Khai thác lâm sản trái phép vùng biên

Ngày 17/3, ngay khi tiếp nhận nguồn tin báo của quần chúng nhân dân về việc tại tiểu khu 416 thuộc địa phận bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn có xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép, UBND huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH), UBND xã Nậm Cắn và Đồn Biên phòng Nậm Cắn khẩn trương kiểm tra hiện trường, làm rõ.

Qua kiểm tra hiện trường, tiếp tục phát hiện thêm 1 cây bị chặt hạ. Trong số 11 cây bị chặt hạ, chủng loại gỗ thuộc nhóm VIII (gỗ tạp), đường kính trung bình các cây từ 30-65cm, tổng khối lượng gỗ 15,63m3 gỗ tròn (còn nguyên cây). Trong đó có 5 cây thuộc lô 8, khoảnh 1, tiểu khu 416, đối tượng đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp, trạng thái rừng thường xanh nghèo, do chủ rừng là BQL RPH; 6 cây thuộc lô 6, khoảnh 1, tiểu khu 416, đối tượng đất rừng sản xuất, trạng thái rừng thường xanh nghèo, do chủ rừng là BQL RPH.

Theo ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn: Ngay khi có báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện, UBND huyện đã tổ chức họp khẩn với các ngành, đơn vị liên quan, đồng thời quyết định thành lập đoan liên ngành kiểm tra hiện trường khai thác rừng trái phép ở địa điểm trên.

“Khu vực gỗ bị khai thác trái phép nằm ở chân lèn đá, cách khu vực đơn vị thăm dò khoáng sản theo Giấy phép 1565/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thăm dò khoáng sản trước đây khoảng 100m. Hiện trạng có một số phiến đá được cưa xẻ từ lâu, có 1 máy múc không hoạt động và 1 lán tạm mái lợp tôn do đơn vị thăm dò khoáng sản để lại. Tại thời điểm kiểm tra, không có đại diện đơn vị thăm dò và không có hoạt động cưa xẻ, thăm dò mới (kể từ ngày giấy phép thăm dò hết hạn ngày 22/2/2022), công ty đã chấm dứt mọi hoạt động thăm dò khoáng sản và rút quân khỏi hiện trường”, ông Rê cho biết thêm.

Đại diện đoàn kiểm tra do UBND huyện thành lập, ông Hoàng Văn Huynh, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện cho biết: Trong số 11 cây bị chặt hạ với khối lượng 15,63m3, qua đấu tranh, xác minh, đã xác định được đối tượng Lương Văn Phanh, trú bản Nọng Dẻ, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, chặt hạ 4 cây với khối lượng 1,95m3 với mục đích đưa về để phục vụ gia đình (sửa chuồng bò). Hạt Kiểm lâm huyện đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 17,5 triệu đồng về hành vi khai thác rừng trái pháp luật theo quy định tại mục a, khoản 1, Điều 13 Nghị định 35/2019 của Chính phủ. Tuy nhiên, 7 cây còn lại có khối lượng 13,68m3 hiện chưa xác định được đối tượng chặt.

Liên quan vụ việc này, ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: UBND huyện đã giao BQL RPH chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức lực lượng đưa toàn bộ số cây gỗ bị chặt hạ ra khỏi rừng để bàn giao cơ quan chức năng tiếp tục đấu tranh, xác minh, làm rõ đối tượng còn lại để xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, quá trình phối hợp kiểm tra, theo dõi không phát hiện Công ty TMHH Khai thác và Kinh doanh khoáng sản Việt Nam (đơn vị được cấp Giấy phép thăm dò số 1565/2019) hoạt động cũng như vận chuyển các phiến đá ra khỏi khu vực đã thăm dò.

“Kể từ ngày giấy phép thăm dò hết hạn đến nay, UBND huyện chưa nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền cũng như của công ty về việc đề nghị tiếp tục cho thăm do hay khai thác khoáng sản tại khu vực đã cấp phép thăm dò trước đây” (báo cáo UBND huyện).

Theo thông tin của chúng tôi, căn cứ báo cáo của Hạt Kiểm lâm và quyết định thành lập đoàn liên ngành của huyện kiểm tra mở rộng hiện trường, xác minh, xử lý vi phạm, UBND huyện đã chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân tại các cơ quan, đơn vị có liên quan đến vụ việc khai thác rừng tại xã Nậm Cắn.

Cụ thể, xử lý kỷ luật hình thức khiển trách đối với kiểm lâm viên Hà Minh Đông phụ trách địa bàn xã Nậm Cắn; kiểm điểm, nhắc nhở rút kinh nghiệm sâu sắc đối với tập thể lãnh đạo Hạt Kiểm lâm trong quá trình chỉ đạo hoạt động quản lý, bảo vệ rừng. BQL RPH xử lý kỷ luật hình thức khiển trách đối với ông Thái Khắc Bảo, cán bộ bảo vệ rừng phụ trách xã Nậm Cắn; kiểm điểm, nhắc nhở rút kinh nghiệm sâu sắc đối với ông Nguyễn Trọng Hào, Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Hữu Kiệm và tập thể ban lãnh đạo BQL RPH. UBND xã Nậm Cắn đã kiểm điểm nhắc nhở, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo UBND xã trong việc thiếu chủ động nắm bắt thông tin, kịp thời ngăn chặn và xử lý vụ việc. 

Khai thác rừng do “sinh kế”?

Cùng thời gian này, tại địa bàn huyện miền núi Qùy Châu cũng đã để xảy ra các vụ phá rừng tại các xã Châu Bính, Châu Hội, Châu Thuận, Diên Lãm, Châu Hạnh…

Gần đây, tại thung Túng Lũm, bản Luồng Lạnh, xã Châu Bính đã xảy ra vụ phá rừng với diện tích hơn 7.000m2. Xung quanh khu vực khai thác này là lèn đá, giữa lòng thung gần như mọi cây cối đều đã bị đốn hạ. Tại hiện trường đã có rất nhiều cây gỗ, đường kính từ 25 - 30cm bị chặt hạ nằm ngổn ngang, thậm chí có nhiều cây đường kính gần 60cm, dài 5-7m đã được cắt thành khúc. Hiện trường khai thác ghi nhận có các lán trại được dựng lên, phục vụ cho việc chặt phá rừng.

leftcenterrightdel
Tổ công tác Hạt Kiểm lâm huyện Quỳ Châu trực tiếp đo, đếm tại hiện trường vụ khai thác rừng ở thung Túng Lũm, xã Châu Bính. Ảnh: HKL 

Sau khi xác nhận sự việc, UBND xã Châu Bính đã tổ chức tổ công tác tiến hành kiểm tra. Khi phát hiện tổ công tác, các đối tượng đã vượt lèn bỏ chạy. Hạt Kiểm lâm huyện Quỳ Châu phối hợp với chủ rừng và UBND xã Châu Bính tiếp tục vào để kiểm tra hiện trường.

Theo biên bản được lập ngày 4/4, vụ phá rừng xảy ra tại lô 16, khoảnh 4 và lô 3, khoảnh 3, tiểu khu 171, thuộc địa phận bản Luồng Lạnh, xã Châu Bính. Rừng bị phá là rừng sản xuất, có trạng thái là rừng núi đá nghèo kiệt, trữ lượng 19,599m3/ha. Qua đo đếm, khu vực rừng bị chặt phá có 95 cây gỗ bị đốn hạ; trữ lượng rừng trên diện tích chặt phá là 15,287m3; trữ lượng cây rừng bị thiệt hại trên diện tích chặt phá là 7,196m3; chưa phát hiện đối tượng vi phạm.

Cũng đầu tháng 4/2022, từ tin báo của quần chúng nhân dân phản ánh về việc tại khu vực rừng bảo tồn Lim Xanh ở bản Hội 1, xã Châu Hội, đang xảy ra tình trạng cắt tỉa cây hàng loạt, có dấu hiệu chặt phá rừng. Tại hiện trường, qua kiểm tra có 22 cây lim xanh đã được khai thác, phần thân đã được vận chuyển đi nơi khác, chỉ còn lại gốc và một số cành ngọn bị khô, bìa bắp bị sâu đục, vỏ bong tróc. Trong đó, có 1 gốc lim xanh phần thân đã được cưa xẻ và vận chuyển đi nơi khác, chỉ còn lại cành, ngọn lá còn xanh.

Theo ông Lê Xuân Đình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Qùy Châu, thực tế 21 cây lim xanh tại thửa đất số 592, khoảnh 13, tiểu khu 177, tờ bản đồ số 3 xã Châu Hội này đã chết do sâu bệnh và có 1 cây còn gốc, cành, ngọn lá màu xanh nằm ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp.

Báo cáo của UBND huyện Qùy Châu cho thấy, khu vực đội lim trước đây là đất trống, đồi núi trọc, phía chân đồi là nghĩa trang của các bản Hội 1, Hội 2. Thực hiện Nghị định 163/2013, UBND huyện đã tạm giao thửa đất này cho cộng đồng bản Hội 1 quản lý.

Năm 2019, với chủ trương bảo tồn các giống cây bản địa, UBND huyện đã phê duyệt phương án quản lý, bảo vệ rừng lim tại đây, đồng thời giao cho UBND xã quản lý, bảo vệ với diện tích 3ha, với 249 cây lim xanh. Hàng năm, huyện trích ngân sách cho UBND xã Châu Hội quản lý, chăm sóc.

Liên quan đến trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn, theo ông Lê Hải Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Qùy Châu, toàn huyện có 97.000ha đất lâm nghiệp/105.000ha diện tích tự nhiên. Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ rừng, với tinh thần xuyên suốt là quán triệt nơi nào để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, chủ rừng phải chịu trách nhiệm.

Trên thực tế, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn khó khăn nên việc hài hòa giữa sinh kế từ rừng gắn với công tác bảo vệ rừng còn những bất cập. Hiện, UBND huyện Quỳ Châu chỉ đạo cơ quan công an tập trung công tác điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm cũng như mục đích hủy hoại rừng để xử lý theo quy định của pháp luật…

Trước những vụ việc liên quan đến phá rừng trên địa bàn các huyện miền núi, biên giới, xảy ra gần đây, trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nêu rõ quan điểm: Tỉnh đã giao các ngành chức năng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, xử lý nghiêm theo pháp luật. Đến mức nào xử lý đến đó theo đúng quy định.

Trong khi các vụ phá rừng đang được các địa phương phối hợp cơ quan chức năng điều tra, xử lý, thì vào trung tuần tháng 4/2022, tại khu vực lô 12, khoảnh 18, tiểu khu 1022, thuộc RPH núi Đá Đen, xóm 6, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, đã xảy ra tình trạng rừng thông lớn bị lâm tặc chặt phá tan hoang. 188 cây thông lớn, đường kính từ 20-40cm, có tuổi đời gần 30 năm, bị cắt trơ gốc, thân, cành lá vứt khắp nơi. 
Xuân Thống