Bí ẩn danh sách 14 công ty con?

Báo Thanh tra đã có bài viết: “Điện Biên: Những dấu hiệu khai khống hồ sơ để trúng gói thầu trị giá hơn 130 tỷ” phản ánh Liên danh Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 và Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Triển là đơn vị trúng Gói thầu số 3 về xây dựng đường Na Sang (Km146 + 200/QL.12) - TT. Xã Huổi Mí - Nậm Mức (Km452 + 300/QL6) - thị trấn Tủa Chùa - Huổi Lóng, tỉnh Điện Biên (Phân đoạn TT. Tủa Chùa - Nậm Mức - Huổi Mí) (viết tắt: Dự án).

Dự án này sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 và được UBND tỉnh Điện Biên giao cho Ban Quản lý các công trình giao thông tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư.

Hồ sơ dự thầu tại Gói thầu số 3, Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Triển (số 110 khu Nguyễn Tảo, thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) dính nghi án gian lận khai khống số liệu doanh thu trong 3 năm 2014, 2015, 2016 lên gấp nhiều lần so với số liệu thực tế mà Chi cục Thuế huyện Hải Hậu quản lý.

Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Triển đã nộp Báo cáo tài chính được kiểm toán thể hiện doanh thu qua các năm như sau:

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

418.614.540.198 đồng

311.691.118.417 đồng

267.580.975.000 đồng

Trong khi đó, số liệu doanh thu tại Chi cục Thuế huyện Hải Hậu nơi đơn vị này khai báo nộp thuế thì hoàn toàn khác:

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

89.816.726.000 đồng

25.226.903.000 đồng

44.932.906.000 đồng

Lý giải cho số liệu doanh thu có mức chênh lệch như trên, Công văn số 3839/UBND-TH ngày 28/12/2018 gửi tới Báo Thanh tra, Phó Chủ tịch UBND Điện Biên Lê Thành Đô cho biết: Mô hình tổ chức của Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Triển theo mô hình công ty mẹ và công ty con vì vậy khi tham gia hồ sơ dự thầu Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Triển hợp nhất công ty mẹ và 14 công ty con với nội dung đã được kiểm toán độc lập thẩm định để có được mức doanh thu năm 2014 là 418.614.540.198 đồng; năm 2015 là 311.691.118.417 đồng; năm 2016 là 267.580.975.000 đồng

“Chi tiết có biên bản làm việc giữa Ban Quản lý dự án các công trình giao thông và Cục Thuế tỉnh Điện Biên, Chi cục thuế huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định gửi kèm văn bản” - văn bản cho biết thêm.

Vậy nhưng, trong Công văn số 3839/UBND-TH gửi Báo Thanh tra, UBND tỉnh Điện Biên đã không đính kèm bất cứ tài liệu nào để làm rõ thông tin mình nêu ra.

Ở đây cũng cần phải làm rõ thêm, 14 công ty con của Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Triển mà UBND tỉnh Điện Biên nhắc tới bao gồm những công ty nào? 14 công ty con này có vai trò gì, đảm đương những nhiệm vụ cụ thể nào trong Gói thầu số 3 cùng công ty mẹ?

Qua tra cứu trên website của Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Triển tại địa chỉ: http://www.tientrien.com, phóng viên Báo Thanh tra nhận thấy công ty này có tới 27 công ty con độc lập hoạch toán, có mã số thuế, con dấu riêng, trụ sở đóng trên các địa bàn khác nhau với nhiều cơ quan thuế huyện, tỉnh, thành phố quản lý doanh thu, khai báo nộp thuế.

Việc chủ đầu tư Dự án mới chỉ làm việc với duy nhất Chi cục Thuế huyện Hải Hậu, mà không xác minh thông tin doanh thu của 14 công ty con qua các chi cục thuế khác; chỉ căn cứ trên báo cáo kiểm toán độc lập do phía doanh nghiệp nộp vào hồ sơ dự thầu thì liệu đã thực sự khách quan, công tâm nỗ lực hết sức để kiểm tra “chân tơ kẽ tóc” tường tận những nội dung Báo Thanh tra phản ánh?

Theo một chuyên gia kiểm toán, trong nhiều trường hợp, báo cáo kiểm toán vẫn có sự sai lệch số liệu, chưa hẳn đã đảm bảo về độ tin cậy. Kiểm toán cũng là ngành dịch vụ, kinh doanh vì lợi nhuận. Trong mối quan hệ lợi ích ba bên giữa công ty kiểm toán, doanh nghiệp và người sử dụng, chấp nhận báo cáo kiểm toán thì doanh nghiệp mới là khách hàng - người trả tiền cho công ty kiểm toán.

Vì vậy, tính độc lập của việc kiểm toán khó tránh khỏi bị ảnh hưởng, nhất là khi áp lực cạnh tranh thu hút khách hàng trong ngành rất lớn, phía công ty kiểm toán có thể thỏa hiệp để "giữ chân" khách hàng. Vấn đề chỉ được nêu ra khi cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xác minh trong đó có tham vấn, đối chiếu số liệu qua cơ quan thuế chuyên môn.

Vì sao công ty mẹ “khỏe” mà vẫn phải nhờ 14 công ty con giúp sức?

Theo thỏa thuận hợp tác liên danh phân chia khối lượng thi công khi tham gia Gói thầu số 3, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 sẽ đảm đương 83,05%; Công ty Cổ phần xây dựng Tiến Triển làm 16,95% khối lượng công việc còn lại.

Hồ sơ mời thầu yêu cầu “doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng bình quân tối thiểu là 142.518.000.000 đồng trong vòng 3 năm 2014, 2015, 2016”. Từng thành viên phải đáp ứng theo tỉ lệ trong thỏa thuận liên danh.

Với tiêu chí bài thầu đưa ra, Công ty Cổ phần xây dựng Tiến Triển bắt buộc phải đáp ứng doanh thu bình quân trong 3 năm với mức tối thiểu từ 24.156.801.000 đồng (142.518.000.000 đồng x 16,95%).

Trong Công văn số 3839/UBND-TH, lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên khẳng định: “Doanh thu của Liên danh Nhà thầu Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 và Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Triển đã đáp ứng tiêu chí của hồ sơ mời thầu”.

Có thể hiểu rằng, do chỉ đảm nhiệm 16,95% khối lượng công việc của Gói thầu số 3, Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Triển chỉ cần dùng đúng số liệu doanh thu mà Chi cục Thuế huyện Hải Hậu đang quản lý là đã đáp ứng đủ tiêu chí về tài chính, chứ không cần sự trợ giúp có vẻ thừa thãi từ 14 công ty con?

Vậy vì sao doanh thu của một mình Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Triển đã đủ đáp ứng tiêu chí hồ sơ mời thầu, nhưng đơn vị này vẫn cố cộng thêm cả doanh thu của 14 công ty con ở dưới? Việc hợp nhất doanh thu của 14 công ty con rồi đưa vào hồ sơ dự thầu nhằm mục đích gì? Có hay không dấu hiệu thông thầu rút, tráo văn bản thỏa thuận hợp tác liên danh để làm lợi cho đơn vị dự thầu?

Những câu hỏi trên rất cần được UBND tỉnh Điện Biên, đơn vị chủ đầu tư Dự án làm rõ.

Được biết, tại thời điểm tháng 3/2018, khi Gói thầu số 3 đóng và mở thầu, một công ty tham gia dự thầu đã có ý kiến đề xuất với chủ đầu tư Dự án tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia đóng dấu chéo vào toàn bộ các trang tài liệu trong hồ sơ dự thầu của nhau, nhằm tránh tình trạng thông thầu rút, đánh tráo văn bản trong quá trình chấm thầu. Tuy nhiên, đề xuất trên đã bị chủ đầu tư bác bỏ?

Quang Đông