy cần phải lý giải hiện hoạt động này có đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hay không, có quá tải hay không... Nếu quá tải thì cần phải mở thêm một kênh khác để giải quyết vấn đề này. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng việc quyết định giao cho công chứng viên thực hiện một phần việc mà Uỷ ban Nhân dân đang làm không có nghĩa là Uỷ ban Nhân dân thôi không làm nhiệm vụ đó nữa mà vẫn tiếp tục làm, tức là song song tồn tại. Ông Hiện nhấn mạnh, không phải cứ Nhà nước không làm được thì mới xã hội hóa. Nếu cả Nhà nước và tổ chức xã hội hóa cùng làm tốt việc này thì nên giao cho xã hội hóa làm, đây là xu hướng chung của thế giới. 

Chỉ “giới hạn” độ tuổi đối với công chứng công

Thảo luận về độ tuổi hành nghề của công chứng viên, ông Phan Trung Lý cho rằng, để kiểm soát chất lượng của hoạt động công chứng, cần quy định tiêu chuẩn của người hành nghề công chứng trong suốt quá trình hành nghề, đặc biệt là tiêu chuẩn về sức khỏe (ví dụ như bổ sung cơ chế để cơ quan quản lý Nhà nước có thể định kỳ kiểm tra, quản lý việc bảo đảm điều kiện hành nghề của công chứng viên). Người không bảo đảm điều kiện hành nghề sẽ bị xem xét miễn nhiệm, không được tiếp tục hành nghề nữa.

Do ý kiến còn khác nhau, Thường trực Ủy ban Pháp luật dự kiến 2 phương án về nội dung này trong dự thảo Luật. Phương án 1, công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ. Công chứng viên của các phòng công chứng sau khi đã nghỉ hưu theo quy định của Luật Viên chức, có thể tiếp tục hành nghề công chứng tại văn phòng công chứng cho đến khi đủ 65 tuổi. Phương án 2, không quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng viên trong Luật này, tương tự như đối với các ngành nghề mang tính chuyên môn sâu và đã được xã hội hóa như luật sư, y bác sĩ, giáo viên... để tận dụng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của những người làm các công việc này...

Bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định “khống chế” độ tuổi hành nghề công chứng, bà Trương Thị Mai phân tích tuổi hành nghề và tuổi nghỉ hưu là 2 nội dung khác nhau. Luật Lao động hiện không khống chế tuổi hành nghề, chỉ có một số nghề có thể gây hại mới khống chế tuổi hành nghề. Vì vậy, bà Mai đề nghị chỉ quy định tuổi nghỉ hưu của công chứng trong đơn vị sự nghiệp công lập theo Bộ Luật Lao động, không  nên “khóa” độ tuổi hành nghề, nhất là với nghề công chứng. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng không cần khống chế tuổi hành nghề công chứng, nhưng cần có giấy khám sức khỏe để khẳng định được công chứng viên còn đủ sức khỏe và minh mẫn tiếp tục công việc. 

Cùng trao đổi vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đã công chứng thì phải bảo đảm tính pháp lý của văn bản công chứng. Nếu không quy định độ tuổi hành nghề thì trong luật phải quy định 1 năm phải đi khám sức khỏe một lần để bảo đảm sự minh mẫn của công chứng viên. 

Ngày mai (21/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21/11/2012 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; dự án Luật Đầu tư công và dự án Luật Xây dựng (sửa đổi).

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm