Như thông tin chúng tôi đã đăng tải ngày 16/6 và 24/7/2015, vụ việc trên đã xảy ra trên 10 năm, nhưng chính quyền địa phương chưa từng ban hành “Quyết định giải quyết” theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Mặc dù vậy, trong quá trình xem xét đơn của dân, chính quyền địa phương đã nhiều lần khẳng định, có đầy đủ cơ sở để cấp sổ đỏ cho gia đình bà Cúc, cho dù hộ ông Lâm Thành Dũng (tự cho rằng có tranh chấp đất với gia đình bà Cúc) không ký giáp ranh.

Cũng trong quá trình “xem xét” này, TP Hưng Yên còn đẩy vụ việc sang cơ quan tòa án, nhưng cơ quan này không thụ lý vì khẳng định “vụ việc không thuộc thẩm quyền của tòa”. Thế là, lãnh đạo TP lại nhiều lần có văn bản xin ý kiến từ Tổng Cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên Môi trường) và đều được trả lời: Có đủ cơ sở cấp sổ đỏ cho gia đình bà Cúc.

Nghịch một nỗi, dù hứa với dân bằng văn bản rằng, sẽ giải quyết vụ việc sau khi có ý kiến từ Tổng Cục Quản lý Đất đai, nhưng khi đơn vị này trả lời tới 2 lần mà lãnh đạo TP Hưng Yên vẫn không thực hiện. Thậm chí, Tổng Cục Quản lý Đất đai còn chủ động tổ chức hẳn một hội nghị với sự tham gia của nhiều đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên Môi trường, mời lãnh đạo UBND tỉnh, UBND TP Hưng Yên và các cơ quan liên quan của địa phương này vào hôm 28/7/2015. Kết quả là, Tổng cục Quản lý Đất đai vẫn không có sự thay đổi với sự trả lời trước đó cho việc xin ý kiến chỉ đạo từ TP Hưng Yên.

Tại buổi làm việc giữa đại diện UBND tỉnh, UBND TP Hưng Yên với Báo Thanh tra ngày 15/9 về việc chậm giải quyết vụ việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Chu Thị Cúc, ông Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo UBND TP Hưng Yên khẩn trương giải quyết dứt điểm vụ việc.
Sau nhiều lần “hoãn binh” (với chỉ đạo UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu giải quyết ngay vụ việc này), ngày 26/8/2015 UBND TP Hưng Yên đã ban hành Văn bản 823/UBND-TNMT trả lời bà Chu Thị Cúc. Theo đó, UBND TP Hưng Yên đã từ chối cấp sổ đỏ cho cả phần đất của gia đình vì theo Luật Đất đai 2013, gia đình bà Cúc không có đủ các loại giấy tờ hoặc điều kiện được quy định tại Điều 100, 101. TP cũng dựa trên một loại văn bản (biên bản tính toán đền bù đất) trong hồ sơ vụ việc để cho rằng gia đình bà Cúc mới chỉ đủ cơ sở sử dụng hợp pháp 39m2 đất phía sau. Và nếu gia đình có nhu cầu thì TP sẽ cấp sổ đỏ.

Vậy vì sao hết đẩy sang tòa, xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Quản lý Đất đai nhưng khi có hướng dẫn thì TP Hưng Yên lại chối phắt, và tự giải quyết với cách làm “không giống ai” như văn bản nêu trên?

Trao đổi với chúng tôi, các cán bộ có thẩm quyền của TP Hưng Yên cho biết: Chúng tôi đã quá tin tưởng vào hồ sơ của các cán bộ thời kỳ trước (gồm lãnh đạo UBND và Phòng Tài nguyên Môi trường qua các thời kỳ) nên đã có nhận định sai về vụ việc. Nay nghiên cứu lại, mới có cách giải quyết như thế này.

Đối chiếu với Văn bản 823 kể trên, lãnh đạo TP Hưng Yên đã không cần quan tâm đến việc tại sao gia đình bà Cúc có mặt trên mảnh đất này hơn 50 năm qua, mà chỉ đỏi hỏi về giấy tờ hợp pháp mới được cấp sổ đỏ.

Cụ Trần Ngọc Bích, nguyên Chủ nhiệm HTX Tiền Tiến: “Nhà nước lấy đất của dân thì phải có trách nhiệm với dân, chứ sao đòi hỏi giấy tờ này nọ để chối dân?”. Ảnh: Nhóm PV

Chúng tôi đã đi tìm và gặp được cụ Trần Ngọc Bích, nguyên Chủ nhiệm HTX Tiền Tiến, Chủ tịch rồi Bí thư phường Lê Lợi (từ những năm 70 của thế kỷ trước đến những năm 1990) và cũng là người sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này cho biết: Tôi là con Liệt sĩ, được Ban Chủ nhiệm HTX Tiền Tiến  nhận làm con nuôi, sau này trưởng thành lại làm lãnh đạo địa phương nên tôi biết rất rõ gốc tích mảnh đất và toàn thể vụ việc. Năm 1964, chủ trương thị xã mở rộng đường Điện Biên và lấy đất làm trụ sở HTX Tiền Tiến, gia đình bà Cúc đã nhất trí rời đi và được chỉ định đến mảnh đất mới, vốn có nguồn gốc đất địa chủ bị Nhà nước thu hồi sau cải cách ruộng đất. Thời bấy giờ, chính quyền có lệnh là dân đi ngay chứ lấy đâu ra quyết định hay giấy tờ như bây giờ. Cụ Bích cũng nêu rõ: Nhà nước lấy đất của dân thì phải có trách nhiệm với dân, chứ sao đòi hỏi giấy tờ này nọ để chối dân?

Người thứ hai mà chúng tôi gặp được là cụ Trần Văn Ngự, nguyên Phó Trưởng Công an thị xã Hưng Yên. Thời kỳ đó cụ Ngự cũng nằm trong ban chỉ đạo di dời nhà đất. Cụ Ngự cho biết, tôi biết rất rõ anh Dũng (ông Lâm Thành Dũng) vì khi tôi về tiếp quản Hưng Yên, anh ấy còn khai nhận là từng hoạt động cách mạng. Nhưng sau này chúng tôi xác minh mới rõ là ông Dũng nhận vơ thành tích của một đồng chí khác (cũng tên Dũng) đã mất trước đó. Cũng lạ là sau này ông Dũng cũng vào được Ban lãnh đạo HTX Cơ khí tháng Tám. Nhưng rồi tham ô, tham nhũng nên cũng bị đi ở tù. Việc Nhà nước lấy đất của bà Cúc là có, nhưng hỏi có giấy tờ gì không thì làm sao có được. Kháng chiến mà, các cháu không hiểu được không khí thời bấy giờ đâu.

Trong quá trình xác minh vụ việc, chúng tôi cũng tìm được một số cán bộ của thị xã Hưng Yên liên quan đến tờ biên bản đền bù đất (mà UBND TP Hưng Yên lấy làm cơ sở ban hành Văn bản 823). Theo đó, mặc dù nguồn gốc đất không phải của ông Dũng, nhưng thị xã vẫn bồi thường một khoản tiền gọi là hỗ trợ hoa màu (cho 39m2 phía sau nhà bà Cúc là đất vượt lập ao hồ), thậm chí còn hỗ trợ giải quyết cho gia đình ông Dũng một mảnh đất vì nghĩ đơn giản cho vụ việc khỏi phức tạp. Theo vị cán bộ này, ông Dũng chỉ là người đến ở trước trên phần đất địa chủ bị Nhà nước thu hồi, chứ không phải chủ đất.

Còn về phía ông Nguyễn Tuấn Cường, Chủ tịch UBND TP Hưng Yên (con rể ông Dũng) thì khẳng định: Tôi không hề thiên vị, thậm chí còn tuyên truyền vận động cho bố tôi nữa. Từ ngày tôi lên làm Chủ tịch, cụ ít đơn thư khiếu kiện hẳn. Có điều cụ mới ốm dậy nên chưa dám có ý kiến.

Nhóm PV