Bộc lộ nhiều "bất thường"...

Như Báo Thanh tra đã phản ánh, trong 2 năm (2016, 2017), huyện Bình Liêu đã thực hiện 33 dự án (D.A) hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ, với tổng kinh phí thực hiện hơn 19,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng buồn là nhiều D.A được triển khai đã không đạt hiệu quả và bộc lộ nhiều điểm "bất thường".

Trước hết, trong công tác sử dụng nguồn vốn, UBND huyện Bình Liêu chỉ tập trung hỗ trợ cho công tác giải ngân, không quan tâm đến hiệu quả và việc theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật, thống kê tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi ở các D.A đã được hỗ trợ.

Ngoài ra, huyện Bình Liêu đã thực hiện hỗ trợ mang tính cào bằng (hỗ trợ ở mức tối đa) dẫn tới nhiều hộ không đảm bảo điều kiện về chuồng trại, không đủ khả năng nuôi và duy trì sau khi được hỗ trợ...

Không chỉ thế, công tác thẩm định, phê duyệt nhiều D.A chưa chặt chẽ. Ở một số xã xảy ra việc cấp phát tiền trực tiếp cho người dân mua con giống; trùng lặp đối tượng thụ hưởng; tỷ lệ con giống chết cao; chỉ định thầu không đúng quy định; thu tiền mặt của các hộ nghèo, hộ cận nghèo để chi trả phí thẩm định giá và một số lượng lớn con giống bị bán trước thời gian quy định...

Oái oăm hơn, thời điểm hỗ trợ con giống vật nuôi để triển khai các D.A hỗ trợ phát triển sản xuất tại các xã lại thường được thực hiện vào dịp cuối năm, đây là thời điểm rét đậm, rét hại, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng và phát triển của vật nuôi.

Sẽ xem xét lại việc xử lý trách nhiệm

Căn cứ những vi phạm đã được chỉ ra, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu UBND huyện Bình Liêu chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan.

Mặc dù vậy, theo tìm hiểu của phóng viên, UBND huyện Bình Liêu chỉ thực hiện theo kiểu đối phó. Tại Báo cáo số 193 ngày 18/6/2019 về việc thực hiện kết luận thanh tra do Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Ngọc Ngò ký, tại phần trách nhiệm, chỉ có vẻn vẹn vài dòng chung chung: "... Các phòng chuyên môn, UBND các xã đã thực hiện nghiêm túc tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm theo kết luận của Thanh tra Ban Dân tộc tỉnh".

Điều đáng nói, trước đó, trong việc phân công trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135, UBND huyện Bình Liêu đã phân công Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Ngọc Ngò làm Trưởng ban Chỉ đạo, đồng thời kiêm Chủ tịch Hội đồng thẩm định các D.A/phương án phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, tại báo cáo này, tuyệt nhiên không thấy có một dòng nào nhắc tới việc xử lý trách nhiệm của vị Phó Chủ tịch này!?

Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định, chưa đồng tình với báo cáo thực hiện kết luận thanh tra của huyện Bình Liêu. Hiện tại, Ban đang giao trưởng đoàn thanh tra rà soát lại việc thực hiện sau thanh tra. Đặc biệt, sẽ tập trung xem xét lại quy trình tổ chức thực hiện kiểm điểm và việc xử lý trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân liên quan của địa phương này.

Rõ ràng, với việc thực hiện kiểm điểm trách nhiệm như trên cho thấy sự thiếu nghiêm túc và có phần vô cảm của huyện Bình Liêu trước những vi phạm gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của những người dân nghèo. Và, việc UBND huyện Bình Liêu không nhận bất cứ trách nhiệm nào trong sự việc này cũng là chưa thỏa đáng.

Tại một diễn biến khác, sau khi đăng tải bài viết: "Nhiều D.A thuộc Chương trình 135 tại Bình Liêu (Quảng Ninh) không hiệu quả: Ai chịu trách nhiệm?", ngày 25/7/2019, Báo Thanh tra đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, làm rõ và trả lời Báo, tuy nhiên, đến nay Báo Thanh tra vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản nào phản hồi?

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin.

Giảm trừ quyết toán gần 230 triệu đồng

Trước đó, vào năm 2016, khi tiến hành thanh tra công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và sản xuất đối với các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh, niên độ 2015, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cũng đã chỉ rõ, tại huyện Bình Liêu, sau khi kết thúc D.A nuôi lợn, đa số các hộ đều không duy trì và nhân rộng mô hình; tại thời điểm thanh tra chưa phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hỗ trợ sản xuất.

Tiến hành kiểm tra trực tiếp khối lượng 5 công trình có sử dụng nguồn vốn Chương trình 135, Thanh tra tỉnh phát hiện, khối lượng thi công một số hạng mục công trình chưa đúng so với hồ sơ thiết kế được phê duyệt; thiếu nhật ký giám sát cộng đồng; thiếu kiểm định chất lượng công trình… Qua đó, đã kiến nghị phải giảm trừ khi phê duyệt quyết toán gần 230 triệu đồng.


Trọng Tài