Mỏ đá Đồng Phú tại thôn 7A xã Việt Cường, huyện Trấn Yên thuộc Công ty Cổ phần Cường Thịnh được UBND tỉnh Yên Bái cấp phép khai thác khoáng sản tháng 1/2014, có diện tích khai thác 5ha, công suất 20.000m3/năm, thời hạn đến năm 2022.

Tháng 2/2014, Công ty Cổ phần Cường Thịnh ký hợp đồng liên danh đầu tư khai thác đá xây dựng với Công ty TNHH Thanh Bình (Công ty Thanh Bình). Nội dung hợp đồng quy định, Công ty Thanh Bình toàn quyền điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, chịu trách nhiệm khai thác đến sản xuất và bán hàng…

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp trúng thầu công trình (vốn Nhà nước) trên địa bàn thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên, những năm qua, Công ty Thanh Bình bán đá xây dựng tại mỏ đá Đồng Phú cao gần gấp đôi so với thông báo giá vật liệu xây dựng hàng quý của tỉnh Yên Bái, khiến nhiều doanh nghiệp thi công bù lỗ mỗi khối đá đến 80 nghìn đồng.

Theo các doanh nghiệp, mặc dù thông báo giá loại đá 1x2; 2x4 là 120 nghìn đồng/m3, nhưng thực tế, muốn mua được đá ở đây thì phải hợp đồng mua với giá 200 nghìn đồng/m3. Trong khi đó, dự toán chi phí xây dựng công trình do chủ đầu tư lập yêu cầu lấy đá tại mỏ đá Đồng Phú và giá như thông báo giá vật liệu của tỉnh đã ban hành. Biết là lỗ nhưng không thể làm khác vì mua đá nơi khác để thi công sẽ không được tư vấn giám sát và chủ đầu tư chấp thuận nghiệm thu thanh toán.

leftcenterrightdel
Thông báo giá năm 2018 tại mỏ đá Đồng Phú có giá bán loại đá 1x2; 2x4 chỉ 120 nghìn đồng/m3. Ảnh: Bùi Bình 

Thông báo điều chỉnh giá vật liệu xây dựng hàng quý trên địa bàn tỉnh Yên Bái của liên Sở Xây dựng - Tài chính cho thấy, từ năm 2018 đến nay, giá bán loại đá 1x2, 2x4 tại mỏ đá Đồng Phú trong khoảng 120 - 130 nghìn đồng/m3.

Trao đổi với phóng viên (PV) Báo Thanh tra về trình tự, thủ tục ban hành thông báo điều chỉnh giá vật liệu xây dựng hàng quý, ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng cho biết, Sở căn cứ hồ sơ doanh nghiệp đăng ký, khi đủ giấy tờ liên quan, phối hợp Sở Tài chính ban hành thông báo giá vật liệu xây dựng công khai trên cổng thông tin của Sở. Còn về mức giá bán vật liệu là do doanh nghiệp tự khai, Nhà nước không can thiệp vào giá bán này.

Một chủ đầu tư (Nhà nước) có công trình tại thành phố Yên Bái cho biết, khi lập dự toán chi phí xây dựng công trình, chủ đầu tư căn cứ thông báo giá của liên Sở Xây dựng - Tài chính. Trên một địa bàn có nhiều nhà cung ứng vật liệu xây dựng, các vật liệu đó đều cùng chủng loại, chất lượng, cự ly vận chuyển… chủ đầu tư sẽ chọn đơn vị cung ứng vật liệu có giá bán thấp nhất để lập dự toán đầu tư xây dựng, việc này là quy định vì giúp Nhà nước tiết kiệm kinh phí đầu tư.

Cũng theo chủ đầu tư này, hầu hết các doanh nghiệp trúng thầu dự án trên địa bàn thành phố Yên Bái thời gian qua đều bù lỗ phần vật liệu đá, vì họ không mua được như giá dự toán mà thường phải mua cao hơn tới vài chục nghìn đồng một khối.

leftcenterrightdel
 Hợp đồng mua bán đá tại mỏ đá Đồng Phú giữa Công ty Thanh Bình và một doanh nghiệp lại là 200 nghìn đồng/m3. Ảnh: Bùi Bình

Trong vai doanh nghiệp cần mua số lượng lớn đá để thi công dự án tại thành phố Yên Bái, PV được ông Hùng, phụ trách mỏ đá Đồng Phú thông tin “giá đá 1x2 và 2x4 tại mỏ đã thuế 200 nghìn đồng/m3, trữ lượng cung ứng thỏai mái, nếu các anh mua nhiều thì em giới thiệu lên văn phòng công ty ở thành phố (Công ty Thanh Bình - PV) để làm hợp đồng, còn mua ít thì làm hợp đồng tại văn phòng mỏ”.

Qua tham khảo một số người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác đá xây dựng, để sản xuất ra một khối đá bao gồm các loại chi phí: Chi phí nhân công; nhiên liệu; thuế tài nguyên, phí môi trường… Vì vậy, một khối đá loại 2x4 có giá thành sản xuất khoảng 160 nghìn đồng chưa tính giá bán.

Như vậy, nếu Công ty Thanh Bình bán đúng như thông báo giá của tỉnh Yên Bái thì đó là việc làm đáng khích lệ bởi lẽ giúp Nhà nước tiết giảm chi phí đầu tư công. Đằng này lại bán với giá cao “ngất ngưởng” khiến thị trường vật liệu xây dựng trong khu vực “méo mó”, các đơn vị trúng thầu dự án bức xúc.

Đáng nói, trên địa bàn thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên đang thi công nhiều công trình trọng điểm của tỉnh nên nhu cầu sử dụng đá rất lớn, trong khi đó, mỏ đá Đồng Phú chỉ được cấp phép với trữ lượng hạn chế (20.000m3/năm). Liệu mỏ đá Đồng Phú có khai thác vượt trữ lượng cho phép? Có tình trạng trà trộn đá nơi khác vào mỏ đá Đồng Phú để bán kiếm lời?

Ngoài ra, với kiểu treo “đầu dê” bán “thịt chó” của Công ty Thanh Bình sẽ khiến Nhà nước thất thu một khoản thuế, đồng thời vô hình chung tạo ra thế độc quyền cung ứng đá cho các công trình có vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên. Đề nghị UBND tỉnh Yên Bái và các ngành chức năng vào cuộc, kiểm tra để trả lời bạn đọc.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin sự việc này.

Bùi Bình