Xã gặp khó trong chuyên môn, khiếm khuyết trong quản lý

Sau khi ban hành Kết luận 1126/KL-UBND về nội dung tố cáo (TC) ông Nguyễn Tá Mạnh, nguyên Trưởng thôn Bất Phí, báo cáo về việc thực hiện kết luận thanh tra của xã Nhân Hòa, nêu rõ: nội dung thôn cho ông Dương Công Ngoan thuê 170m2 đất trái thẩm quyền từ đất nông nghiệp sang sử dụng thương mại dịch vụ chưa giải quyết được.

Theo UBND xã, trước nhiều khó khăn về chuyên môn trong tham mưu giải quyết và xác định hình thức cưỡng chế xử lý, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo thôn bãi bỏ, thanh lý nhiều lần đều không có hiệu quả, hơn nữa gia đình ông Ngoan cho là trong kết luận thanh tra không ghi rõ thời hạn gia đình phải tự tháo dỡ công trình vi phạm. UBND xã làm việc thì gia đình vẫn cho rằng thời gian thực hiện kết luận chưa hết nên chưa thực hiện tháo dỡ.

Thực tế, sau chỉ đạo từ UBND huyện Quế Võ thì đến ngày 21/11/2017, Trưởng phòng Tư pháp và Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện đã làm việc với UBND xã, mọi ý kiến của ông Ngoan được Trưởng phòng Tư pháp giải thích, làm rõ và cho ý kiến: Chậm nhất đến 24/11/2017 gia đình phải tháo dỡ công trình vi phạm. Ông Ngoan có ý kiến nhất trí gia đình tự tháo dỡ nhưng vẫn đề nghị cho lui lại.

Tiếp đó, thêm nhiều văn bản xin tư vấn, xin chỉ đạo cấp trên... nhưng việc xử lý công trình vi phạm vẫn “dậm chân tại chỗ”. Bản thân xã cũng thừa nhận, đây là khiếm khuyết của cấp ủy Đảng – chính quyền địa phương trong vấn đề quản lý đất đai, quản lý xã hội từ năm 2000 đến nay dẫn đến vấn đề phức tạp như trên, làm ảnh hưởng đến uy tín của địa phương và có nhiều tiềm ẩn phức tạp.

Con đường “an sinh” của dân bao giờ được trả lại?

Thực tế đến nay, không những vấn đề công trình vi phạm từ việc cho thuê đất trái thẩm quyền tồn tại qua thời gian dài chưa được giải quyết dứt điểm mà “lời hứa”, cam kết của doanh nghiệp trước sự chứng kiến của UBND xã về việc trả lại con đường cho người dân sản xuất nông nghiệp chưa được thực hiện cũng khiến phát sinh nhiều bức xúc.

Biên bản ngày 28/9/2015 nêu rõ, cuộc họp của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Nhân Hòa (công ty) đã tổ chức cuộc họp với sự góp mặt của lãnh đạo công ty cùng chính quyền lãnh đạo thôn Bất Phí đã thống nhất: Công ty sẽ lấy đất của công ty và hoàn trả lại cho nhân dân một con đường có chiều rộng mặt đường là 6,5m, đường đổ cấp phối và nằm ngoài hàng rào của khu công nghiệp. Lời hứa được đưa ra và xin lùi thời gian trả đường cho dân đến tháng 6/2016. Tuy nhiên đến nay, đã hơn 2 năm chưa được thực hiện.

Đáng nói, sau khi lấy đất xây dựng khu công nghiệp, thì hàng chục hộ dân không còn đường nào khác để di chuyển xuống đồng canh tác hàng ngày, bởi con đường chính dẫn đến vị trí canh tác của nhiều hộ dân thôn Bất Phí chính là thuộc phần đất mà công ty đã lấy.

 

Biên bản cam kết trả lại con đường đến nay hơn 2 năm chưa được thực hiện. Ảnh: Tràng An - Minh Anh

 

Nhiều hộ dân phản ánh, việc di chuyển cả người và phương tiện, máy móc (các loại máy cày to nhỏ và máy, công cụ làm đồng khác) của hàng chục hộ dân, buộc phải đi nhờ con đường nhựa của khu công nghiệp. “Gia đình tôi có hai chiếc máy cày, nhưng khi di chuyển máy vào làm đồng, khu công nghiệp chỉ cho chúng tôi đi nhờ đường đất, còn lại đường nhựa không cho máy đi qua vì lo hỏng đường. Chúng tôi đề nghị chính quyền và doanh nghiệp thực hiện lời hứa trả con đường riêng để nông dân xuống làm đồng”, một hộ dân tại thôn Bất Phí đề nghị.

Trở lại trách nhiệm của chính quyền địa phương tại Biên bản ngày 28/9/2015, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Thất thay mặt cho xã đã xác nhận, nội dung cam kết giữa công ty với đại diện chính quyền địa phương cùng nhân dân thôn Bất Phí được thực hiện trước sự chứng kiến của UBND xã.

Rõ ràng, doanh nghiệp chưa thực hiện cam kết với dân, trong khi cam kết đó đã được chính quyền địa phương thống nhất. Do vậy, UBND xã Nhân Hòa cũng không thể đứng ngoài cuộc về trách nhiệm trong việc thực hiện cam kết đó. Nhất là khi, con đường trên nhằm phục vụ mục đích an sinh xã hội, để người dân canh tác, làm đồng hàng ngày, chính quyền địa phương càng phải đại diện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân.

Tràng An - Minh Anh