Theo thông tin mà Báo Thanh tra thu thập được, Công ty Tây Nguyên là doanh nghiệp duy nhất trong tổng số 6 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trên sông Krông Nô chưa đăng ký về số lượng tàu thuyền và thời gian khai thác cát.

Do không có bãi tập kết cát ở địa phận tỉnh Đắk Nông, nên Công ty Tây Nguyên đã liên kết với Hợp tác xã (HTX) Đoàn Kết (xã Ea Na, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) để khai thác cát, sau đó vận chuyển về bãi tập kết cát của HTX Đoàn Kết để tiêu thụ.

Sự “bắt tay” để hút cát “lậu” đã bị phát hiện vào ngày 25/9 vừa qua, khi cơ quan chức năng huyện Krông Nô phối hợp với chính quyền xã Buôn Chóah đã bắt quả tang 4 tàu sắt đang sục vòi rồng hút cát trái phép ngay bờ sông Krông Nô.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng lập biên bản ghi nhận, 4 tàu sắt (3 tàu đeo biển ghi HTX Đoàn Kết, 1 tàu đeo biển ghi Công ty Tây Nguyên (người điều khiển đều trú tỉnh Đắk Lắk) đã hút hơn 115m3 cát, gây sạt lở hơn 1.400m2 đất dọc bờ sông với chiều dài 59m và chiều sâu 24m.

Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Chóah Nguyễn Văn Thinh khẳng định, khu vực 4 tàu hút cát bị bắt giữ là khu vực đất sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.

Thống kê của UBND xã Buôn Chóah cho thấy, đã có khoảng 90ha đất sản xuất nông nghiệp của khoảng 50 hộ dân bị trôi sông do tình trạng khai thác cát trái phép. Ngoài ra, từ khi cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát, lòng sông Krông Nô đã mở rộng ra hàng kilômet.

Ông Nguyễn Chung Huy, quyền Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Krông Nô cho biết, các tàu hút cát ngoài phạm vi được cấp phép và khu vực đất bị sạt lở là đất người dân đang sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Huy, hiện các doanh nghiệp khai thác cát chỉ được cấp phép khai thác ở lòng sông chứ không cấp phép khai thác trong bờ.

Cũng theo quyền Trưởng phòng TN&MT huyện Krông Nô, do dòng sông Krông Nô nằm giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông nên nảy sinh khó khăn trong công tác quản lý khai thác cát, đó là khi Đắk Nông ngừng khai thác thì bên phía Đắk Lắk vẫn tiếp tục. Dù 2 địa phương đã có quy chế phối hợp nhưng quá trình xử lý vẫn có quá nhiều vấn đề. Thực tế, khi xảy ra sạt lở thì phải kiểm tra thực tế, định vị vị trí cụ thể, thuộc địa giới hành chính tỉnh nào mới xử lý được.

Theo thống kê, dọc bờ sông qua địa bàn huyện Krông Nô hiện có 18 điểm sạt lở trong phạm vi cấp phép cho các đơn vị khai thác cát. Trong đó, một điểm mới được phát hiện từ vụ bắt giữ 4 tàu sắt vào ngày 25/9/2019.

“Chúng tôi sẽ cho kiểm tra, nếu đoạn nào có sạt lở trên bờ sẽ đề xuất ngừng khai thác trên dòng sông luôn” - ông Nguyễn Chung Huy cho hay.

Trao đổi với chúng tôi về sai phạm của Công ty Tây Nguyên qua vụ bắt giữ tàu hút cát ngày 25/9, bà Trương Thị Đạm Tuyết, Trưởng Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông) cho biết, doanh nghiệp cấp phép thuộc địa bàn huyện Krông Nô nên thuộc thẩm quyền điều tra, xử lý của huyện này.

“Phải điều tra, xác định xem tàu khai thác trái phép, hay khai thác không đúng vị trí cấp phép và có phải của Công ty Tây Nguyên hay không mới có căn cứ để xử lý” - bà Tuyết cho biết.

Bà Tuyết xác nhận, đơn vị đã nhận được báo cáo của huyện Krông Nô và đã tham mưu cấp trên để chỉ đạo sớm xử lý sai phạm.

“Cần phải xác định đúng người, đúng tội. Nếu chứng minh được việc Công ty Tây Nguyên thuê người khai thác, thì sẽ xem xét trách nhiệm liên đới vì không quản lý vị trí cấp phép, hoặc biết nhưng không trình báo” - bà Tuyết thông tin.

Về việc Công ty Tây Nguyên không có bãi tập kết nhưng vẫn được cấp phép khai thác cát trên địa bàn Đắk Nông, bà Tuyết lý giải, do tỉnh chưa bố trí được đường, nên chưa có bến bãi.

“Hiện bên mình đang có ý định phối hợp với huyện bố trí bến bãi, yêu cầu công ty đưa bến bãi về địa phương để quản lý cho dễ” - bà Tuyết cho hay.

Cũng theo bà Trương Thị Đạm Tuyết, đơn vị đã yêu cầu các các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, đến cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11/2019, phải hoàn thành việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát. Nếu các doanh nghiệp không thực hiện thì sẽ xem xét xử lý theo quy định.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin về vấn đề này!

P. Tường - N. Nga