Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 10/04/2014 - 19:19
(Thanh tra) - Mở rộng phạm vi công chứng; trách nhiệm công chứng về tính chính xác của nội dung bản dịch; buộc phải lấy ý kiến người dân khi lập quy hoạch xây dựng; điều kiện cấp giấy phép xây dựng tạm... Đó là những vấn đề được đặt lên bàn thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về Dự án Luật Công chứng và Dự án Luật Xây dựng trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII diễn ra hôm nay (10/4).
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, hai Dự án Luật Công chứng và Xây dựng có tác động nhiều mặt đến đời sống nhân dân, được ĐBQH và cử tri cả nước quan tâm, sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 7. Ảnh: Thảo Nguyên
“Ép” công chứng chịu trách nhiệm nội dung bản dịch?
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Công chứng trước hội nghị, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, việc giao lại cho các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên nhiệm vụ chứng nhận bản dịch, chứng thực chữ ký và bản sao giấy tờ, văn bản như các cơ quan hành chính Nhà nước sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận loại hình dịch vụ công này.
UBTVQH đề nghị quy định công chứng viên được thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, đồng thời được chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản nhưng chỉ giới hạn đối với các giấy tờ, văn bản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà mình đã công chứng hoặc đang thực hiện việc công chứng.
Theo ông Phan Trung Lý, UBTVQH cũng đề nghị quy định công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước người yêu cầu dịch về tính chính xác của nội dung bản dịch và chứng nhận nội dung bản dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; hoạt động công chứng phải nhằm mục đích phục vụ nhu cầu của người dân “không vì mục đích lợi nhuận”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng khó bảo đảm tính khả thi, nhất là trong các trường hợp các giấy tờ được dịch lại không do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ban hành. Hơn nữa, để bảo đảm chất lượng của bản dịch, thì cần có quy định để quản lý tốt hơn các cá nhân, tổ chức thực hiện công việc dịch thuật và ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với những người này.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho biết, công chứng viên đều lo ngại phải công chứng nội dung bản dịch vì nhiều công chứng viên không biết ngoại ngữ. “Người mù chứng thực cho người biết” vì vậy chỉ nên quy định công chứng hình thức bản dịch, không nên qui trách nhiệm đối với nội dung bản dịch, giấy tờ.
Cũng theo đại biểu Thuyền, người dân kêu ca rất nhiều về việc cái gì cũng phải công chứng, chứng thực. Có những cái người dân phải đi 2 nơi, nếu đã mở rộng phạm vi thì mở hết chứ đừng “mở hé”.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ủy ban Pháp luật) cho biết, qua khảo sát thấy các Văn phòng Công chứng có thể đảm nhiệm được nhiệm vụ nếu mở rộng phạm vi. Công tác tư pháp của quận, huyện đang “bỏ bê” nhiệm vụ chứng thực nên cần phải có sự chia sẻ. Song trình độ của công chứng viên hiện không thể chịu trách nhiệm được nội dung bản dịch. “Có chăng chịu trách nhiệm phần tiếng Việt trong bản dịch hoặc bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài”, ông Cương nói.
”Khóa” chặt việc cấp phép xây dựng tạm, hạn chế dự án treo
Về Dự án Luật Xây dựng, UBTVQH nhận thấy, ngoài việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm bảo đảm chất lượng quy hoạch thì việc lấy ý kiến của người dân trong khu vực bị tác động bởi quy hoạch xây dựng là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của họ.
Vì vậy, khoản 5 Điều 16 đã được chỉnh sửa, bổ sung và khẳng định: “Cơ quan, tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư được lấy ý kiến để hoàn thiện đồ án quy hoạch xây dựng. Trường hợp không tiếp thu thì phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do”.
Đồng ý với việc bắt buộc lấy lý kiến của người dân, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị cần bổ sung thêm việc lấy ý kiến của các hiệp hội, hiệp hội nghề nghiệp ngay trong bước đầu tiên khi lập, thẩm định quy hoạch xây dựng để tránh việc phải sửa đổi bổ sung nhiều lần.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý quy định cụ thể hơn điều kiện cấp giấy phép xây dựng tạm (Điều 94).
Theo đó, giấy phép xây dựng tạm được cấp khi đáp ứng các điều kiện: Thuộc khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; phù hợp với quy mô công trình do UBND cấp tỉnh quy định và thời gian thực hiện quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; chủ đầu tư phải có cam kết tự phá dỡ công trình khi thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng tạm hết hiệu lực…
Tuy nhiên, theo đại biểu Huỳnh Thành Lập (TP Hồ Chí Minh) vẫn chưa sát với thực tế. Dẫn chứng người dân rất phiền hà, kêu ca khi để dự án treo kéo quá dài, có những dự án từ 15-20 năm. Đụng đến quyền lợi hợp pháp của người dân, đại biểu Huỳnh Thành Lập đề xuất, khi cấp giấy phép xây dựng tạm cho chủ đầu tư cần quy định rõ thời gian cho phép, có thể 10-15 năm. Nếu quá thời hạn mới triển khai dự án, mới thu hồi đất thì phải bảo đảm lợi ích của người dân, bảo đảm bồi hoàn các công trình đã được cấp phép tạm như cấp phép chính thức.
Bày tỏ băn khoăn “được cấp giấy phép xây dựng tạm khi chưa có quyết định thu hồi đất” có vi phạm Luật Đất đai không? đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội còn cho rằng có khi lại xảy ra khiếu kiện phức tạp. Đại biểu lấy ví dụ, người dân đang sử dụng đất để trồng cây và chưa có quyết định thu hồi mà lại cấp giấy phép xây dựng tạm, chủ đầu tư vào xây dựng công trình thì rất dễ “đánh nhau to”.
Theo đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, quy hoạch xây dựng và cấp giấy giấy phép xây dựng là hai khâu quan trọng nhất. Dù có cải cách thủ tục hành chính đến đâu thì hai khâu này vẫn phải được quy định chặt.
“Có cấp giấy phép xây dựng mà tình trạng vẫn hỗn loạn, nếu bỏ cấp phép hoặc cấp phép dễ dãi thì “trăm hoa đua nở” mạnh ai người đó xây dựng”, cho nên cần phải quy định chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, trong đó cần làm rõ khái niệm giấy phép xây dựng tạm, đại biểu Lê Như Tiến nhận định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, công chứng là một nghề đặc thù, đại diện cho Nhà nước để cung cấp một loại dịch vụ công có thể có rủi ro trong quá trình hành nghề, do đó cần bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm cho công chứng viên. Đồng thời, cần quy định quy định việc bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng nhằm ràng buộc trách nhiệm giữa công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng, tránh việc đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm cũng như tranh chấp về việc bồi thường, bồi hoàn với người yêu cầu công chứng, tạo niềm tin cho người yêu cầu công chứng vào tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên mà họ lựa chọn. |
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 11/12/2024, sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Bắc Kạn khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã hoàn thành toàn bộ chương trình và tiến hành phiên bế mạc.
(Thanh tra) - Chiều 11/12, Ban Chỉ đạo về Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2027 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Trung Hà
21:14 11/12/2024Bùi Bình
21:07 11/12/2024Bùi Bình
20:49 11/12/2024Trung Hà
20:45 11/12/2024Trung Hà
20:43 11/12/2024Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà
Trung Hà
Trần Kiên