Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 16/12/2013 - 11:41
Ngay sau khi đến thăm người dân vùng lũ lụt Quảng Ngãi, ngày 15/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương tiếp tục có mặt tại khu tái định cư Công trình thủy điện sông Tranh 2, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, thăm hỏi người dân và thị sát quy trình vận hành của công trình thủy điện.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và tặng quà cho các hộ gia đình dân tộc Khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 ở xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà Mi. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Chủ tịch nước đã nghe Chủ tịch huyện Bắc Trà My, Bí thư xã Trà Đốc, các hộ gia đình người dân tộc Ca dong Hồ Văn Chót, Hồ Thị Nốt nói về điều kiện ăn ở, sinh hoạt sau khi định cư tại nơi ở mới.
Sau khi công trình Thủy điện sông Tranh 2 được xây dựng, mỗi hộ dân tại khu tái định cư được cấp 1000m2 đất ở và hơn 1 héc ta đất canh tác để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên do điều kiện canh tác kém hiệu quả, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Những công trình nhà xây mới tại các khu tái định cư đều trong tình trạng chưa phù hợp với phong tục tập quán đồng bào dân tộc thiểu số. Do ảnh hưởng lớn của mưa lũ nên các công trình giao thông, liên lạc, cấp nước sinh hoạt hiện đang trong tình trạng hư hỏng và xuống cấp.
Gặp được Chủ tịch cùng lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, đại diện các hộ dân, đặc biệt là bà con dân tộc Cadong đã bày tỏ ủng hộ chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng thủy điện. Bà con kiến nghị Đảng, Nhà nước tăng thêm quỹ đất sản xuất, hỗ trợ 24 tháng lương thực cùng công cụ, tạo thêm việc làm, nâng cấp cơ sở hạ tầng: điện, nước sinh hoạt, phát triển nghề nuôi cá lồng để tận dụng mặt nước vùng lòng hồ.
Nghe tâm nguyện của người dân, Chủ tịch nước bày tỏ đồng cảm với những khó khăn trong cuộc sống của người dân; đặc biệt là những xáo trộn do tác động của động đất liên tiếp sau khi Thủy điện sông Tranh 2 tích nước. Chia sẻ với những bất cập về cơ sở hạ tầng khu tái định cư chưa hoàn thiện, Chủ tịch nước căn dặn các cấp chính quyền cần chăm lo cuộc sống, ổn định tư tưởng cho người dân tái định cư. Chủ tịch cũng đã gợi mở những giải pháp phát triển kinh tế hộ gia đình và thúc đẩy kinh tế địa phương: tận dụng quỹ đất dôi dư, khai khẩn đất canh tác kém hiệu quả. Cùng với mở mang trồng trọt, địa phương nên đẩy mạnh chăn nuôi, đặc biệt là nuôi cá lồng bè theo kinh nghiệm thành công tại nhiều vùng thủy điện như Sơn La. Đối với những dự án công nghiệp tạo được nhiều việc làm cho bà con, địa phương cần có cơ chế thu hút, triển khai sớm, tạo động lực kinh tế. Chứng kiến những ngôi nhà xây kiên cố tại khu tái định cư không được sử dụng đúng mục đích, Chủ tịch căn dặn, xây dựng nhà tại khu tái định cư mới cần chú ý đến văn hóa kiến trúc để người dân thích nghi.
Kiểm tra tình hình vận hành Thủy điện sông Tranh 2- công trình gây tai tiếng trong 2 năm qua vì hiện tượng rò rỉ nước và động đất kích thích, Chủ tịch nước đã đặt nhiều câu hỏi với ban quản lý dự án Thủy điện sông Tranh 2 về quy trình tích nước, xả lũ, bảo dưỡng duy tu của công trình, những ảnh hưởng đời sống người dân tái định cư. Theo báo cáo của Ban quản lý dự án Thủy điện sông Tranh 2, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có 42 dự án thủy điện đã được phê duyệt với công suất hơn 1.500 MW. Trong đó các công trình xây dựng theo quy hoạch bậc thang thuộc hệ thống sông Vu Gia và Thu bồn gồm 10 dự án; các công trình thủy điện vừa và nhỏ 32 dự án. Tỉnh Quảng nam đã phê duyệt được quy hoạch vận hành cho 16 hồ chứa thủy điện. Các phương án di dân tái định cư, đảm bảo an toàn hồ đập khi có cảnh báo thiên tai được quán triệt thực hiện nghiêm cẩn. Đối với Thủy điện sông Tranh 2, những sự cố rò nước thân đập đã được Ban quản lý dự án thủy điện 3 có phương án xử lý hữu hiệu. Ảnh hưởng động đất theo quan trắc của các chuyên gia, năm 2013 đã giảm so với đỉnh điểm 2012.
Trước dư luận lo ngại đa chiều về tác động mặt trái của thủy điện, Chủ tịch nước cho rằng, những ý kiến đóng góp cần theo hướng xây dựng. Thực tế xảy ra tại thủy điện sông Tranh 2 cho thấy, theo Chủ tịch điều quan trọng là phải làm tốt công tác quy hoạch lại hệ thống các công trình thủy điện để vận hành cho tốt, đồng thời đảm bảo người dân vùng tái định cư có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tỉnh Quảng Nam cùng các bộ ngành cần theo dõi và tính toán và thực hiện quy trình xả lũ một cách hiệu quả và an toàn nhất, làm tốt công tác cảnh báo thiên tai, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, đặc biệt trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước đã đến thăm và tặng quà người dân vùng rốn lũ tại xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Do nằm trên địa hình đồi núi, độ dốc lớn, trong vùng giáp ranh của sông Côn và sông Vàng, xã Đại Hưng chịu ảnh hưởng của thiên tai cộng thêm tác động khi thủy điện xả lũ.
Kể từ năm 2009 khi 7 công trình thủy điện ở thượng nguồn đi vào hoạt động, lũ lụt ngày càng nghiêm trọng và khó lường hơn. 4 năm qua xã đã chịu 10 đợt lũ lớn có đợt mức nước cao 3 m, sức nước lớn làm 100% số hộ. Bà con và chính quyền đề nghị các cấp can thiệp để các thủy điện trên địa bàn phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ đối với việc xả lũ, thông báo sớm thời gian để bà con chủ động các biện pháp ứng phó. Bà con cũng đề nghị có giải pháp triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, di dời vùng ngập nặng, hỗ trợ kinh phí khai hoang đất mới khôi phục sản xuất.
Chủ tịch nước cho rằng, trước khó khăn bà con phải bình tĩnh, việc xây dựng các công trình thủy điện là rất cần thiết cho việc phát triển kinh tế xã hội đất nước nhất là với các vùng nông thôn miền núi. Chủ tịch nước cũng cho rằng, những năm qua với tác động của biến đổi khí hậu mưa lũ ngày càng nhiều cộng với các nhà máy đã đi vào hoạt động thì cần phải có tính toán thật cụ thể trong vận hành thủy điện. Cùng với đó, Chủ tịch nước đề nghị phải có chính sách hỗ trợ cho bà con phù hợp, quy hoạch lại các khu dân cư hạ du, đẩy mạnh xây dựng các công trình phòng chống lũ. Nhấn mạnh vai trò của công tác cảnh báo và chủ động phòng chống thiên tai, Chủ tịch nước đề nghị chính quyền người dân sớm rút kinh nghiệm từ những bài học ứng phó vừa qua; hạn chế ở mức thấp nhất những thiệt hại mất mát do thiên tai gây ra.
Trong thời gian thăm và làm việc tại Quảng Nam, Chủ tịch nước cùng đoàn công tác đã thăm công trình tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Công trình lấy hình tượng mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ làm nguyên mẫu, đang trong giai đoạn thi công, đặt tại thành phố Tam kỳ, tỉnh Quảng Nam. Nhân dịp về thăm tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch nước và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tặng 100 phần quà và 170 con bò cho bà con gặp khó khăn để phục hồi sinh kế vươn lên trong cuộc sống.
(TTXVN)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền