Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

ĐBQH Đỗ Văn Vẻ: “Không nên lo lắng chuyện không có nguồn thu”

Thứ hai, 03/11/2014 - 18:18

(Thanh tra) -Trao đổi với báo chí về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế bên hành lang Quốc hội ngày 3/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nhấn mạnh: "Chúng ta không nên lo lắng chuyện không có nguồn thu. Nếu một khi chính sách đi vào cuộc sống, đi vào lòng người rồi thì kích thích cho phát triển sản xuất nhanh lắm".

ĐBQH Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình). Ảnh: Thảo Nguyên

+ Những năm gần đây, Chính phủ nhiều lần trình Quốc hội ban hành Nghị quyết điều chỉnh các chính sách về thuế. Dưới góc độ của cộng đồng doanh nghiệp (DN), ông đánh giá như thế nào về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều tại các luật về thuế?

- Tôi thấy việc sửa một lúc tới 5 luật thuế, trong đó có nhiều lĩnh vực có liên quan đến tài chính và DN là chủ trương rất đúng, trúng, phù hợp với tình hình thực tế và mong muốn của các DN.

Những vấn đề liên quan đến sửa đổi của 5 luật hết sức thiết thực, sẽ tạo động lực tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Ví dụ, một số điều chỉnh giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sẽ kích thích sản xuất kinh doanh. Thuế TNDN chỉ thu được khi DN có lãi, nhưng hiện 70% các DN hiện nay chưa có lãi, nếu để thuế cao, chúng ta cũng không thu được. Để tạo động lực khuyến khích các DN phát triển, việc điều chỉnh mức thuế thấp hết sức phù hợp. 

Cùng với đó, Chính phủ dự kiến bỏ quy định khống chế khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị... cũng  rất phù hợp. Ví dụ năm nay tôi ra một sản phẩm mới thì rõ ràng chi phí quảng cáo phải cao hơn thì mới được nhiều người biết đến, mua nhiều sản phẩm… Nhưng sang năm hoặc năm nữa, khi DN đã có thị trường, uy tín, lòng tin thì chi phí quảng cáo phải giảm xuống. Đó là, bước cải thiện rất lớn.

Rồi các lĩnh vực khác trong điều chỉnh thuế lần này cũng rất cần thiết, không những tạo thuận lợi cho DN, mà còn cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế và thực thi của cơ quan thuế.

+ Quốc hội đã có Nghị quyết yêu cầu không ban hành, điều chỉnh chính sách làm giảm thu, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách. Nhưng Dự án Luật này khi áp dụng khiến giảm thu khoảng 11.800 tỷ?

- Về mặt vĩ mô, chúng ta phải đảm bảo cân đối thu - chi. Nhưng chúng ta không nên lo lắng chuyện không có nguồn thu. Nếu một khi chính sách đi vào cuộc sống, đi vào lòng người rồi thì kích thích cho phát triển sản xuất nhanh lắm. 

Các DN sẽ có động lực phát triển tốt hơn thì họ tích cực làm ngày làm đêm đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu ra nước ngoài… từ đó sản lượng cao hơn, doanh thu cao hơn, thì phần lợi nhuận sẽ cao hơn, bù đắp lại, đóng góp thuế cho đất nước. Đó là điều tôi nghĩ rằng sẽ tạo ra động lực. Hơn nữa, chúng ta còn nhiều khoản thu khác nữa để bù đắp.

+ Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách hiện chưa đồng tình với quy định xóa tiền phạt chậm nộp thuế đối với các DN trước thời điểm 1/7/2013, vì bản chất tiền phạt chậm nộp thuế là khoản tiền phạt do vi phạm hành chính về thuế, do đó việc xóa nợ sẽ tạo tiền lệ không tốt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Ông nghĩ sao về điều này?

- Theo tôi, vấn đề này Bộ Tài chính đưa ra, nghĩa là Bộ đã cân nhắc rất kỹ dựa trên đề nghị của Tổng cục Thuế, rồi lấy ý kiến chuyên gia, hội thảo bàn rất nhiều. 

Tôi thấy rằng đây là việc làm cần thiết, vì trong những năm qua các DN bị ảnh hưởng rất lớn của cuộc khủng hoảng thế giới tác động đến Việt Nam. Số DN phá sản, ngừng hoạt động rất lớn, đó là chưa kể có thời kỳ lạm phát lên cao, vay ngân hàng đến 18 - 20%, giá cả lên cao, đầu vào cao nhưng đầu ra thấp... 

Sau khi lạm phát được khống chế thì lại gặp phải suy giảm kinh tế, hàng tồn kho nhiều, các DN đồng tiền không quay vòng, rất khó khăn, nhiều DN cố gắng hết mình nhưng cũng không trụ được nên họ trả được phần gốc đã là quý lắm rồi, còn bây giờ yêu cầu phạt chậm nộp thì họ không lấy đâu ra để mà nộp. Nếu không thì chỉ có con đường ngừng hoạt động. 

Nếu giữ như phương án trình của Chính phủ, cho thấy chính sách của chúng ta có sự quan tâm nghiên cứu, sẻ chia trong lúc khó khăn để từ đó DN sẽ có động lực, quay trở lại tìm ra giải pháp để tiếp tục phát triển trên con đường kinh doanh, làm giàu cho đất nước, giải quyết lao động và làm từ thiện cho xã hội. 

+ Xin cám ơn ông!

Thảo Nguyên (Ghi)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm