Xử một đằng, bản án một nẻo?

Chị Lê Thị Hường, trú tại xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, phản ánh: Ngày 25/6/2016, chị ký hợp đồng mua lâm sản phụ ngoài gỗ dây máu chó của bà con tại bản Hổi Tát, xã Nậm Khao, huyện Mường Tè. Sau khi mua hàng, do số lượng nhiều nên chưa tiêu thụ kịp, còn khoảng 5 tấn, nên chị Hường lập Hợp đồng gửi hàng số 01/2016 ngày 8/8/2016 với anh Lê Văn Hệ (trú tại bản Nậm Hản, xã Mường Tè), thuê anh Hệ trông nom và bảo quản số hàng trên.

Ngày 7/10/2016, tổ công tác của UBND xã Mường Tè bao gồm các ông: Tống Văn Viện, Sầm Văn Trường, Pờ Chà Mùi, đến kiểm tra, lập biên bản tạm giữ số hàng trên.

Ngày 10/10/2016, chị Hường và anh Hệ làm đơn trình báo tới UBND huyện Mường Tè, Công an huyện, Chi cục Kiểm lâm huyện Mường Tè, nhưng không được các cơ quan chức năng này giải quyết.

Tới ngày 21/1/2018, chị Hường tiếp tục ký hợp đồng mua lâm sản phụ ngoài gỗ là dây máu chó, củ Ba Mươi, củ Khúc Khắc, tại bản Huổi Meo, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

Ngày 23/1/2018, chị Hường vận chuyển hàng đi sơ chế và tiêu thụ, khi đến xã Mường Tè, huyện Mường Tè, thì bị UBND xã Mường Tè, bao gồm các ông: Lý Văn Phón, Tống Văn Nam, Vũ Quang Tiệp, Lý Văn Thế và một số dân quân xã đến kiểm tra và lập biên bản thu giữ 26 tấn hàng lâm sản có giá trị khoảng 320 triệu đồng.

Ngày 30/4/2018, UBND xã Mường Tè mời chị Hường lên làm việc và thỏa thuận bồi thường số hàng thu giữ là 170 triệu đồng. Tuy nhiên, chị Hường không đồng ý và cho rằng hành vi thu giữ lâm sản của UBND xã Mường Tè là trái pháp luật, nên đã khởi kiện ra Tòa án Mường Tè, yêu cầu bồi thường thiệt hại với mức tương xứng với số lâm sản mà gia đình chị đã mua.

Ngày 11/9/2020, Tòa án nhân dân huyện Mường Tè xét xử sơ thẩm vụ án hành chính giữa hộ nhà chị Lê Thị Hường và UBND xã Mường Tè, và vụ án được xét xử công khai theo quy định, với sự chứng kiến của nhiều người dân.

Chị Hường bức xúc: “Quá trình xét xử, phía tòa án, viện kiểm sát và luật sư đã hỏi các nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại tòa và được ghi nhận trong biên bản phiên tòa. Tuy nhiên, khi tôi nhận được bản án thì đã có sự thay đổi về lời khai của nhân chứng và có sự viện dẫn tài liệu không chính xác, không liên quan đến vụ án”.

Tại phiên tòa, ông Lò Văn Nhui - Trưởng bản Nậm Hản, xã Mường Tè, người tham gia làm chứng trong vụ án thu giữ hơn 5 tấn dây máu chó của chị Hường tại nhà ông Lê Văn Hệ, đã khai rõ: Không được tham gia cân dây máu chó tại trụ sở UBND xã Mường Tè, không được thông báo về việc xử phạt hành chính liên quan đến việc thu dây máu chó tại nhà ông Hệ và không được tham gia giao nhận hay được nhận các văn bản liên quan đến việc thông báo thu hàng lâm sản cũng như tiêu hủy hàng lâm sản, và không được nhận các văn bản trên để dán thông báo công khai tại bản Mường Tè.

Vào sáng ngày 7/10/2016, có các ông Tống Văn Viện, Sầm Văn Trường, Pờ Chà Mùi đến kiểm tra nhà ông Lê Văn Hệ ở bản Nậm Hản, xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, và đã lập biên bản làm việc với ông Hệ phải trông coi số hàng dây máu chó để ở nhà ông Hệ, không được để mất mát hay thất thoát và đợi chủ lâm sản lên mới giải quyết. Ông Sầm Văn Trường, trong quá trình làm việc, đã thừa nhận tại phiên tòa.

Vào ngày 11/9/2020, ông Trường có đến nhà ông Hệ nhưng không có ai ở nhà, chứ không phải ông Hệ không hợp tác, nhưng trong bản án đã được sửa lại không đúng với nội dung hỏi, trả lời tại phiên tòa và đã được sửa lời khai của ông Lê Văn Hệ thành ông Hệ không hợp tác và ông Lò Văn Nhui khai nhận tại thời điểm thu giữ có biên bản cân trọng lượng của số lâm sản này được 3.000kg.

Thực tế khi về ủy ban xã Mường Tè tự cân lâm sản và tại phiên tòa cả phía ủy ban xã Mường Tè và ông Lò Văn Nhui đã thừa nhận không có ông Nhui tham gia cân lâm sản.

“Ngày 23/1/2018, tôi có mang một bộ hồ sơ lâm sản ngoài gỗ đến UBND xã Mường Tè để xuất trình giấy tờ, nhưng UBND xã Mường Tè lại không có ai để làm việc. Tôi lên UBND xã 3 lần đều không có ai làm việc, tôi lại mang hồ sơ về chỗ xe hàng của tôi đỗ tại mặt bằng quy hoạch xã Mường Tè, thì tôi thấy có khoảng 20-30 người đang bốc dỡ xe hàng của tôi xuống dưới đất. Tôi thấy đông người, trong khi không biết ai với ai và cũng không ai giới thiệu cho tôi biết mọi người làm việc gì, chức vụ từng người làm giấy tờ. Vì vậy, UBND xã Mường Tè đã hủy hoại tài sản công dân của tôi có tổ chức?”, chị Hường khẳng định.

Sự thật có đang bị “bóp méo”?

Luật sư Nguyễn Ngọc Tấn (Cty Luật Ngọc Tấn và Cộng sự, Đoàn Luật sư Hà Nội) bào chữa cho chị Hường, cho biết: Trong phiên xét xử ngày 11/9/2020, chị Hường có 2 vụ án, một vụ năm 2018 là khởi kiện hành chính, một vụ năm 2016 là khởi kiện dân sự đòi tài sản, chứ không phải hai vụ hành chính như bản án đã tuyên.

Ông Tống Văn Viện, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Tè, là người tham gia phiên tòa trong vụ án thu giữ 5 tấn dây máu chó. Ông Viện thừa nhận tại thời điểm đó, trong khi chị Hường và ông Hệ có đến UBND xã Mường Tè để nộp đơn khiếu nại về 5 tấn dây máu chó mà UBND xã Mường Tè đã thu giữ của chị Hường, nhưng ông Viện không nhận đơn. Sau đó, chị Hường đã nhiều lần đến xã nộp đơn nhưng không được chấp nhận và cũng không ai hướng dẫn.

Ngày 12/2/2018, chị Hường lên UBND xã làm việc, trong đó có cả kiểm lâm huyện Mường Tè và kiểm lâm xã. Các bên thống nhất làm việc chỉ cân hàng lâm sản để xác định trọng lượng, khối lượng và không làm gì khác. Nhưng trong bản án lại nói chị Hường đã nhận lại số hàng, như vậy chẳng khác nào “đổi trắng thay đen”?

Tiếp đó, ngày 30/4/2018, chị Hường nhận được điện thoại của kiểm lâm địa bàn gọi lên xã nhận tiền đền bù, chị Hường nhận 170 triệu đồng và có ký nhận đúng 170 triệu đồng chẵn và không ký vào bất cứ một biên bản nào khác và không cam kết điều gì, nhưng trong bản án lại ghi khác hoàn toàn. Chị Hường cho biết đã nhận 170 triệu đồng là sự thật, nhưng không đồng ý với số tiền trên vì chưa đủ với số tiền đã bị thiệt hại.

Vụ án được đưa ra xét xử công khai, tuy nhiên, khi nhận bản án, người khởi kiện “tá hỏa” vì phát hiện có sự thay đổi về lời khai nhân chứng và có sự viện dẫn không chính xác và không liên quan đến vụ án được đưa ra xét xử trước đó. Phải chăng, Tòa án nhân dân huyện Mường Tè biết “sai vẫn cố xử” hay “đè” lên pháp luật?

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Thanh Hằng