Nhiều tình tiết không được xem xét

Từ năm 2012 - 2018, Báo Thanh tra đã có loạt bài về vụ tranh chấp sở hữu căn nhà số 37 Tôn Đản, phường Phạm Hồng Thái, TP Hải Phòng, cho thấy vụ án “lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản” có nhiều diễn biến hi hữu đối với bị can của vụ án.

Điều đáng nói, qua hơn 7 năm, từ phiên toà hình sự sơ thẩm đầu tiên vào tháng 1/2012, đến hình sự phúc thẩm, rồi giám đốc thẩm, đến năm 2019 thì lại tái sơ thẩm, nhưng kết quả, bị cáo Nguyễn Thị Kim Dung - một đối tượng phạm pháp hình sự, vẫn thoát nạn một cách ngoạn mục. Dung đã bị truy nã toàn quốc về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Dung cũng đã trốn truy nã 11 năm, trước khi ra đầu thú.

Trong 2 ngày (10 - 12/4/2019), phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản” được TAND quận Hoàng Bàng đưa ra xét xử. 

Tại phiên tòa, bà Trần Mai Anh cũng như luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Mai Anh, đã làm rõ việc mua bán nhà giữa bà Trần Mai Anh và bị cáo Dung, cũng như những lời khai bất nhất của bị cáo Dung và những người có liên quan như ông Nguyễn Quang Tuất, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Hồng Thái và bà Nguyễn Bảo Khánh, nhân viên văn phòng, tại cơ quan điều tra qua các bút lục.

Đồng thời, đề nghị tòa án công nhận giao dịch giữa bị cáo và bị hại vào ngày 15/9/1998 là giao dịch chuyển nhượng nhà ở, yêu cầu giao căn nhà số 37 Tôn Đản cho bị hại theo đúng quy định pháp luật.

Phần hình sự, đề nghị chuyển tội danh đối với bị cáo Dung từ “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 sang tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 BLHS; khởi tố ông Nguyễn Quang Tuất và bà Nguyễn Bảo Khánh về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ” theo Điều 221 BLHS; điều tra, xác minh làm rõ sai phạm của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á trong việc xác lập các hợp đồng thế chấp năm 1998 với bị cáo và việc chiếm giữ căn nhà số 37 Tôn Đản trong 20 năm qua.

Tuy nhiên, tất cả những luận cứ của luật sư cũng như ý kiến của bà Trần Mai Anh tại phiên tòa sơ thẩm lần này đều không được xem xét hay đưa vào bản án.

Theo luật sư Lê Thị Thúy Hằng, Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư TP Hà Nội - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Trần Mai Anh, yêu cầu của bà Trần Mai Anh về phần dân sự trong vụ án này là hoàn toàn có căn cứ, bởi lẽ vấn đề dân sự trong vụ án này liên quan trực tiếp đến tất cả các tình tiết của vụ án hình sự, nên cần thiết phải tiến hành cùng giải quyết với việc giải quyết vụ án hình sự.

Mặt khác, xét về bản chất giao dịch giữa bị cáo và bị hại diễn ra ngày 15/9/1998, lời khai về số tiền của bị cáo tại cơ quan điều tra qua các bút lục số 315-316; số 316; số 326; số 331; số 333-334, cũng như tại phiên tòa ngày 10/4/2019, luôn bất nhất và không xuất trình được bất cứ tài liệu, chứng cứ nào thể hiện việc có vay nợ số tiền 250 triệu đồng từ bà Trần Mai Anh, mà chỉ thông qua lời khai. Điều này có thể đặt nghi vấn “đó có phải là sự bao che, ngụy tạo cho một việc không có thật”?

Cũng theo luật sư Lê Thị Thúy Hằng, lời khai của Nguyễn Quang Tuất và Nguyễn Bảo Khánh tại cơ quan điều tra không những bất nhất mà chưa từng có một bút lục lời khai nào của 2 người này trực tiếp thấy Dung và bà Trần Mai Anh cho nhau vay tiền, vay bao nhiêu, vay ở đâu, vay như thế nào? Tất cả đều qua miệng của bị cáo mà ra và số tiền thì bất nhất, mỗi bút lục một khác. Do vậy, lời khai của Tuất và Khánh không thể khẳng định được giữa Dung và Mai Anh có tồn tại quan hệ vay mượn số tiền 250 triệu đồng vào thời điểm 15/9/1998 hay không.

Đang bỏ lọt tội phạm?

Trở lại với vụ việc, Bản án hình sự sơ thẩm số 01/2012/HSST ngày 9/1/2012 của TAND quận Hồng Bàng đã áp dụng Khoản 3, Điều 140; điểm b, p, Khoản 1, Điều 46; Khoản 2, Điều 46; Điều 47, Điều 60 BLHS, xử phạt Nguyễn Thị Kim Dung 3 năm tù giam nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 tháng. 

Bản án hình sự phúc thẩm số 48/2012/HSPT ngày 9/5/2012 của TAND TP Hải Phòng giữ nguyên các quyết định của án sơ thẩm.

Sau khi Bản án hình sự phúc thẩm số 48 được tuyên, tại Kháng nghị số 13/2015/HS-TK ngày 15/5/2015, Chánh án TAND Tối cao đề nghị Tòa Hình sự TAND Tối cao (nay thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội) xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm của TAND quận Hồng Bàng; chuyển hồ sơ vụ án cho Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội để điều tra lại.

Đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng Giám đốc thẩm hủy các bản án hình sự phúc thẩm và hình sự sơ thẩm đối với Nguyễn Thị Kim Dung để điều tra lại theo qui định của pháp luật.

Ngày 17/5/2016, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định: Hủy Bán án hình sự phúc thẩm số 48/2012/HSPT ngày 9/5/2012 của TAND TP Hải Phòng và Bản án hình sự sơ thẩm số 01/2012/HSST ngày 9/1/2012 của TAND quận Hồng Bàng để điều tra lại; chuyển hồ sơ vụ án cho Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội để điều tra lại theo thủ tục chung.

Tại quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm số 03/2018/KN-HS ngày 15/1/2018, Chánh án TAND Tối cao kháng nghị quyết định Giám đốc thẩm số 08/2016/HS-GĐT ngày 17/5/2016 của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét xử giám đốc thẩm hủy toàn bộ quyết định Giám đốc thẩm nêu trên và giữ nguyên Bản án hình sự phúc thẩm số 48/2012/HSPT ngày 9/5/2012 của TAND TP Hải Phòng đối với Nguyễn Thị Kim Dung. Tạm đình chỉ chấp hành quyết định Giám đốc thẩm số 08.

Đến ngày 5/12/2018, TAND Tối cao lại ban hành Quyết định số 03/2018/QĐ-CA rút Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 03/2018/KN-HS ngày 15/1/2018 của Chánh án TAND Tối cao. Quyết định Giám đốc thẩm số 08/2016/HS-GĐT ngày 17/5/2016 của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục có hiệu lực.

Vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm lại. Tại phiên tòa, Viện Kiểm sát thể hiện quan điểm muốn áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm b, p, Khoản 1, Điều 46, Khoản 2, Điều 46 BLHS để áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo theo quy định tại Điều 60 BLHS.

Tuy nhiên, căn cứ của Viện Kiểm sát là chưa phù hợp với quy định pháp luật, bởi xét điểm p Khoản 1, Điều 46 “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, nhưng trong suốt quá trình điều tra và thậm chí ngay tại phiên tòa ngày 10/4/2019, bị cáo không trả lời các câu hỏi của luật sư để làm sáng tỏ nội dung vụ án.

Mặt khác, việc thành khẩn khai báo chỉ được chấp nhận là tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp lời khai của bị cáo phù hợp với tài liệu chứng cứ của vụ án, phù hợp với lời khai của các nhân chứng, giúp làm sáng tỏ vụ án. Tuy nhiên trong vụ án này, lời khai của chính bản thân bị cáo đã bất nhất, không phù hợp với lời khai của các nhân chứng.

Thêm vào đó, việc bị cáo đã trốn truy nã 11 năm gây khó khăn cho quá trình điều tra và khắc phục hậu quả cho bị hại, nên không thể cho hưởng hình phạt án treo.

Lý do để luật sư đề nghị yêu cầu khởi tố đối với Khánh, Tuất là tại cơ quan điều tra cả Tuất và Khánh đều khai nhận biết việc Dung cầm cố tài sản là căn nhà 37 Tôn Đản tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á, nhưng vẫn xác nhận vào giấy nhượng nhà ở cho Dung và bà Trần Mai Anh.

Như vậy, hành vi của Tuất và Khánh đã hoàn toàn thỏa mãn dấu hiệu của tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” mà không phụ thuộc vào việc có bắt được Dung hay không và là một tội danh độc lập với tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của Dung vào thời điểm đó. Vì thế, việc Dung bỏ trốn, bị truy nã không làm ảnh hưởng đến việc truy tố và xét xử đối với hành vi vi phạm của Khánh, Tuất.

Việc cơ quan điều tra viện lý do “đối tượng chính bỏ trốn”, “hết thời hiệu” để không khởi tố Khánh và Tuất khiến dư luận băn khoăn về công lý, khi hành vi sai phạm của họ mới dẫn đến phiên tòa phức tạp hiện nay.

Trách nhiệm đối với việc không xử lý đối với ông Tuất và bà Khánh cần phải được làm rõ. Tuy nhiên, tất cả nội dung, ý kiến trình bày của bị hại tại tòa có cơ sở của bị hại đã bị Hội đồng xét xử bác bỏ và tuyên y án sơ thẩm trước đó. 

Không đồng ý với bản án của TAND quận Hồng Bàng, bà Trần Mai Anh cho biết, sẵn sàng theo đến cùng vụ án để đòi lại quyền và lợi ích chính đáng cho mình. “Tôi đã mất 20 năm để theo đuổi vụ việc, tôi không tin, cơ quan công quyền có thể bất chấp luật pháp, đẩy người bị hại đến bước đường cùng”, bà Mai Anh bức xúc.

Chúng tôi sẽ trở lại khi có diễn biến mới.

Lê Phương