Ai chịu trách nhiệm khi chợ hết hạn vẫn hoạt động

Sau khi Báo Thanh tra đăng tải loạt bài phản ánh về những bất cập về chợ cóc và chợ chính ở Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 5733/UBND-KTTC ngày 8/5/2020 về việc tiếp tục tập trung xoá bỏ các chợ tự phát, các tụ điểm kinh doanh, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong nội dung văn bản còn yêu cầu kiểm điểm, xử lý chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn nếu trên địa bàn quản lý có các tụ điểm kinh doanh, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông nếu để xảy ra tình trạng chợ cóc hoạt động.

Trở lại vấn đề chợ tạm Khu Công nghiệp Lễ Môn, phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa đã hết hạn cho phép, nhưng nhiều năm qua vẫn hoạt động chui. Mỗi ngày chợ tạm này thu hút hàng nghìn lượt công nhân tham gia mua bán. Xe đạp, xe máy để tràn làn trong chợ, mất an toàn về giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy nổ, ô nhiễm môi trường.

leftcenterrightdel
Không phòng cháy chữa cháy, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở chợ tạm Khu Công nghiệp Lễ môn. Ảnh: VT 

Ngày 9/9/2013, để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng nhà máy và nhà ở công nhân Khu Công nghiệp Lễ Môn, giải quyết tình trạng gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có có Văn bản số 7092 đồng ý đề nghị của Sở Xây dựng cho phép tập hợp các chợ cóc xung quanh trong khu vực về chợ tạm Khu Công nghiệp Lễ Môn.

Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển Hạ tầng được giao làm chủ đầu tư xây dựng, quản lý chợ tạm trong thời gian xây dựng chợ mới theo quy hoạch. Thời hạn 1 năm, kể từ ngày ký văn bản này, toàn bộ chợ tạm Khu Công nghiệp Lễ Môn phải được di chuyển đến vị trí mới để bàn giao lại khu đất chợ tạm cho Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn quản lý.

Đến nay, thời hạn đã quá gần 6 năm nhưng chợ tạm Khu Công nghiệp Lễ Môn vẫn vô tư hoạt động, không đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn, tiềm ẩn hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong khi đó, chợ mới xây dựng ở xã Quảng Hưng đã được đầu tư xây dựng nhiều tỷ đồng nhưng lại không có người tham gia họp. Đây là một bất cập lớn, khi chủ trương từ tỉnh đến xã, phường kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư xây dựng chợ đúng quy hoạch, đầy đủ các tiêu chí thì lại không cạnh tranh được với các chợ cóc, chợ tạm, khiến nhiều doanh nghiệp nguy cơ phá sản.

Cần di dời đến chợ mới đảm bảo các tiêu chí

Trước tình hình trên, ngày 4/5/2020, tại phường Quảng Hưng đã diễn ra cuộc họp giữa các ngành, đơn vị liên quan và đi đến thống nhất chợ tạm Khu Công nghiệp Lễ Môn không đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động, thống nhất việc giải tỏa, thời gian thực hiện trước ngày 15/5/2020. Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp phải có thông báo cho các hộ tiểu thương trong chợ biết.

Ngày 6/5/2020, ông Đàm Khắc Chương, Chủ tịch UBND phường Quảng Hưng cũng đã ký Văn bản 311/UBND-VP gửi Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa về việc dừng hoạt động của chợ tạm Khu Công nghiệp Lễ Môn.

Trong đó, có nội dung nêu rõ việc hoạt động của chợ tạm Khu Công nghiệp Lễ Môn phục vụ nhu cầu của hơn 20.000 lao động trong Khu Công nghiệp, thế nhưng cơ sở vật chất không đảm bảo đã xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự, không đảm bảo các điều kiện về phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm.

Để phường Quảng Hưng đạt các nội dung tiêu chí về an toàn thực phẩm theo Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND ngày 12/11/2018 của UBND tỉnh, phường đề nghị Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa báo cáo các cơ quan chức năng có thẩm quyền, chỉ đạo các đơn vị có liên quan dừng hoạt động chợ tạm Khu Công nghiệp Lễ Môn.

leftcenterrightdel
 Xe đạp, xe máy được để khắp trong khu vực chợ, mất an ninh trật tự, không đảm bảo về mặt mỹ quan đô thị. Ảnh: VT

Ngày 7/5/2020, ông Vũ Hồng Sơn, Phó Giám đốc Công ty Đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp đã có Thông báo số 61 về việc tạm dừng hoạt động của chợ tạm Khu Công nghiệp Lễ Môn. Thời gian tạm dừng kể từ ngày 10/5/2020, để xin phép UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục gia hạn hoạt động. Hiện nay, UBND tỉnh đang giao cho Sở Công thương chủ trì với các đơn vị để kiểm tra thực tế việc có tiếp tục gia hạn cho chợ tạm này nữa hay không.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Nguyễn Văn Thức, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Thanh Hóa: Chợ tạm Khu Công nghiệp đã hết hạn từ lâu, quan điểm của đơn vị sẽ không tiếp tục gia hạn vì cách đây gần 6 năm lúc đó tỉnh cho phát sinh chợ tạm này là vì giải quyết tình thế thực tế lúc đó. Nay ở phường Quảng Hưng đã có chợ mới cần quy về một mối, thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn của chợ. Có như thế mới đảm bảo được quyền lợi, an ninh trật tự, đúng quy hoạch…

Ngày 15/5/2020, dù đã có “lệnh tạm dừng hoạt động” và kế hoạch dừng hoạt động chợ tạm này, thế nhưng khi phóng viên có mặt tại khu vực, chợ vẫn vô tư hoạt động như chưa hề có lệnh cấm.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Văn Thanh