Những tiêu chí “cục bộ” chỉ dành cho đơn vị thân quen

 Thời gian qua, trên địa bàn Thanh Hóa xuất hiện tình trạng các chủ đầu tư có tài sản đấu giá là đất ở, tổ chức lựa chọn các đơn vị bán đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở các mặt bằng đã có dấu hiệu “cài cắm” các tiêu chí vô lý, cục bộ, nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị đã “thân quen”, gây mất công bằng nên liên tục xuất hiện đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh tra, tại Thông báo số 146/TB-UBND Hoằng Hóa ngày 26/8/2022 lựa chọn tổ chức đấu giá khu dân cư xã Hoằng Lộc thuộc Dự án Trung tâm Văn hóa Thể dục thể thao huyện Hoằng Hóa, mặt bằng quy hoạch được phê duyệt kèm theo Quyết định số 5318A/QĐ-UBND ngày 07/8/2020 của UBND huyện Hoằng Hóa.

Tại phần V của thông báo huyện này đưa ra “tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định, điểm tối đa là 5 điểm”, trong đó mục 1. Có tiêu chí số hợp đồng thực hiện đấu giá tài sản cùng loại tại huyện Hoằng Hóa trong 2 năm liên kề năm dự kiến đưa tài sản ra đấu giá, điểm tối đa 3 điểm; mục 1.1 chưa thực hiện hợp đồng nào thì 0 điểm; mục 1.2 thực hiện từ 1 đến 5 hợp đồng, điểm tối đa 1 điểm; mục 1.3 đã thực hiện 6 đến 10 hợp đồng, điểm tối đa 2 điểm; mục 1.4 đã thực hiện từ 11 hợp đồng trở lên, điểm tối đa 3 điểm. Tại mục 2 của tiêu chí V đã thực hiện cuộc đấu giá tài sản cùng loại từ 1 đến 5 lô tại huyện Hoằng Hóa trong năm trước liền kề hoặc năm dự kiến đưa tài sản ra đấu giá, điểm tối đa 1 điểm. Tại mục 3 của tiêu chí V “phối hợp tốt với các phòng, ban chuyên môn UBND huyện Hoằng Hóa, tối đa 1 điểm”.

Các đơn vị tham gia lựa chọn tổ chức đấu giá trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đánh giá, những tiêu chí mà UBND huyện Hoằng Hóa đưa ra nói trên là cục bộ, không sát với thực tế, không khách quan, không minh bạch, có biểu hiện của việc “ưu ái”, “ưu tiên” cho những đơn vị đã thân quen, từng tổ chức đấu giá trên địa bàn. Trái khoáy ở chỗ, càng đấu giá nhiều mặt bằng ở huyện Hoằng Hóa số điểm lại được chấm càng cao, theo phương pháp lũy tiến.

Những đơn vị đấu giá chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, đã đấu giá thành công nhiều cuộc đấu giá tương tự trong tỉnh và thậm chí trong cả nước, nếu có tham gia ở huyện Hoằng Hóa thì mục này chỉ được điểm tối đa là điểm 0. Như vậy, nếu cứ làm theo phương pháp và các tiêu chí “cục bộ” vô lý này của UBND huyện Hoằng Hóa thì sẽ xảy ra tình trạng mất công bằng, không bao giờ các đơn vị lần đầu tham gia được lựa chọn để đấu giá ở các mặt bằng đất ở thuộc địa phương này là chủ tài sản.

Lựa chọn xong “quên” thông báo trên công thông tin điện tử

Tại huyện Thạch Thành, thông báo lựa chọn đơn vị bán đấu giá QSDĐ 43 lô đất tại khu dân cư mới thôn Quỳnh Sinh, xã Thành Tân, huyện Thạch Thành (đợt 1). Sau khi lựa chọn xong đơn vị đấu giá, huyện Thạch Thành “quên” luôn việc đưa kết quả lựa chọn lên cổng thông tin điện tử quốc gia theo quy định, khiến các đơn vị tham gia không biết được lựa chọn hay không, bị loại vì lỗi gì để biết đúng, sai để khiếu nại hoặc lần sau khắc phục.

Liên quan đến việc này, huyện Thạch Thành đã bị Công ty Đấu giá hợp danh Nhất An Phú có đơn khiếu nại nhiều nội dung, trong đó có việc “không công khai kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản trên cổng thông tin điện tử quốc gia” và “phương án đấu giá khả thi, hiệu quả của Công ty Nhất An Phú trình bày là chưa đúng hoặc thiếu so với quy định dẫn đến mục II tại phương án đấu giá khả thi của đơn vị này bị trừ 5 điểm nên đã bị loại không được lựa chọn là đơn vị bán đấu giá 43 lô đất nói trên”.

Trả lời Công ty Đấu giá hợp danh Nhất An Phú, UBND huyện Thạch Thành lại lập lờ đổ lỗi cho cán bộ được phân công nhiệm vụ chưa hiểu rõ các chức năng trên phần mềm nên kết quả đăng tải đang ở chế độ chưa công khai.

Khi bị khiếu nại thì UBND huyện Thạch Thành mới bắt đầu đăng công khai trên cổng thông tin điện tử quốc gia sau hơn 10 ngày.

Theo các đơn vị tổ chức đấu giá thì UBND huyện Thạch Thành đã vi phạm Khoản 1, Điều 6, Thông tư số 02/2022/TT-BTP của Bộ Tư pháp về hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.

Ngoài ra, theo Công ty Đấu giá hợp danh Nhất An Phú, trả lời của UBND huyện Thạch Thành về nội dung phương án đấu giá của Công ty chưa đề xuất được bước giá, số vòng đấu có tình khả thi và hiệu quả cao nên phương án đề xuất của Công ty Nhất An Phú chỉ đạt 3/4 điểm. Việc trả lời này của UBND huyện Thạch Thành bị đơn vị khiếu nại cho rằng là không có cơ sở, bởi vì phương án đấu giá đã được huyện phê duyệt trước khi tiến hành lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Tiêu chí quy định về bước giá, số vòng đấu giá là do huyện quyết định, công ty tổ chức đấu giá chỉ căn cứ vào phương án đấu giá của huyện để thực hiện.

Ngoài ra, những nội dung trả lời của UBND huyện Thạch Thành về các tiêu chí “giải pháp đảm bảo an ninh trật tự”, “đề xuất các giải pháp giải quyết các tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện đấu giá” cũng bị Công ty Nhất An Phú phản bác vì trả lời chưa sát với thực tế.

Ngoài huyện Hoằng Hóa, Thạch Thành, theo tìm hiểu còn có các huyện Vĩnh Lộc, Đông Sơn, thị xã Nghi Sơn cũng đưa ra các tiêu chí ở mục V của thông báo lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá tài sản QSDĐ “tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản quyết định” có nội dung mang tính hình thức “cục bộ” nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị cũ đã thân quen.

Tiêu biểu, thị xã Nghi Sơn đưa ra tiêu chí “đã thực hiện đấu giá QSDĐ trên địa bàn thị xã Nghi Sơn năm trước liền kề hoặc trong năm”; ở huyện Đông Sơn đưa ra các tiêu chí “đã tổ chức đấu giá thành công ba mặt bằng đấu giá QSDĐ trên địa bàn huyện”, “đã đấu giá thành công các mặt bằng đấu giá QSDĐ ở từ 100 lô trở lên” … Các tiêu chí này được đơn vị có tài sản chấm từ 1 đến 5 điểm.

Trong một cuộc đua lựa chọn các đơn vị tham gia đấu giá QSDĐ chỉ cần hơn nhau 0,5 điểm là đã được xét chọn là đơn vị thực hiện đấu giá. Để công bằng, khách quan, minh bạch trong lĩnh vực này, UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm chỉ đạo các ban, ngành chức năng kiểm tra có hay không việc “cài cắm” các tiêu chí trong những thông báo mời lựa chọn tổ chức đấu giá ở các huyện trên địa bàn tỉnh.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Văn Thanh