Ngày 9/4/2019, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Công văn số 791 về việc dừng thi công nạo vét một số khu vực Bbến khách ngang sông Hồng thuộc huyện Khoái Châu.

Văn bản này được gửi tới các Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Giao thông và Vận tải, Công an tỉnh, UBND huyện Khoái Châu, cùng các công ty: Công ty Đầu tư và Thương mại Quảng Nam, Công ty TNHH Minh Phương, Doanh nghiệp tư nhân Vật liệu xây dựng Tuyết Dung.

Nội dung công văn cho biết: Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo công tác khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên lợi dụng đêm tối và việc cho phép nạo vét khơi thông dòng chảy vào bến khách ngang sông và bãi bốc xếp hàng hóa, một số tổ chức, cá nhân đã tiến hành khai thác cát không đúng vị trí, thời gian, khối lượng và phương tiện khai thác theo quy định đã được một số cơ quan báo chí phản ánh, lực lượng Công an đã phát hiện lập biên bản và xử lý.

Sau khi xem xét đề nghị của Sở TNMT tại Báo cáo số 145 ngày 5/4/2019 về việc kiểm tra xử lý việc thi công nạo vét khu vực bến khách ngang sông Hồng tại các xã Bình Minh, Tân Châu huyện Khoái Châu, UBND tỉnh có ý kiến như sau:

Dừng việc thi công nạo vét tại Bến khách ngang sông Hồng thuộc xã Bình Minh, Tân Châu và bến bốc xếp vật liệu xây dựng xã Chí Tân huyện Khoái Châu kể từ 15 giờ ngày 9/4/2019.

Sở Giao thông và Vận tải chủ trì phối hợp với Sở TNMT, Công an tỉnh và UBND huyện Khoái Châu thông báo việc dừng thi công nạo vét đến các đơn vị đồng thời giám sát, kiểm tra việc thực thi chỉ đạo của UBND tỉnh về việc dừng thi công nạo vét tại 3 khu vực trên.

Công an tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát trái phép theo quy định của pháp luật.

Được biết, trước đó, ngày 15/3, ông Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình hoạt động của bến thủy nội địa, tình hình khai thác cát trên sông Hồng và công tác bảo đảm an toàn cho tuyến đường ống xăng, dầu qua sông Hồng.

Ông yêu cầu Sở Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động nạo vét luồng đường thủy kết hợp thu hồi cát trên địa bàn thành phố; kiểm tra, xử lý các phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi trên sông; kiểm tra hoạt động bến thủy nội địa tại các bãi trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND các xã, phường, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn; thu hồi những văn bản, hợp đồng cho thuê đất trái thẩm quyền...

Lấy lý do các bến đò ngang bị bồi lấp khó cho hoạt động ra vào của các đò, phà để xin phép nạo vét nhưng thực tế những chiếc phà tại Tân Châu và Bình Minh vẫn hoạt động bình thường dù đã chở quá tải gấp 3 lần cho phép. Ảnh: ND

Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng chỉ đạo quyết liệt đối với “cát tặc”

Thực hiện Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tại Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, Ban Thường trực Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, ngày 31/1/2018, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 484/KH-MTTW-BTT về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; với trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình khai thác cát, sỏi ở các dòng sông cửa biển diễn ra rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, tác động xấu đến môi trường, gây sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông.

Mới đây nhất, ngày 3/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chủ trì cuộc họp về tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát tại các địa phương.

Nêu thực tế còn nhức nhối trong quản lý tài nguyên cát, sỏi, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho rằng: Còn tình trạng một số địa phương để "cát tặc" hoạt động công khai, có tính chất lộng hành.

"Có nơi "cát tặc" hết sức lộng hành, người dân không biết dựa vào đâu, phải tự đấu tranh với "cát tặc". Lực lượng chức năng nhiều nơi chưa xử lý, có sự buông lỏng của chính quyền để cát tặc lộng hành, có nơi còn ý kiến nêu có hiện tượng tiêu cực, bao che" - Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nêu.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, qua phản ánh của báo chí cho thấy, có căn cứ cho rằng ở một số địa phương chưa đấu tranh, xử lý "cát tặc", có nơi  xử lý không nghiêm minh. Có nơi chủ tịch, phó chủ tịch trực tiếp thị sát nhưng cũng có nơi báo chí phản ánh về "cát tặc", nhưng không có chuyển biến gì.

Còn trước đó tại xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu một địa bàn phức tạp nhất nhì về nạn cát tặc ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cũng vậy. Dù thời điểm nóng nhất đã qua, nhưng đến giờ này, người dân ở đây vẫn không ai quên được cảnh tượng đêm đêm, hàng trăm nam giới của thôn Năm Mẫu phải trải chiếu, mắc màn ngay tại trụ sở UBND xã để cùng nhau đối phó với các nhóm "cát tặc" đang hoành hành dữ dội bên mạn phải sông Hồng.

Thậm chí, ngày 16/1/2018, bức xúc trước việc khai thác cát không đúng quy định làm sạt lở đất canh tác, người dân xã Đại Tập, huyện Khoái Châu đã thu 2 tàu hút cát của Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Sông Hồng đang khai thác. Sự việc phức tạp khiến công an phải vào cuộc để xử lý.

Cũng trước đó, liên quan đến hoạt động khai thác cát trên sông Hồng và sông Luộc được UBND tỉnh Hưng Yên cấp phép nhưng các đơn vị tiến hành khai thác không đúng quy định được Báo Thanh tra phản ánh, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu chấn chỉnh.

Công văn số 10527, ngày 4/10/2017 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương điều tra xác minh làm rõ những nội dung như báo chí phản ánh. Nếu đúng phải kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/10/2017.

Có thể thấy, tỉnh Hưng Yên là địa bàn khá nóng về các hoạt động khai thác khoáng sản đặc biệt là khai thác, nạo vét cát. Mặc dù các doanh nghiệp, đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác, nạo vét theo quy định của pháp luật nhưng khi tiến hành khai thác trên thực tế thì đã không tuân thủ các quy định trong quá trình khai thác, nạo vét đã làm sạt lở đất của người dân, lấy trộm tài nguyên quốc gia khiến người dân bức xúc.

Theo Bộ Công an, từ đầu năm đến nay có 14 địa phương phát hiện 659 vụ/426 đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép và tập kết, kinh doanh cát trái quy định. Tổng số tiền xử phạt hơn 12 tỉ đồng, tịch thu 73 ghe thuyền, 2 ô tô, 1 máy xúc. Tuy nhiên, chỉ có 2 vụ được khởi tố về hành vi khai thác khoáng sản trái phép ở Thanh Hoá và Đồng Nai.

Nam Dũng