Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cuộc cách mạng của toàn dân

Thứ hai, 17/08/2015 - 09:05

Trong bài báo Nên học sử ta (tháng 2-1942), Bác viết: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước nhà độc lập, tự do”.

Cách mạng Tháng Tám thu hút mọi tầng lớp nhân dân trên cả nước tham gia nổi dậy giành chính quyền. Ảnh: Tư liệu

LTS: Cách mạng Tháng Tám - cuộc cách mạng vĩ đại đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi kiếp nô lệ với việc khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhân kỷ niệm 70 năm mốc son chói lọi này (19.8.1945 – 19.8.2015), Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết của nhà báo lão thành Thái Duy về tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tư tưởng đã làm xoay chuyển cục diện trong một giai đoạn đặc biệt của cách mạng Việt Nam, tạo nên sức mạnh to lớn, làm nên thắng lợi này.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ không thành công, tháng 11-1940, Đảng chịu tổn thất nặng nề. Chưa bao giờ căng thẳng như thế. Toàn bộ nòng cốt Xứ ủy Nam Kỳ và Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn bị địch bắt. Ở phía Nam, không tỉnh ủy nào còn nguyên vẹn. Nghiêm trọng hơn, các lãnh đạo chủ chốt của Đảng vào Nam chỉ đạo phong trào cũng bị bắt: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, các lãnh đạo khác của Đảng như Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần... đều bị kết án tử hình. Giữa năm 1940, các tổ chức Đảng ở Cao Bằng bị tổn thất nặng trong đợt khủng bố của thực dân Pháp.

Trên phạm vi toàn quốc, Đảng thực sự ở hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.

Không quá bi quan để đánh giá rằng đây là thời điểm sống còn của Đảng, của cách mạng.

Trong hoàn cảnh lịch sử ấy, đầu tháng 2-1941, Nguyễn Ái Quốc về nước.

Hơn 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước và là lần đầu tiên người trở về trong lòng Tổ quốc, từ địa danh Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5-1941).

Đây là hội nghị lịch sử, có ý nghĩa cải tử hoàn sinh cho Đảng: Từ bỏ đường lối cách mạng nặng tính sao chép kinh nghiệm nước ngoài để trở lại với giá trị cốt lõi - đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - của 4.000 năm dựng nước và giữ nước.

Cuộc xoay chuyển đặc biệt

Nhớ lại, giai đoạn ấy, tư tưởng trong Đảng vẫn nhấn mạnh “trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ”. Nhiều đảng viên lãnh đạo coi giai cấp bóc lột là thù địch. Họ tỏ ra cứng rắn, kiên quyết phải loại trừ tới tận gốc các giai cấp bóc lột. Trước tình hình ấy, trong những ngày hội nghị, đồng chí Nguyễn Ái Quốc tranh thủ gặp riêng từng đại biểu, nhóm đại biểu, tâm tình, gợi mở phân tích tình hình. Mọi người đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác khi vị lãnh tụ của Đảng nói đến giai cấp bóc lột lại chỉ hỏi: Những tư sản, những địa chủ ấy có yêu nước không? Có ủng hộ cách mạng không? Họ có bóc lột nhưng họ có ghét Tây, ghét Nhật không?

Trong hội nghị, đồng chí Nguyễn Ái Quốc kiên trì giải thích bản chất con người Việt Nam ai cũng yêu nước, bất kể là giàu hay nghèo, sang hay hèn. Bởi tất cả đều chịu chung nỗi nhục mất nước, nỗi nhục thời xa xưa ngàn năm Bắc thuộc, nỗi nhục ngày nay là làm thân nô lệ cho Tây, cho Nhật.

Hơn 30 năm hoạt động cách mạng ở Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc... Nguyễn Ái Quốc đã khám phá ra những phần tinh túy nhất của học thuyết khoa học và cách mạng của Mác, đồng thời thấy được những khuyết tật trong các phong trào cách mạng quốc tế. Qua đó, Người khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát rằng chỉ trở lại giá trị tư tưởng đoàn kết toàn dân mới là đúng đắn. Đoàn kết đến mức cả nước đều gọi nhau là “đồng bào”, xưng hô bình đẳng, không ai hơn ai, kém ai, mọi người coi nhau thân thiết như anh em.

Với nhận thức ấy, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã vận động, thuyết phục và thu hút đồng thuận từ tất cả đại biểu Hội nghị Trung ương 8, để đi đến thống nhất những nội dung cốt lõi của tuyên ngôn, chương trình, điều lệ của Mặt trận Việt Minh. Hội nghị lịch sử còn bầu ra ban lãnh đạo mới, thay cho các lãnh đạo Đảng bị bắt, tù đày, tử hình trước đó. Khi đó, chỉ có Tổng Bí thư Trường Chinh tuổi ngoài 30 (34 tuổi), còn lại các lãnh đạo khác đều dưới 30, thậm chí trên dưới 25 tuổi. Và chính lớp lãnh đạo mới này đã sửa đổi tư tưởng hẹp hòi, tiếp thu đường lối cách mạng mới do Nguyễn Ái Quốc giới thiệu, dẫn dắt cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Đây thực sự là cuộc thay da, đổi thịt của cách mạng. Từ “đào tận gốc, trốc tận rễ”, chỉ trong vài năm thay đổi đường lối vận động quần chúng, ở đâu cũng thương yêu, đùm bọc nhau, bất kể giai cấp, giàu nghèo. Cấu trúc mặt trận ra đời từ khi có Đảng nhưng tư tưởng khép kín, chỉ đoàn kết công nhân - nông dân; một số trí thức tham gia được thì gọi là “ta”, còn lại thì chỉ gọi là “bạn đường”. Giờ thì là một Mặt trận Việt Minh luôn rộng mở, chỉ thêm không bớt, chỉ vào không ra, chỉ quy tụ không loại trừ, cách mạng càng tiến lên, đoàn kết muôn người như một càng phải thực hiện triệt để.

Phải đoàn kết mỗi người như một

Trong Việt Minh không còn tầng lớp này chống tầng lớp kia, không phân biệt nữa. Tư tưởng ấy được Nguyễn Ái Quốc thể hiện rõ trong bài báo Nên học sử ta viết đầu tiên khi về nước: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước nhà độc lập, tự do”. Rồi thư gửi cho anh em binh lính, đồng chí viết: “Hỡi đồng bào binh lính”. Binh lính cầm súng cho địch cũng được gọi là “đồng bào” vì đã có những cuộc khởi nghĩa là do chính những sĩ quan, binh lính trong các đơn vị của địch tổ chức, sử dụng súng đạn địch làm vũ khí cho cách mạng.

Với đường lối cách mạng mới, Việt Minh mà nòng cốt là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và ban lãnh đạo trẻ tuổi đã có sức cuốn hút mạnh mẽ tới mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Tuyên ngôn, điều lệ, chương trình của Việt Minh phổ biến tới đâu cũng được nhân dân hưởng ứng, đồng lòng. Đảng Cộng sản Việt Nam lúc ấy chỉ chừng 5.000 đảng viên nhưng với Mặt trận Việt Minh là tổ chức rộng lớn của nó, tập hợp toàn dân tộc, chống Pháp, chống Nhật, làm nên Cách mạng Tháng Tám rung chuyển đất trời, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước cộng hòa đầu tiên ở châu Á.

* * *

Bài học mãi mãi vô giá rút ra từ thành công của Cách mạng Tháng Tám 70 năm trước là mọi con dân đất Việt đều yêu nước. Phải đoàn kết muôn người như một đúng với truyền thống của ông cha từ bao đời mới phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Đối với Đảng, chỉ khi khiêm tốn đặt mình trong lòng dân tộc, với tư tưởng lấy đại đoàn kết là trọng, không phân biệt gái trai, già trẻ, giống nòi, giai cấp như cách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lèo lái con thuyền cách mạng trong những thời điểm gian khó nhất, Đảng mới có thể tiếp tục ghi danh sử vàng trong vai trò lãnh đạo, dẫn dắt đưa đất nước lên vũ đài vinh quang của thế giới văn minh.

Theo Thái Duy/PLO

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm