Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris

Thứ bảy, 21/12/2013 - 09:14

(Thanh tra) - Những ngày này cách đây trên 40 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương, quân và dân ta đã đập tan cuộc tập kích chiến lược B52 trên bầu trời Hà Nội, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các tướng lĩnh duyệt Kế hoạch tác chiến Điện Biên Phủ trên không. Ảnh tư liệu.

Nhằm cứu vãn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đang bên bờ phá sản, đầu năm 1972 Tổng thống Mỹ Richard Nixon cho không quân tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần hai. Với bản chất hiếu chiến, ngày 23/10/1972, Nixon đột nhiên đề nghị Chính phủ ta tạm hoãn ký kết Hiệp định Paris vì có “trục trặc” từ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, nhằm tranh thủ thời gian giúp quân đội Sài Gòn lấn đất giành dân, ngăn chặn nguồn chi viện từ miền Bắc vào miền Nam, hòng gây sức ép buộc ta phải nhân nhượng cho Mỹ sửa đổi một số điều khoản của Hiệp định. 

Ngày 18/12/1972, Nhà Trắng gửi Công hàm cho Chính phủ ta đề nghị “họp lại Hội nghị Paris vào bất cứ lúc nào” nhằm đánh lừa dư luận, đồng thời hy vọng chỉ sau vài ngày dùng B52 huỷ diệt Hà Nội, sẽ buộc ta phải chấp thuận theo điều kiện của Mỹ. Thực tế, từ 12/4/1966, B52 đánh phá đèo Mụ Giạ, Quảng Bình, rồi mở rộng đến Vĩnh Linh, phía Bắc vĩ tuyến 17. 

Chấp hành chỉ thị của Bác, là phải tìm cách đánh cho được B52, Trung đoàn tên lửa 238 được điều vào Vĩnh Linh. Ngày 17/9/1967, kíp chiến đấu thuộc Tiểu đoàn 84 đã bắn rơi chiếc B52 đầu tiên. Đầu Xuân Mậu Thân 1968, Bác Hồ gọi đồng chí Đặng Tính - Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân chủng và Phùng Thế Tài - Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam lên báo cáo tình hình, và Bác dự báo: “Sớm muộn gì Mỹ cũng đưa B52 trở lại đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị. Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Một phân đội tên lửa phòng không luyện tập bảo vệ Tổ quốc. Ảnh tư liệu

Khi quân và dân ta thắng lớn ở miền Nam, ngày 05/4/1972, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Quân chủng Phòng không và các Quân khu “sẵn sàng đối phó với khả năng Mỹ cho không quân, kể cả không quân chiến lược đánh phá trở lại miền Bắc”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam khẳng định: “Mỹ cho B52 đánh Thủ đô Hà Nội, linh hồn của cuộc kháng chiến là hành động gây sức ép cuối cùng để buộc chúng ta phải nhân nhượng. Vì vậy, phải kiên quyết đánh thắng chúng trên bầu trời Thủ đô”. 

Ngày 24/11/1972, Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cùng các Phó tổng tham mưu Trần Quý Hai, Vương Thừa Vũ, Cao Văn Khánh, Phùng Thế Tài đã phê chuẩn Kế hoạch tác chiến đánh B52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh thành trọng điểm miền Bắc. Đầu tháng 12/1972, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn khẳng định: Để gây sức ép với ta, trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B52 ném bom Hà Nội. Quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không phải kiên quyết làm thất bại âm mưu của chúng. 

Thực hiện cuộc tập kích chiến lược đường không tháng 12/1972, Lầu Năm Góc cấp tốc thành lập Bộ chỉ huy lâm thời đóng ở Utapao, Thái Lan do John Vogt chỉ huy lực lượng hợp nhất của hai căn cứ Guam và Utapao làm tư lệnh. Ngày 17/12/1972, Nixon chính thức ra lệnh mở Chiến dịch Linebacker II sử dụng B52 tập kích với quy mô hủy diệt vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã. Lập tức, Bộ tổng tham mưu QĐND Việt Nam ra lệnh cho Quân chủng Phòng không và Không quân chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, đề phòng máy bay B52 đánh từ vĩ tuyến 20 trở ra. 

19 giờ 15 phút đêm 18/12/1972, Đại đội ra đa 45 Trung đoàn 291 báo cáo về sở chỉ huy: “B52 đang vào miền Bắc”. 19 giờ 25 phút, Không quân ta được lệnh cất cánh đón đánh các tốp máy bay chiến thuật của Mỹ ở Tam Đảo. Từ 19 giờ 20 phút đến 20 giờ 18 phút, nhiều tốp B52 liên tiếp dội bom xuống Yên Viên, Gia Lâm khu vực sân bay Nội Bài. 20 giờ 13 phút, ngay trên bầu trời Hà Nội chiếc B52 đầu tiên bị Tiểu đoàn tên lửa 59 Trung đoàn phòng không 261 bắn rơi xuống cánh đồng Chuôm, huyện Đông Anh.

Trong đêm 18/12 rạng ngày 19/12, Mỹ huy động 90 lượt B52 ném 3 đợt bom xuống Thủ đô, 8 lượt F111 và 127 lượt máy bay chiến thuật đánh phá các khu vực nội, ngoại thành. Quân và dân ta bắn rơi 3 máy bay B52 và 5 máy bay chiến thuật. Từ đêm 19/12 đến 29/12/1972, Mỹ liên tục tấn công Hà Nội và một số địa phương của miền Bắc, trong 12 ngày đêm oanh liệt, không có ngày nào quân dân ta không bắn rơi máy bay B52 của Mỹ. Trong hồi ký của mình, Tổng thống Nixon đã viết: “Nỗi lo của tôi những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất B52 quá nặng nề”. 

Trước thất bại liên tiếp trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc, 7 giờ sáng ngày 30/12/1972, Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận trở lại bàn đàm phán Paris ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. 

Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Hà Đăng, từng là Người phát ngôn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, nhớ lại: “Khi còn ở Hội nghị Paris, đọc thấy báo chí nước ngoài thường nói cụm từ “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” chúng tôi tự hào. Sau này mới biết, tại căn hầm trú ẩn của Báo Nhân Dân ở 71 Hàng Trống, Hà Nội, nhà báo Thép Mới, Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân đã sáng tạo nên cụm từ này. Sau đêm chiến thắng 26/12/1972, Báo Nhân Dân số ra ngày 28/12/1972 ra lời kêu gọi bạn đọc viết cho mục “Viết tại chỗ về Hà Nội - Điện Biên Phủ” và cụm từ “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã trở thành thành ngữ thể hiện tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam phát triển từ những ngày đó.

Trúc Lâm

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm