Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 06/07/2013 - 10:25
(Thanh tra) - Ngày 5/7, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội dành trọn 1 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến các vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, nợ xây dựng cơ bản, thu thuế doanh nghiệp, phòng cháy chữa cháy… đã được giải đáp.
Toàn cảnh cuộc họp tại phiên chất vấn. Ảnh: Thảo Nguyên
Giải ngân hỗ trợ doanh nghiệp mới được 7,6%
Theo UBND TP Hà Nội, năm nay dự toán bố trí 100 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư và hỗ trợ sau đầu tư cho các doanh nghiệp, nhưng kết quả giải ngân 5 tháng đầu năm mới đạt 7,6% dự toán.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do kinh tế khó khăn, lãi suất ngân hàng còn cao nên ít doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho sản xuất. Một số doanh nghiệp có dự án đầu tư nhưng không đáp ứng các điều kiện trong các quy định của thành phố về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư như: nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội…
“Cơ chế chính sách giải ngân của chúng ta quá chặt chẽ, như doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu phải trên 200 lao động trở lên, vì thế số doanh nghiệp đạt đủ yêu cầu để nhận tiền hỗ trợ rất ít. Dự kiến, tiến độ giải ngân trong 6 tháng cuối năm mới thực hiện được”, Phó Chủ tịch TP Hà Nội nói.
Thông tin từ Cục Thuế Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có 2.896 tổ chức, doanh nghiệp đang sử dụng 3.633 lô đất mới được tính tạm nộp tiền thuê đất sản xuất kinh doanh, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, phức tạp trong quản lý nhà nước.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, các lô đất trên chủ yếu được giao cho các tổ chức và hộ gia đình sản xuất kinh doanh từ những năm hòa bình lập lại đến nay, cho nên việc quản lý hồ sơ đất đai rất khó khăn. Thành phố phải tạm thu, ấn định mức thuế tạm thu vì chưa ký được hợp đồng thuê đất cụ thể.
UBND thành phố đã mời các ban, ngành như Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch kiến trúc giải quyết và đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, qua nhiều năm, thời kỳ không còn hồ sơ đất đai nên khó có thể giải quyết nhanh được.
Về việc tạm thu thuế với hơn 1.000 lô đất của các doanh nghiệp chưa đủ giấy tờ hợp lệ, nhiều đại biểu băn khoăn về tính hợp pháp trong thực hiện và các giải pháp khắc phục.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Huy Tưởng cho biết, căn cứ để thu thuế đối với các trường hợp này đều thực hiện theo đúng quy định pháp luật, nếu khoản thu nào doanh nghiệp không chứng minh được thì cơ quan thuế có quyền ấn định. Việc tạm thu này không đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa mảnh đất đó cho doanh nghiệp, mà Nhà nước thu thuế vì doanh nghiệp có sử dụng đất, có sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Huy Tưởng khẳng định, đơn giá để tính thuế đều theo đúng quy định của thành phố, không có chuyện doanh nghiệp có giấy tờ hợp lệ thì thu mức cao hơn doanh nghiệp không có giấy tờ hợp lệ.
Nợ xây dựng cơ bản còn ở cấp quận, huyện
Một vấn đề được nhiều đại biểu chất vấn UBND thành phố, đó là tình trạng nợ xây dựng cơ bản, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền và biện pháp để ngăn chặn khắc phục tình trạng này.
Báo cáo cho thấy, đến thời điểm 31/12/2012, có 11 đơn vị cấp huyện có nợ xây dựng cơ bản, bao gồm: 10 huyện (Ba Vì, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thường Tín, Ứng Hòa, Thanh Oai) và thị xã Sơn Tây. Tổng số nợ là 990,7 tỷ đồng với 1.547 dự án. Huyện nợ nhiều nhất là Phúc Thọ (159,9 tỷ); ít nhất là Thanh Oai (6,4 tỷ).
Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng cho biết, tình trạng nợ xây dựng cơ bản chỉ có ở cấp quận, huyện, xã. Thành phố đã có văn bản chỉ đạo đối với các huyện có số nợ xây dựng cơ bản ít, yêu cầu trích ngân sách thành phố phân cấp để thanh toán dứt điểm ngay trong năm 2013. Các huyện có số nợ xây dựng cơ bản nhiều, năm 2013 phải bố trí vốn xử lý ít nhất 30% khối lượng nợ đọng xây dựng cơ bản, đến năm 2015 phải hoàn thành xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản còn lại và không phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản mới.
Tuy nhiên, các quận, huyện vẫn dùng vốn bố trí cho các dự án mới, chưa nghiêm túc thực hiện chỉ đạo. UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các quận, huyện thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh chất vấn, năm 2009, thành phố đã có nợ xây dựng cơ bản và đã bố trí vốn để xóa nợ. Nhưng đến cuối năm 2012, lại phát sinh nợ, hiện đã lên đến 990 tỷ đồng. “Vậy nguyên nhân do đâu và trong báo cáo không thấy trách nhiệm của UBND thành phố về vấn đề này”.
Đại biểu Lê Văn Hoạt đặt câu hỏi, nợ xây dựng cơ bản đã tồn tại từ lâu, UBND thành phố cần có biện pháp chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn.
“Về số nợ phát sinh tiếp, thành phố đã kiểm tra và kiên quyết không bố trí dàn trải, không khởi công các dự án không có nguồn, UBND sẽ chấn chỉnh và quyết liệt hơn trong việc kiểm tra, xử lý. Nếu tổ chức, đơn vị nào tiếp tục để nợ, thành phố sẽ xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Huy Tưởng nhấn mạnh.
Kết thúc phần chất vấn Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị, UBND thành phố quan tâm hơn đến việc điều chỉnh, đề xuất cơ chế chính sách theo thẩm quyền và khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp. 6 tháng cuối năm sẽ sử dụng có hiệu quả phần ngân sách dành cho hỗ trợ doanh nghiệp và xúc tiến thương mại; công khai các thủ tục, tiêu chí, quy chế sử dụng nguồn hỗ trợ và xúc tiến thương mại.
Về xử lý nợ xây dựng cơ bản, UBND thành phố cần thực hiện nghiêm chỉ thị của Chính phủ, tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các đơn vị không chấp hành nghiêm, kiên quyết không bố trí công trình mới khi chưa xử lý xong nợ xây dựng cơ bản và không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản. Đồng thời, cần có cơ chế xử lý các đơn vị vi phạm, trong đó có xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Đình chỉ ngay những cây xăng nguy hiểm |
Đối với việc làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm về những vụ cháy liên tiếp gần đây trên địa bàn Thủ đô cũng như cần có những giải pháp đột phá trong công tác phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cho biết, hàng năm, vào đầu vụ nắng nóng hay xảy ra các vụ cháy, nguyên nhân do thời tiết làm gia tăng cháy nổ. Mặt khác, ý thức của một bộ phận lãnh đạo, quần chúng nhân dân chưa cao trong quá trình sử dụng điện, các nguồn nhiệt, vật liệu dễ cháy nổ; một số đơn vị coi nhẹ công tác phòng cháy, chữa cháy. Về việc kiểm tra, rà soát việc cấp phép và hiện trạng bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy của 489 cây xăng đang hoạt động trên địa bàn, đặc biệt là vùng nội đô, theo ông Sơn, Sở vẫn thường xuyên kiểm tra theo tiến độ. Trước vụ cháy tại đường Trần Hưng Đạo, đã kiểm tra 52 cây xăng dầu và sau khi xảy cháy, Sở đã kiểm tra đợt 1. Qua kiểm tra, đã yêu cầu 8 cửa hàng phải phá dỡ, 2 cửa hàng phải ngừng kinh doanh, 52 cửa hàng phải cải tạo lại, trong đó có 28 cửa hàng đã cải tạo xong, 24 cửa hàng chưa xong cải tạo. Hiện Sở đang tiếp tục tiến hành kiểm tra đợt 2… Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Ngô Thị Doãn Thanh yêu cầu, UBND thành phố cần có lộ trình di dời và đình chỉ ngay những cây xăng nguy hiểm, không đáp ứng đủ điều kiện và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời quản lý chặt chẽ hơn việc cấp phép kinh doanh các cây xăng, cùng đó tăng cường tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng và tạo chuyển biến về phòng cháy, chữa cháy; làm rõ trách nhiệm giữa các cơ quan liên quan trong phòng cháy, chữa cháy và xử lý những bất cập trong lĩnh vực này. |
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tại kỳ họp thứ 52, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kết quả kiểm tra việc kê khai tài sản, thu nhập của các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý tại 3 tỉnh, thành: Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Hương Giang
17:21 11/12/2024(Thanh tra) - Phụ cấp xét xử cho hội thẩm tăng 90.000 lên 900.000 đồng/ngày từ 1/7/2025, theo Pháp lệnh Chi phí Tố tụng được thông qua.
Hương Giang
17:08 11/12/2024Hải Hà
15:38 11/12/2024Chính Bình
15:26 11/12/2024Trung Hà
14:53 11/12/2024Bùi Bình
14:35 11/12/2024Trần Quý
Văn Thanh
N. Phó - L. Bằng
Hương Giang
Hải Hà
Hương Giang
TC
Hải Hà
Trung Hà
Chính Bình
Chính Bình
Trung Hà