Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

ĐBQH Đỗ Văn Đương: “Mình là dân biểu, họ cứ nhầm lẫn”

Thứ bảy, 01/11/2014 - 14:27

(Thanh tra) – Bên hành lang Quốc hội ngày 1/11, ĐBQH Đỗ Văn Đương nói “Không có chuyện phải giải trình gì cả. Chúng ta nên nhớ Hiến pháp đã quy định ĐBQH phát ngôn được quyền miễn trừ trách nhiệm”. Trước đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam gửi văn bản tới Chủ tịch Quốc hội đề nghị xử lý trách nhiệm ông.

ĐBQH Đỗ Văn Đương. Ảnh: Thảo Nguyên

+ Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa gửi văn bản tới Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị “xem xét trách nhiệm” phát biểu “Luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho người có tiền” của ông. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Tôi đọc hết rồi, chuyện quá bình thường! Không có chuyện phải giải trình gì cả. Đó là chuyện của người ta. Chúng ta nên nhớ, Hiến pháp đã quy định ĐBQH phát ngôn được quyền miễn trừ trách nhiệm.

+ Đây không phải lần đầu, sau khi ĐBQH phát biểu ý kiến lại có những văn bản “phản đối” như thế này. Có ý kiến cho rằng, những văn bản như vậy là áp đặt ĐB?

- Rõ ràng còn gì nữa. Điều tôi nói ở đây là tiếng nói cử tri và xuất phát từ thực tế. Tôi chưa nói chuyện đúng sai, đây là dân biểu nói tiếng nói của dân và không phải truy cứu trách nhiệm gì cả.

+ Liên đoàn luật sư có liên hệ trao đổi với ông sau khi ông phát biểu như vậy không?

- Không. Mình là dân biểu, họ cứ nhầm lẫn. Cho người ta cái quyền phản ánh ý kiến dân biểu thì bộ ngành nào cũng thi nhau giãy nảy lên phản ánh à?

Tranh luận thoải mái thì được, đây là vấn đề nhận thức và tranh luận. Ông nói sai thì ông bảo thế nọ thế kia. Dư luận họ nói như vậy thì tôi phải phản ánh chứ.

+ Sau văn bản của Liên đoàn Luật sư, ông có tiếp tục bảo vệ quan điểm về phát ngôn của mình?

- Tôi trước sau như một chẳng có thay đổi gì, vì điều tôi nói là nói lên tiếng nói của dân.

Xin cảm ơn ông! 

Theo công văn ông Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ký (ngày 31/10) gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội (UBTPQH) khẳng định: Phát biểu của ông Đương không chỉ là một nhận định thiếu căn cứ mà còn hoàn toàn trái với quy định của pháp luật (cụ thể là Điều 3 Luật Luật sư), không phù hợp với nguyên tắc đảm bảo quyền tự do bào chữa và nhờ người khác bào chữa là một trong những quyền cơ bản của con người được quy định trong Hiến pháp 2013, đi ngược lại chủ trương cải cách tư pháp được nêu trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chính vì vậy, “...thay mặt cho 9.000 luật sư trong cả nước, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phản đối nhận thức và quan điểm của ông Đỗ Văn Đương, đồng thời Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiến nghị đồng chí Chủ tịch Quốc hội có ý kiến chỉ đạo, đồng chí Chủ nhiệm UBTP xem xét kiểm tra và làm rõ tính xác thực của các ý kiến phát biểu của ông Đỗ Văn Đương cũng như xem xét trách nhiệm và tư cách Đại biểu Quốc hội, tư cách Ủy viên UBTP của ông Đỗ Văn Đương theo đúng quy đinh của pháp luật”, công văn nêu rõ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm