Dự án được người dân mong đợi

Cầu Quang Thanh bắc qua sông Văn Úc nối xã Thanh Cường (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) với xã Quang Hưng (huyện An Lão,TP Hải Phòng). Cầu được khởi công vào ngày 16/5/2020 với kinh phí gần 400 tỷ đồng từ ngân sách TP Hải Phòng.

Cầu Quang Thanh dài 536 m, rộng 12 m. Dự án đường dẫn cầu Quang Thanh qua xã Thanh Cường dài khoảng 1,7 km, diện tích phải giải phóng mặt bằng trên 9,3 ha với 206 hộ thuộc diện phải thu hồi đất.

Đây là cây cầu được người dân huyện Thanh Hà nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung mong ngóng từ hàng chục năm nay. Khi câu cầu này đi vào hoạt động sẽ chấm dứt cảnh người dân phải xếp hàng dài chờ phà sang bên Hải Phòng để làm ăn, buôn bán. Đến thời điểm hiện tại, cầu Quang Thanh đã hợp long và sắp hoàn thành các hạng mục cuối cùng.

Là 1 trong 206 hộ gia đình nằm trong diện giải phóng mặt bằng của dự án, gia đình ông Hoàng Thế Thiềm (xã Thanh Cường) cho biết, ngay khi có thông tin về dự án xây dựng cầu Quang Thanh và tuyến đường dẫn, ông và nhiều hộ gia đình rất hồi hộp mong đợi.

Lý do, xã Thanh Cường cùng với 5 xã khác thuộc khu Hà Đông (huyện Thanh Hà) là một "hòn đảo" bao quanh bởi con sông Văn Úc. Cuộc sống của người dân rất khó khăn do đi đâu cũng phải chờ đợi những chuyến đò.

Mong ước về những cây cầu nối khu Hà Đông với các địa phương lân cận không chỉ của riêng ông mà còn cả những người dân ở huyện Thanh Hà. Chính vì vậy, ngay sau khi UBND huyện, xã tiến hành họp dân, thông tin về dự án, cơ chế chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, ông là người tiên phong ủng hộ dự án.

Mặc dù bị thu hồi hơn 1.000 m2 cùng với cả ngôi nhà 2 tầng đang ở nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng, ông đã tiên phong ký nhận tiền và bàn giao đất cho đơn vị thi công.

leftcenterrightdel

Tuyến đường dẫn lên cầu Quang Thanh có nguy cơ chậm tiến độ vì 6 hộ dân

Nói về chính sách bồi thường ở dự án này, ông Thiềm cho biết là rất hợp lý và được triển khai một cách công khai, minh bạch. Bản thân ông còn được thưởng 10 triệu đồng vì sớm thực hiện việc nhận tiền và bàn giao đất sớm.

Còn ông Lê Quý Sự, Chủ tịch UBND xã Thanh Cường cho biết, đây là dự án người dân địa phương mơ ước từ rất lâu. Chính vì vậy, ngay khi bắt đầu triển khai đã nhận được sự đồng thuận rất cao từ cấp ủy, chính quyền và người dân. Sự tin tưởng được thể hiện ở việc 200 hộ gia đình đã đồng tình ủng hộ dự án.

Tuy nhiên đến nay, vẫn còn 6 hộ gia đình không nhận tiền bồi thường, không bàn giao đất để thực hiện dự án. Ông Sự cũng đề nghị 6 hộ gia đình còn lại sớm chấp hành các quy định của pháp luật để dự án được triển khai một cách nhanh chóng.

Nguy cơ chậm tiến độ vì 6 hộ dân

Theo UBND huyện Thanh Hà, đến thời điểm hiện tại, đã có 200 trên tổng số 206 hộ dân nhận tiền bồi thường và bàn giao đất để thực hiện dự án. Tuy nhiên, vẫn còn 6 hộ gia đình cố tình không nhận tiền bồi thường, bàn giao đất mặc dù UBND huyện đã thực hiện đầy đủ các quy định, cơ chế chính sách có lợi nhất cho người dân ở dự án này.

Mới đây, UBND huyện Thanh Hà đã tiến hành đối thoại với 6 hộ dân cố tình không bàn giao đất. Buổi đối thoại do ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện cùng sự tham gia của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, các phòng, ban chuyên môn, lãnh đạo xã Thanh Cường cùng đông đảo người dân.

Tại buổi đối thoại, các hộ dân này cho biết lý do không nhận tiền bồi thường là vì đơn giá bồi thường thấp, muốn nhận thêm các suất đất tái định cư, việc thu hồi đất chưa công khai minh bạch…

Trả lời các ý kiến của người dân, ông Trần Văn Tâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Hà cho biết, ngày 6/2/2020, UBND huyện đã ban hành thông báo thu hồi đất và công khai tại UBND xã Thanh Cường, nhà văn hóa các thôn trong xã và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cùng với đó, lãnh đạo UBND huyện đã nhiều lần tiến hành họp công khai để phổ biến chủ trương, chính sách và chế độ với những người dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án.

Tất cả 206 hộ dân có đất bị thu hồi đã đồng ý ký vào biên bản kiểm kê đất đai, tài sản và không có ý kiến kiến nghị gì. Sau khi niêm yết công khai các phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đến thời điểm hiện nay đã có 200 hộ gia đình đồng thuận nhận tiền bồi thường và bàn giao đất để thực hiện dự án.

leftcenterrightdel
Cầu Quang Thanh nối từ Hải Phòng sang Hải Dương sắp hoàn thành 

Về ý kiến giá bồi thường đât thấp, bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà cho biết, đây là dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, giá đền bù thực hiện theo quy định của pháp luật. UBND huyện đã tạo mọi điều kiện, áp dụng quy định có lợi nhất cho người dân. Giá đất bồi thường tại tuyến đường dẫn này cùng một vị trí cao hơn rất nhiều so với TP Hải Phòng.

Về ý kiến đề nghị xem xét bố trí thêm đất tái định cư, UBND huyện Thanh Hà cho biết, các hộ gia đình không đủ điều kiện bố trí giao đất tái định cư vì lý do không có nhà ở trên đất, không phải di chuyển chỗ ở. Hiện nay đã có 22/25 hộ đã nhận đất tái định cư và đang xây dựng nhà để ổn định cuộc sống.

“Các cơ quan chức năng của huyện đã nhiều lần trả lời các kiến nghị của 6 hộ dân, mong người dân phối hợp với huyện để thực hiện dự án. Còn quan điểm của huyện là các chế độ, chính sách phải áp dụng một cách có lợi nhất cho người dân”, bà Hoàng Thị Thúy Hà cho biết.

Tỉnh Hải Dương đồng ý cưỡng chế

Ngày 30/3/2021, UBND tỉnh Hải Dương có văn bản gửi các sở, ngành, UBND huyện Thanh Hà trong đó đề nghị UBND huyện Thanh Hà sớm thực hiện các công việc theo quy định của pháp luật để giải phóng mặt bằng đối với 6 hộ gia đình cố tình không bàn giao đất. Nếu 6 hộ trên vẫn không chấp hành sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, nếu các 6 hộ dân vẫn cố tình không bàn giao đất, huyện sẽ tổ chức cưỡng chế từ ngày 19 đến ngày 20/4/2021 để đảm bảo tiến độ của dự án.


CTV Nguyễn Văn Tiến