Đất tranh chấp, vẫn được cấp Sổ đỏ

Để đòi quyền sử dụng tại diện tích đất nêu trên, từ năm 1995, bà Lâm Thị Chính đã có đơn khiếu nại đến UBND huyện Phú Quốc (nay là TP Phú Quốc) đề nghị không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Huỳnh Văn Mang vì đất có nguồn gốc do huyện ủy Phú Quốc giao cho gia đình bà sử dụng từ năm 1975.

Tuy nhiên, vào năm 1998, UBND huyện Phú Quốc vẫn cấp GCNQSDĐ cho ông Huỷnh Văn Mang nên bà Chính đã tiếp tục khiếu nại. Sau đó, bà Chính đã lần lượt bị UBND huyện Phú Quốc và Thanh tra tỉnh Kiên Giang “bác đơn”.

Về phía ông Mang, sau khi được cấp GCNQSDĐ, ông này đã chuyển nhượng đất cho Công ty CP Chế biến thủy hải sản Liên Thành (Công ty Liên Thành) vào năm 2004.

Đến năm 2011, Công ty Liên Thành tiếp tục chuyển nhượng thửa đất cho bà Nguyễn Thị Bích Liên (trú tại xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc, Hải Dương).

Đág nói, trong giai đoạn sau đó, tranh chấp đất giữa bà Chính và bà Liên đã được TAND tỉnh Kiên Giang thụ lý giải quyết nhưng bà Liên vẫn ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất trên cho anh Nguyễn Việt Dũng (xã Dương Tơ, TP Phú Quốc) vào năm 2020.

Chính vì vậy, ngoài yêu cầu được công nhận quyền sử dụng đất đối với 11.000m2 đất thuộc thửa 218, tờ bản đồ số 01, ấp Suối Đá thì bà Chính còn yêu cầu hủy GCNQSDĐ đứng tên ông Huỳnh Văn Mang; hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Mang với Công ty Liên Thành; Hủy GCNQSDĐ của Công ty Liên Thành; hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa công ty Liên Thành với bà Nguyễn Thị Bích Liên cùng như hủy GCNQSDĐ của bà Liên; Hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa bà Liên với anh Nguyễn Việt Dũng, đồng thời hủy đăng ký biến động quyền sử dụng đất của anh này trên GCNQSDĐ…

Quá trình xét xử, cả HĐXX sơ thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang và HĐXX phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đều đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà Chính; buộc bà Chính phải giao trả anh Nguyễn Việt Dũng hơn 11.000m2  đất và phải di chuyển tài sản, vật kiến trúc…(trong đó có hai ngôi mộ hơn 9m2  ) ra khỏi phần đất tranh chấp.

Đến đầu tháng 4/2021, bà Chính đã bị cưỡng chế thi hành phán quyết trả đất, di chuyển tài sản theo phán quyết trên (riêng hai ngôi mộ chưa cưỡng chế di chuyển).

Tuy nhiên, do nhận thấy 2 bản án trên có nhiều sai sót nên vào tháng 11/2021, Chánh án TAND Tối cao đã có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy án sơ thẩm và phúc thẩm, đồng thời yêu cầu “tạm đình chỉ thi hành bản án dân sự phúc thẩm số 677/2020/DS-PT  ngày 15/12/2020 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh”.

Vào tháng 12/2021, HĐXX giám đốc thẩm TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy bản phúc thẩm số 677 nêu trên và bản án sơ thẩm số 18/2020/DS-ST của TAND tỉnh Kiên Giang vì cho rằng hai bản án này có nhiều sai sót.

Án sơ thẩm và phúc thẩm có hàng loạt sai sót

Theo HĐXX giám đốc thẩm, qua văn bản của Thường vụ huyện ủy Phú Quốc năm 1996 và Công văn số 320-CV/HU ngày 6/3/2017 của huyện ủy Phú Quốc thì có căn cứ xác định việc Huyện giao đất cho cụ Lâm Văn Mười và cụ Trần Thị Huệ (bố mẹ bà Chính, có 3 con là liệt sỹ-PV) để canh tác từ năm 1975.

Năm 1985, huyện bố trí cho Xí nghiệp Gốm sứ tiến hành xây dựng lò gốm trên phần đất trên. Năm 1993, Xí nghiệp giải thể và UBND huyện Phú Quốc bán đấu giá toàn bộ Xí nghiệp cho ông Huỳnh Văn Mang.

Tại biên bản bàn giao tài sản của Xí nghiệp cho ông Mang thể hiện tài sản bàn giao là nhà xưởng, máy móc, lò nung, xe….không có nội dung giao đất mà chỉ ghi (riêng phần đất sản xuất sẽ giao nhận thực tế sau)  

Ngoài ra, Quyết định Giám đốc thẩm còn cho rằng, năm 1995, ông Mang có đơn xin cấp hơn 27.000m2 đất, trong đó có diện tích đất đang tranh chấp, nên bà Chính khiếu nại. Năm 1998, UBND cấp GCNQSDĐ khi đang có tranh chấp chưa được giải quyết là không đúng với Luật đất đai 1993.

Sau khi bà Chính khiếu nại, năm 1999, UBND huyện Phú Quốc có quyết định không công nhận khiếu nại; Thanh tra tỉnh Kiên Giang có quyết định công nhận Quyết định giải quyết khiếu nại của UBND huyện Phú Quốc, trong khi diện tích đất tranh chấp đã có GCNQSD là không đúng thẩm quyền theo quy định của Luật đất đai 1993.

Từ vi phạm về giải quyết tranh chấp nêu trên, HĐXX giám đốc thẩm nhận định, việc Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm căn cứ vào Quyết định giải quyết không đúng thẩm quyền của UBND huyện Phú Quốc và Thanh tra tỉnh Kiên Giang để giải quyết vụ án và bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Chính là không có căn cứ, không đảm bảo quyền lợi của bà Chính.

Về quyền lợi của nguyên đơn, Quyết định giám đốc thẩm nhận định, tại Quyết định giải quyết khiếu nại năm 1999, UBND huyện Phú Quốc khẳng định, bà Chính muốn được giao quyền sử dụng đất 0,65h (phần đất được thu hoa lợi để sống và thờ phụng bố đẻ) thì phải lập thủ tục đề nghị giao đất theo quy định.

Nếu muốn giao thêm diện tích đất để canh tác thì sẽ được UBND huyện xem xét giao đất tại vị trí khác ngoài thửa đất 0,65ha đang tranh chấp”.

Tuy nhiên, sau khi có Quyết định thì bà Chính có đơn đề nghị giao thêm đất hay không, đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét hay chưa đều chưa được Tòa sơ thẩm và phúc thẩm xác minh làm rõ để đảm bảo quyền lợi cho bà Chính.

Về hợp đồng chuyển nhượng đất giữa bị đơn- bà Nguyễn Thị Bích Liên với anh Nguyễn Việt Dũng, HĐXX giám đốc thẩm khẳng định, hợp đồng này được công chứng, chứng thức ngày 6/1/2020 trong khi diện tích đất chuyển nhượng có tranh chấp, đang được TAND tỉnh Kiên Giang thụ lý, giải quyết. Hợp đồng này đã vi phạm điều kiện chuyển nhượng nhưng Tòa sơ thẩm và Tòa phúc thẩm vẫn công nhận là không có căn cứ.

Cùng với việc tuyên hủy án sơ thẩm, phúc thẩm, HĐXX giám đốc thẩm đã quyết định giao hồ sơ vụ án về TAND tỉnh Kiên Giang để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định.

Hy vọng với phán quyết này, vụ kiện sẽ được TAND tỉnh Kiên Giang xem xét, đánh giá lại một cách cẩn trọng hơn và khắc phục được các sai sót đã được Chánh án TAND tối cao và HĐXX giám đốc thẩm chỉ ra trong Quyết định kháng nghị và Quyết định giám đốc thẩm.

Không đảm bảo chính sách người có công với cách mạng

Tại Quyết định giám đốc thẩm, TAND Tối cao nêu rõ: căn cứ vào các biên bản xác minh thì trên đất tranh chấp có một số cây trồng lâu năm do bà Chính trồng từ năm 1975 và 1996. Lẽ ra, Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm phải xác minh lảm rõ diện tích đất có cây trồng do bà Chính trồng để xem xét công nhận quyền sử dụng phần đất này cho bà Chính, bảo đảm quyền lợi cho bà Chính theo quy định và đảm bảo chính sách người có công với cách mạng.

https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/vu-tranh-chap-dat-tai-phu-quoc-huy-ban-an-so-tham-va-phuc-tham-do-khong-dam-bao-quyen-loi-cua-nguyen-don-d175555.html
Khoa Lâm/https://www.phapluatplus.vn