Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cử tri đề nghị loại trừ tham nhũng, lợi ích nhóm trong bộ máy lãnh đạo

Thứ ba, 20/10/2015 - 13:14

(Thanh tra) - Sáng ngày 20/10, báo cáo trước Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị nhân sự của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mong muốn loại trừ biểu hiện tham nhũng, lợi ích nhóm tham gia vào bộ máy lãnh đạo các cấp.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và chính quyền một số địa phương trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ảnh: Thảo Nguyên

Chuẩn bị cho kỳ họp 10, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 4.492 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Lo lắng tham nhũng chưa được đẩy lùi

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, cử tri và nhân dân vẫn còn nhiều tâm tư, lo lắng trước tình hình kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra; giá một số sản phẩm nông nghiệp giảm; trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi. 

Cử tri và nhân dân bày tỏ sự bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng trái luật pháp quốc tế các công trình tại các đảo chìm, bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam.

“Cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị nhân sự của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mong muốn những người được bầu giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng, chính quyền có đủ đức, đủ tài để xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đồng thời cần kiên quyết loại trừ những trường hợp thoái hóa, biến chất, có biểu hiện tham nhũng, lợi ích nhóm tham gia vào bộ máy lãnh đạo các cấp”, ông Nhân cho biết.

Cử tri và nhân dân chưa hài lòng về việc một số văn bản pháp luật cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và hướng dẫn thi hành luật mới ban hành còn chậm. Cử tri và nhân dân mong muốn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục đề cao trách nhiệm giám sát, yêu cầu các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc việc giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Xử lý nghiêm cán bộ thiếu trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và chính quyền một số địa phương trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là đối với những vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, phần lớn các vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu hồi, giải tỏa, đền bù đất đai; việc cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nhiều nơi quá chậm, tồn đọng nhiều; thủ tục thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn gây phiền hà cho người dân; việc chuyển đổi mô hình chợ tại một số địa phương còn nhiều bất cập, phát sinh khiếu kiện kéo dài nhưng chậm được giải quyết. 

Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, nhất là đối với các vụ khiếu kiện phức tạp, đông người để giữ vững ổn định xã hội và đời sống của nhân dân.

“Phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện xử lý nghiêm cán bộ thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản pháp luật có liên quan”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết mong muốn của cử tri cả nước.

Đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra

Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, cử tri và nhân dân đồng tình, đánh giá cao việc Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô phù hợp với sự biến động của thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. 

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân phản ánh việc giá xăng dầu đã giảm nhiều lần nhưng giá cước vận tải ở một số địa phương giảm chưa phù hợp; giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân; giá bán điện, nước ngày càng cao, cách thức tính giá điện, biểu giá bán lẻ áp dụng cho người dân sử dụng điện sinh hoạt chưa hợp lý.

Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo chặt chẽ các bộ, ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra việc niêm yết giá cả các mặt hàng trên thị trường, khuyến khích hình thành và phát triển thị trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng các doanh nghiệp có vị thế độc quyền định giá không hợp lý, thiếu minh bạch. 

Trên thị trường vẫn còn lưu thông nhiều loại hàng hoá như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả hoặc kém chất lượng, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc; hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp gây thiệt hại đến sản xuất, tiêu dùng, khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân. 

Ông Nhân cho biết, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường và có biện pháp xử lý nghiêm minh, đồng thời thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng để người dân giám sát việc xử lý của cơ quan chức năng và yên tâm hơn trong sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống. 

Trong năm 2015, các cơ quan nhà nước đã tiếp 406.549 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 3,5% so với năm 2014), với 4.640 đoàn đông người (giảm 4,8% so với năm 2014).

Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác tiếp công dân thường xuyên tại 2 Trụ sở tiếp công dân Trung ương; đã tiếp 26.066 lượt với 32.582 người, có 809 lượt đoàn đông người, 8.531 vụ việc. So với năm 2014 giảm 12% số người và tăng 18,6% số vụ việc.

Các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 32.817/40.511 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ trên 81%.

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 27,1 tỷ đồng, 44,7 ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 108,1 tỷ đồng, 14,9 ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 2.504 người; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính 444 (đã xử lý 278 người), chuyển cơ quan điều tra 10 vụ.

Tính đến ngày 15/8/2015, các cơ quan hành chính nhà nước đã xem xét, giải quyết 512/528 vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm theo Kế hoạch số 1130/KH-TTCP, đạt tỷ lệ 96,96%. Các bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng theo Kế hoạch 2100/KH-TTCP


Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm