Báo cáo không trung thực, lập biên bản khống để đối phó

Theo Biên bản số 78 của Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về thành lập đoàn kiểm tra xác minh những nội dung Báo Thanh tra phản ánh liên quan đến hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm về khai thác gỗ nghiến tại VQG Ba Bể, thời gian kiểm tra từ ngày 24 - 27/4/2017.

Để xác định cụ thể các thông tin, đoàn kiểm tra của Cục Kiểm lâm đã làm việc với Hạt Kiểm lâm VQG Ba Bể, Trạm Kiểm lâm Đầu Đẳng - Pác Slai, một số viên chức kiểm lâm và người có liên quan thu thập các tài liệu. Kết quả xác minh được như sau:

Ngày 21/3/2017, ông Đồng Mạnh Thắng (Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đầu Đẳng - Pác Slai) sau khi cùng đoàn kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm Vùng I và Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn kiểm tra phát hiện 3 cây gỗ nghiến bị khai thác trái phép tại khu vực Ao Tiên đã xin về Phân trạm Kiểm lâm Pác Slai (trực thuộc Trạm Kiểm lâm Đầu Đẳng - Pác Slai) để chỉ đạo cán bộ Trạm lập tờ biên bản tuần tra bảo vệ rừng ghi ngày 20/3/2016 của Tổ tuần tra bảo vệ rừng số 2 do Trạm này quản lý.

Qua làm việc, ông Thắng có tường trình và khai nhận ngày 21/3/2017, đã chỉ đạo ông Nông Văn Đức lập tờ biên bản tuần tra ghi ngày 20/3/2016 là tờ biên bản khống với mục đích để đối phó bao biện nhằm giảm nhẹ trách nhiệm khi tập thể, cán bộ Trạm thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra tình trạng khai thác gỗ nghiến mà không phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Cũng qua kiểm tra, đoàn của Cục đã phát hiện thêm 3 cây gỗ nghiến bị chặt hạ tại khu vực Thẳm Nhùng, Ao Tiên (thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể) với khối lượng là 15,9m3, tăng hơn 6,8m3 so với biên bản do Trạm Kiểm lâm Đầu Đẳng - Pác Slai lập trước đó nhưng không báo cáo.

Tại khu vực Khâu Củm (cũng thuộc thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu), đoàn kiểm tra đã phát hiện thêm được 6 cây gỗ nghiến nữa bị chặt hạ với khối lượng hơn 49,3m3 và cũng không được Trạm Kiểm lâm Đầu Đẳng - Pác Slai báo cáo về Hạt Kiểm lâm VQG.

Theo Báo cáo mới nhất (số 139 ngày 20/4/2017) của UBND tỉnh Bắc Kạn về công tác quản lý và bảo vệ rừng tại VQG Ba Bể từ đầu năm 2017 đến ngày 8/4: Có 13 vụ khai thác rừng trái phép và 19 cây gỗ bị chặt hạ mới với khối lượng là 134,7m3 (trong đó, có 18 cây gỗ nghiến nhóm IIA và 1 cây gỗ phay nhóm VI khối lượng 2,4m3), tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm 2016.

So với báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn và kết quả kiểm tra của đoàn Cục Kiểm lâm thì đã có 27 cây gỗ nghiến đã bị chặt hạ chứ không phải 18 cây như báo cáo trước đó. Và khối lượng tăng thêm là hơn 65,2 m3. Tính ra, mới có 4 tháng đầu năm 2017, tại VQG Ba Bể đã có hơn 200m3 gỗ nghiến (nhóm IIA) bị khai thác trái phép.

Một điều khó hiểu là đã có rất nhiều đoàn công tác của tỉnh Bắc Kạn mà cụ thể là Chủ tịch UBND tỉnh và 2 Phó Chủ tịch vào kiểm tra trực tiếp cũng không phát hiện được hết số cây gỗ nghiến bị chặt hạ này. Điều này được thể hiện trong nhiều báo cáo, kết luận của lãnh đạo tỉnh đối với hiện tượng chặt phá rừng tại VQG Ba Bể.

Thêm nữa, Chi cục Kiểm lâm Vùng I là cơ quan được Cục Kiểm lâm giao trách nhiệm quản lý địa bàn cũng đã 2 lần thành lập tổ công tác vào VQG Ba Bể trong tháng 3 và 4/2017 để kiểm tra nhưng cũng không phát hiện hết, thậm chí trong biên bản của đoàn kiểm tra Cục có ghi: “Đối với 3 cây gỗ nghiến bị khai thác trái phép tại khu vực Ao Tiên, đoàn công tác đã kiểm tra, phát hiện từ ngày 16/3/2017 nhưng chưa lập biên bản kiểm tra, nguyên nhân do đại diện Hạt Kiểm lâm VQG Ba Bể là ông Hoàng Văn Chất không tham gia cùng đoàn công tác nên không ký biên bản”.

Điều này không khỏi khiến dư luận dị nghị về trách nhiệm của Chi cục Kiểm lâm Vùng I và UBND tỉnh Bắc Kạn đối với vấn nạn phá rừng đang diễn ra nghiêm trọng tại VQG Ba Bể.

Có dấu hiệu “trù dập” cán bộ?

Ngày 18/5/2017, VQG Ba Bể đã có Quyết định số 92 về việc thi hành kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức kiểm lâm Nông Văn Đức vì lý do: Ông Nông Văn Đức vô trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, để địa bàn được giao quản lý xảy ra tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thời gian để xảy ra vi phạm kéo dài từ năm 2016 đến tháng 3 năm 2017 mà không phát hiện.

Quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức kiểm lâm Nông Văn Đức của VQG Ba Bể. Ảnh: Nam Thành

 

Lập biên bản tuần tra, bảo vệ rừng khống để báo cáo nhằm bao biện trốn tránh trách nhiệm của bản thân. Cung cấp thông tin cho báo chí không đúng thẩm quyền, phát ngôn sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cơ quan, đơn vị.

Đến đây mới thấy sự nực cười và có dấu hiệu trù dập cán bộ khi sự việc bị phơi bày những sai phạm tại VQG Ba Bể. Vì việc lập biên bản khống của ông Nông Văn Đức là do ông Đồng Mạnh Thắng, Trạm trưởng chỉ đạo phải lập nhưng khi xử lý thì chỉ có ông Đức chịu tội. Vậy trách nhiệm của ông Thắng như thế nào thì cần phải làm rõ.

Theo ông Đức và một số người như Trưởng thôn Bản Cám, Tổ trưởng Tổ Quản lý bảo vệ rừng tại thôn Bản Cám, những cây gỗ nghiến là mới bị chặt hạ từ tháng 3/2017 chứ không phải năm 2016. Điều này là phù hợp vì các cây gỗ nghiến tại thôn Bản Cám đã được phóng viên Báo Thanh tra cũng như đoàn kiểm tra của Cục Kiểm lâm mới đây kiểm tra bằng mắt thường đều thấy dấu hiệu mới bị chặt hạ như: Lá vẫn chưa rụng hết khỏi cành, thậm chí nhiều lá vẫn còn màu xanh, gốc cây vẫn rỉ nhựa…

Còn việc ông Đức cung cấp thông tin cho báo chí là hoàn toàn đúng, vì những thông tin đó giúp cho dư luận thấy được thực trạng quản lý yếu kém tại VQG Ba Bể khi liên tiếp để các vụ chặt hạ gỗ nghiến quý hiếm diễn ra mà chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Qua đó, VQG cũng như tỉnh Bắc Kạn thấy được thực trạng mà có biện pháp xử lý, nhưng số phận của người cung cấp sự thật đó lại bị xử lý trước.

Một điều đáng buồn nữa là, tại Thông báo kết luận số 16 ngày 10/5/2017 của Đảng ủy VQG Ba Bể về cuộc họp Đảng ủy mở rộng ngày 3/5/2017 trước đó, tham dự hội nghị này có bà Đỗ Thị Minh Hoa, Tỉnh ủy viên - Phó Chủtịch UBND tỉnh Bắc Kạn, mục 10 “yêu cầu Chi bộ 3, nghiêm túc chấn chỉnh đồng chí Lộc Thị Thu Huyền về việc đưa các thông tin lên mạng xã hội không chính thống để chia sẻ các nội dung có liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng VQG, khi chưa được sự đồng ý của VQG, tạo sự phản cảm gây dư luận không tốt”.

Chị Huyền cho biết, chỉ chia sẻ đường link của báo điện tử chính thống lên trang facebook cá nhân thì hoàn toàn đúng pháp luật, nếu có sai, hay tạo dư luận không tốt là do các tờ báo điện tử đã xuất bản những thông tin về nạn phá rừng tại VQG Ba Bể là xấu, là không tốt.

Để làm rõ vấn đề này và hạn chế tình trạng phá rừng từ VQG Ba Bể thì chỉ có lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn là nơi nắm rõ nhất.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nam Dũng - Thành Nam