Như Báo Thanh tra đã thông tin, ngày 14/6/2011, TAND huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai thụ lý Vụ án dân sự sơ thẩm số 133/2011/TLST-DS về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Liên (trú tại phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông); bị đơn là bà Đặng Thị L. và bà Trương Thị A.

Thẩm phán Phạm Thanh Thái thuộc TAND huyện Xuân Lộc là người được phân công giải quyết vụ án này.

Đây là vụ án dân sự không quá phức tạp. Thế nhưng đã gần 8 năm kể từ thời điểm thụ lý, vụ án của bà Liên vẫn chưa được TAND huyện Xuân Lộc đưa ra xét xử. 

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 25 và Điều 179 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Liên là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

“Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a và một tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này”, Điều 179 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 quy định.

Ngày 25/11/2015, Quốc hội ban hành Bộ luật Tố tụng Dân sự số 92/2015/QH13, thay thế Bộ luật Tố tụng Dân sự ban hành năm 2004. Tại Điều 203 của Bộ luật này, những quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự cũng tương tự như Điều 179 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004. Nghĩa là, đối với các vụ án tranh chấp tài sản thì thời hạn là bốn tháng, và nếu có tính chất phức tạp thì có thể gia hạn nhưng không quá hai tháng.

Như vậy, việc TAND huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) “ngâm” vụ án của bà Nguyễn Thị Liên gần 8 năm chưa xét xử là hết sức bất thường, nếu đối chiếu với các quy định tại Điều 179 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 và Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

Biện minh cho việc kéo dài thời hạn đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán Phạm Thanh Thái (người được TAND huyện Xuân Lộc phân công giải quyết vụ án của bà Nguyễn Thị Liên) cho rằng: “Vụ án này liên quan đến rất nhiều người, trong đó có bị đơn là bà Đặng Thị L. hiện nay đã chết. Những người thừa kế của bà L. gồm có 9 người nhưng hiện nay không xác định được địa chỉ”.

Một lý do nữa được thẩm phán Phạm Thanh Thái đưa ra để giải thích cho việc chậm đưa vụ án ra xét xử, đó là do bị đơn Trương Thị A. có đơn phản tố vào ngày 8/12/2016.

“Do đó, ngày 23/3/2017, TAND huyện Xuân Lộc đã chuyển vụ án lên cho TAND tỉnh Đồng Nai. Nhưng TAND tỉnh Đồng Nai xác định vụ án này thuộc thẩm quyền của TAND huyện Xuân Lộc nên trả lại. Từ ngày 1/6/2017, chúng tôi thụ lý lại…”, ông Phạm Thanh Thái cho biết.

Sau nhiều lần bổ sung hồ sơ và nộp tiền tạm ứng, thứ bà Liên nhận được chỉ là những lời hứa. Ảnh: Nhật Tường

Như lời thẩm phán Phạm Thanh Thái thì trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6/2017, vụ án mà bà Nguyễn Thị Liên là nguyên đơn đã bị chuyển lòng vòng từ tòa án huyện lên tòa án tỉnh, rồi sau đó quay về tòa huyện. Đến nay, vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử.

Làm đơn gửi tới Báo Thanh tra, bà Nguyễn Thị Liên cho biết: Kể từ thời điểm thụ lý vụ án (năm 2011) đến nay, TAND huyện Xuân Lộc mà trực tiếp là thẩm phán Phạm Thanh Thái đã nhiều lần gọi bà lên bổ sung hồ sơ, đóng tạm ứng chi phí thẩm định, chi phí định giá.

“Mỗi lần như thế, ông Thái lại hứa rằng vụ án của tôi sắp được đưa ra xét xử. Gần 8 năm rồi, vẫn những lời hứa như thế. Vụ án vẫn bị ngâm và quyền lợi hợp pháp của gia đình tôi vẫn chưa được bảo vệ theo quy định”, bà Nguyễn Thị Liên bức xúc nói.

Nhật Tường