Theo đó, C03 nhận được đơn của bà Châu Thị Mỹ Linh, Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Yên Phước có địa chỉ tại xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Đơn có nội dung phản ánh Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và một số cá nhân khác chỉ đạo thanh tra và thành lập đoàn thanh tra liên ngành, tổ tuần tra, kiểm soát, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Theo quy định của pháp luật, C03 chuyển đơn đến Thanh tra tỉnh Thái Nguyên để giải quyết theo thẩm quyền.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Hà Văn Dương, Chánh Thanh tra tỉnh Thái Nguyên cho biết, Thanh tra tỉnh đã nhận được Phiếu chuyển đơn số 604/PC-C03-P1 của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an. Về nội dung tố cáo Bí thư Huyện uỷ Đại Từ thì Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ đang xác minh, làm rõ, do vậy, Thanh tra tỉnh được giao xác minh các nội dung đơn thư tố cáo Chủ tịch UBND huyện Đại Từ và một số cá nhân khác chỉ đạo thanh tra và thành lập đoàn thanh tra liên quan, tổ tuần tra, kiểm soát gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Do đơn tố cáo đứng tên đơn vị nên Thanh tra tỉnh sẽ mời đơn vị lên làm việc để xác định rõ người đứng đơn tố cáo, làm rõ các nội dung tố cáo để thụ lý, xác minh theo quy định pháp luật.

Gần đây, Báo Thanh tra liên tục nhận được thông tin phản ánh kêu cứu khẩn cấp từ phía bà Châu Thị Mỹ Linh, Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Yên Phước (Cty Yên Phước) có địa chỉ trụ sở tại: xóm Nhất Trí, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, hiện là chủ đầu tư khai thác, kinh doanh mỏ than Minh Tiến ở xã Minh Tiến, xã Na Mao (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) tố cáo trực tiếp ông Lê Kim Phúc, Bí thư Huyện ủy Đại Từ, có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền trong khi thi hành công vụ…

Báo Thanh tra, các ngày 10/7, 17/7, 28/7 và 31/7/2020, phản ánh việc người đứng đầu một huyện đang vướng vào chuyện “nhạy cảm” với doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Có dấu hiệu xuất hiện môi trường “đen” tại một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thái Nguyên, nhưng lại có khá nhiều tài nguyên khoáng sản? Khi người tố cáo cung cấp file ghi âm, cho rằng có sự tham gia của ông Lê Kim Phúc, Bí thư Huyện uỷ Đại Từ, bà Đàm Hương Huệ và đại diện đơn vị khai thác? Cũng là lúc, câu chuyện dần hé lộ nhiều tình tiết cần được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ. Nếu đúng cuộc hội thoại trên được xác định từ phía cơ quan chức năng là ông Lê Kim Phúc, Bí thư Huyện uỷ Đại Từ, thì việc các cơ quan chức năng cần làm là nhanh chóng kết luận và tiến hành kiểm tra công tác kê khai tài sản của ông Phúc, khi nhiều lần trong đoạn ghi âm, ông có nhắc nhiều đến việc sở hữu khối tài sản hàng chục tỷ đồng bao gồm, tiền mặt, nhà, xe,…!?

Dư luận không khỏi thắc mắc, liệu khối tài sản này có được ông Lê Kim Phúc, Bí thư Huyện uỷ Đại Từ kê khai tài sản hàng năm theo quy định? Cần xem xét làm rõ vị Bí thư này có vi phạm vào những điều đảng viên không được làm hay không? Có dấu hiệu của lợi dụng chức vụ công tác để trục lợi hay không? Các cơ quan chức năng cần khẩn trương làm rõ.

Ðể tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, góp phần xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, thiết nghĩ, Thường  trực Tỉnh uỷ Thái Nguyên nên nập trung kiểm tra, giám sát những nơi có nhiều bức xúc, nổi cộm, được dư luận quan tâm, những nơi dễ xảy ra sai phạm; những đảng viên là người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt… Phương châm đặt ra là “không có vùng cấm”, mọi vi phạm đều phải được xử lý nghiêm minh, có lý, có tình và có tác dụng giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh; kiên quyết loại khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất.

Cơ quan chức năng cần xác định rõ vai trò của bà Đàm Hương Huệ, một “mắt xích” quan trọng trong vụ việc này. Bà Đàm Hương Huệ là ai mà có thể “thao túng” mọi hoạt động khoáng sản nơi này?

Thời gian qua, công cuộc chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta đã có bước tiến mạnh, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế”.

Điều này góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”, do đó, người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn, lạm dụng, lợi dụng quyền lực thì phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm.

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, ngày 5/5/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận: “Phải tập trung vào làm, hành động, thực hiện, không chỉ là lời nói, trên giấy tờ, hô hào chung chung, mà phải bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, hiệu quả, nhìn thấy được trong thực tế”; “Trung ương đã và đang làm quyết liệt, địa phương cũng phải quyết liệt. Công tác chỉ đạo của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật không thiếu, nhưng cái cần nhất hiện nay là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, các bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền phải vào cuộc đồng bộ với quyết tâm cao và quyết liệt hơn”.

Theo Báo cáo số 16-BCĐT/DLXH, ngày 6/8/2019, của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, 80% số người được hỏi ý kiến cho rằng, tham nhũng đứng đầu trong các vấn đề mà người dân lo lắng, bức xúc nhất. Rõ ràng, tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nhóm PV