“Nút thắt” của vụ việc được tháo gỡ

Theo Thông báo 262 ngày 23/2/2021 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết: Từ năm 1990 đến năm 2019, ông Lợi đã có đơn gửi trường và nhiều cơ quan: Bộ Y tế, Sở Y tế Vĩnh Phú, Sở Y tế Phú Thọ, Văn phòng Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. Mặc dù, đã được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo nhưng không được các cơ quan có trách nhiệm giải quyết thỏa đáng. Do đó, ông Lợi tiếp tục có đơn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để khiếu nại và kiến nghị một số nội dung có liên quan đến việc thất lạc hồ sơ và bồi thường giải quyết hồ sơ, chính sách do mất việc làm.

Việc để xảy ra khiếu nại và giải quyết khiếu nại, kiến nghị của ông Lợi từ năm 1990 đến năm 2020 của một số cơ quan, tổ chức còn thiếu trách nhiệm, chưa chính xác, giải quyết không khách quan.

Mấu chốt là Trường Đại học Y dược Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 03/YBT-QĐ ngày 3/1/1990 điều động ông Lợi về Sở Y tế Vĩnh Phú là chưa đúng với các quy định pháp luật, trái với nguyên tắc bố trí công việc được ghi tại Công văn số 400/TC ngày 3/4/1976 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận cán bộ ở miền Nam ra.

Thêm nữa, cuộc đời ông Lợi thực sự rơi vào “bị kịch” là do “trường đã bàn giao không đầy đủ cho Sở Y tế Vĩnh Phú các tài liệu là bản gốc, bản chính, sao y bản chính liên quan đến quá trình học tập của ông Lợi, chỉ bàn giao một số tài liệu như tại biên bản bàn giao ngày 13/8/1991 với Sở Y tế Vĩnh Phú nhưng những tài liệu này lại gây bất lợi cho ông Lợi về nhân thân và không có giá trị để ông Lợi nối tiếp biên chế Nhà nước từ Ủy ban Thống nhất của Chính phủ. Kết quả kiểm tra, rà soát cho thấy, nhiều tài liệu hồ sơ có giá trị pháp lý để giải quyết chế độ cho ông Lợi vẫn đang lưu giữ tại trường” - Thông báo 262 đã nêu.

Ngày 1/10/2019, ông Nguyễn Ngọc Lợi có đơn tiếp tục gửi Thủ tướng Chính phủ.

Rất nhanh sau đó, ngày 11/10/2019, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 9309 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của ông Nguyễn Ngọc Lợi; trả lời công dân và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ. Công văn này được gửi đồng thời tới Bộ GD&ĐT, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, Trường Đại học Y dược Thái Nguyên.

Thực hiện sự chỉ đạo này, ngày 18/12/2019 Thanh tra Sở Y tế Phú Thọ đã làm việc với ông Nguyễn Ngọc Lợi và đến ngày 25/12/2019 Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 1311 về việc thành lập tổ xác minh hồ sơ cá nhân của ông Nguyễn Ngọc Lợi do ông Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở làm Trưởng đoàn.

Ngày 31/12/2019, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ Biên có biên bản làm việc Trường Đại học Y dược Thái Nguyên dưới sự chứng kiến của Đại diện trường Đại học Thái Nguyên ngày 31/12/2019 đã kết luận:

Thứ nhất: Trường Đại học Y dược Thái Nguyên xác nhận ông Nguyễn Ngọc Lợi là cán bộ đi học.

Thứ hai: Việc trả hồ sơ cá nhân ông Nguyễn Ngọc Lợi về sở Y tế Vĩnh Phú (cũ) theo nội dung Công văn số 440/YBT-QLSV ngày 30/11/1989; và nhà trường còn lưu giữ 10/12 loại tài liệu thuộc hồ sơ cá nhân của ông Nguyễn Ngọc Lợi mà trường Đại học Y Bắc Thái đã bàn giao cho Sở Y tế Vĩnh Phú vào hồi 10h 15 phút ngày 13/8/1991 (thiếu tài liệu số 11 - một số giấy tờ sức khỏe và tài liệu số 12; giấy thôi trả lương).

Từ đây, “nút thắt” của vấn đề chính thức được tháo gỡ và đã xác định được chính xác nguyên nhân của vụ việc khiếu nại kéo dài trong mấy chục năm qua. Tức là, Trường Đại học Y dược Thái Nguyên đã “trù dập” bác sĩ Lợi, chứ không phải có việc thất lạc hồ sơ, vì hồ sơ trường vẫn giữ.

Rất nhanh sau đó, Sở Y tế Phú Thọ đã có Văn bản số 23 ngày 7/1/2020 Báo cáo Bộ GD&ĐT, đồng thời cũng gửi Văn bản này về Văn phòng Chính phủ để thông tin kết quả sự việc.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ tháng 10/2019, nhưng mãi đến ngày 28/7/2020, Bộ GD&ĐT mới có Báo cáo số 607. Tiếc rằng Bộ này đã bỏ qua kết quả tại Văn bản số 23 của Sở Y tế Phú Thọ là bác đi quyền khiếu nại theo hiến định của bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi, dẫn đến vụ việc khiếu nại chưa thể kết thúc.

Từ thực tế đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không chấp nhận Báo cáo 607 của Bộ GD&ĐT và giao cho TTCP chủ trì giải quyết. Kết quả TTCP đã có Thông báo 262 giải quyết một cách thấu tình, đạt lý được dư luận hoan nghênh.

leftcenterrightdel
Bị "trù dập" gần nửa đời người nhưng bác sĩ Lợi vẫn giữ được phẩm chất của người lính "bộ đội Cụ Hồ" 

Một tài năng bị “trù dập”

Theo sơ yếu lý lịch tự khai có xác nhận của UBND xã Tứ Xã, trước khi vào học Trường Đại học Y dược Thái Nguyên, ông Nguyễn Ngọc Lợi được tặng các loại bằng khen, giấy khen sau: Năm 1968 được Bác Hồ khen thưởng vì là học sinh giỏi chăm ngoan điển hình của tỉnh; được 13 giấy khen của trường phổ thông; 1 giấy khen của Tỉnh đoàn, 2 giấy khen của Huyện đoàn; được Ty Giáo dục cấp giấy khen và Giấy chứng nhận học sinh giỏi; được 1 bằng khen của Bộ Giao thông Khu V vì đạt danh hiệu lái xe an toàn 3 năm liền.

Nhưng, sau khi học được gần 6 năm tại trường thì người ta lại "vẽ" ra lý do để kỷ luật và trả ông về địa phương:

Thứ nhất, không chấp hành quy chế vì còn thiếu hai môn không chịu thi lại nên không được thi tốt nghiệp.

Thứ hai, thiếu lễ độ với cán bộ và giáo viên nhà trường, đã được tập thể và ban lãnh đạo nhà trường nhiều lần động viên giáo dục và kiên trì giúp đỡ nhưng không chịu tiếp thu.

Khi được hỏi về những khúc mắc trong việc kỷ luật này, ông Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Phú Thọ là người được giao giải quyết vụ việc của bác sĩ Lợi, đồng thời ông Mạnh cũng là sinh viên K12 của Trường Y dược Thái Nguyên (học sau ông Lợi 2 khóa nên ông Mạnh nắm rất rõ chuyện này) thì được biết: Nguyên nhân khiến bác sĩ Lợi bị “trù dập” thời điểm đó, vì ông Lợi lúc vào trường là người có tố chất rất thông minh, hiểu biết nhiều, 24 tuổi và là cán bộ đi B về nên ông có nhiều kiến thức, kinh nghiệm sống.

Chính những kiến thức đó, khi học trên giảng đường ông đã đem ra bàn luận và phản biện với các thầy giáo, dẫn đến khiến nhiều người ganh ghét.

Thậm chí, tại Phòng Truyền thống của Trường Đại học Y dược Thái Nguyên vẫn còn để chiếc áo mà ông được các giáo sư nước ngoài tặng vì cảm phục trí thông minh, ham học hỏi của ông Lợi.

Về sau này, ông Lợi đã được một số giáo sư bảo lãnh cho học nghiên cứu sinh tại Đại học Y Hà Nội, nhưng người ta ganh ghét ông và biết ông không có hồ sơ gốc nên đã làm đơn gửi về Bộ Y tế và trường, nên khiến việc học của ông phải dừng lại.   

Trong văn bản của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế gửi Phó giáo sư Lê Ngọc Trọng, Hiệu trưởng Trường Y dược Thái Nguyên ngày 11/10/1991 đã viết: “Việc của anh Nguyễn Ngọc Lợi là một vấn đề rất phức tạp đã kéo dài rất nhiều năm. Theo ý nghĩ của tôi thì chúng ta nên tìm cho anh Lợi một lối thoát, nếu không thì công việc này còn rắc rối mãi, hơn nữa về mặt nhân văn của con người chúng ta cũng nên giúp cho anh Lợi có công ăn việc làm. Vậy anh xem có thể giúp được anh Lợi điều gì thì nên giúp”.

Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Phát biểu với báo chí sau khi có kết quả giải quyết vụ việc, Phó Tổng TTCP Trần Ngọc Liêm đánh giá vụ việc đã được giải quyết trong thời gian rất ngắn (15 ngày) nhưng vẫn đảm bảo khách quan, thận trọng và các kiến nghị có tính khả thi.

Đánh giá về phẩm chất cá nhân bác sĩ Lợi, Phó Tổng TTCP Trần Ngọc Liêm cho biết: Suốt 32 năm đi khiếu nại ông Lợi chỉ thuần túy đề nghị giải quyết chế độ, chính sách mình được hưởng mà không tạo ra các tình huống phức tạp ảnh hưởng đến tổ chức, đơn vị mình công tác.

Ông ấy đã kiên trì theo đuổi vụ việc và dù gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn làm việc cống hiến ở nhiều cơ quan. Cách sống của ông là điều rất đáng trân trọng. Qua vụ việc này các cơ quan chức năng phải rút ra bài học giải quyết khiếu nại ngay tại cấp cơ sở, tránh để kéo dài gây thiệt hại cho người dân.

Vụ việc này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm chỉ đạo sát sao, thậm chí mới đây phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Thanh tra, Thủ tướng đã nói: Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi đã khiếu nại hơn 32 năm nay và gần đây được TTCP báo cáo Thủ tướng, có cách giải quyết. Chúng ta có những vụ việc kéo dài như vậy, có đáng không?

Qua việc này, chúng ta thấy tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, khi mà ở nhiều cấp, nhiều địa phương vẫn còn thái độ thờ ơ, không thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân; chưa dành thời gian thỏa đáng cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa thông báo công khai lịch tiếp dân, hoặc có công khai, nhưng ít tiếp dân với những lý do bận họp. Đặc biệt, chưa đối thoại công khai, đối thoại trực tiếp với người dân để có phương án giải quyết hợp tình, hợp lý.

Được biết, ngoài vụ việc này, ngày 13/12/2019, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã tiến hành đối thoại và hòa giải thành công vụ việc khiếu nại của công dân về việc khiếu nại Quyết định số 345 ngày 16/9/1982 của Trưởng ty Y tế tỉnh Vĩnh Phú trong vấn đề buộc thôi việc một nhân viên tại Bệnh viện Việt Trì mặc dù đây là vụ việc đã kéo dài gần 40 năm.

Nam Dũng - Thành Nam