Bình An nhưng chưa an bình

Sau khi được chấp thuận đưa hạng mục sân golf ra khỏi quy hoạch khu liên hợp thể dục thể thao và nhà ở tại phường An Phú, quận 2, hàng loạt động thái mới liên quan đến pháp nhân mới, thay đổi công năng đã được chủ đầu tư gấp rút thực hiện. Có điều, quyền lợi hợp pháp của 330 hộ dân bị thu hồi đất cho siêu dự án kinh doanh bất động sản có quy mô 137ha vẫn chưa có lối ra.

Theo quy định pháp luật, với mục đích ban đầu là xây dựng nhà ở, sân golf thì chủ đầu tư là Cty Cổ phần Đầu tư và phát triển Sài Gòn (SDI) phải thương lượng với người dân có nhà đất trong ranh quy hoạch dự án về giá trị quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nhiều sở, ngành thuộc UBND TP Hồ Chí Minh đã chọn phương thức là UBND quận 2 ban hành quyết định thu hồi đất với phương án bồi thường giống như các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách.

Hệ quả của cách làm sai pháp luật, làm thay vai trò của chủ đầu tư, chen ngang vào quan hệ giao dịch dân sự giữa SDI và người dân đã dẫn đến hiện tượng khiếu nại đông người, phức tạp. Trong khi chủ đầu tư ung dung hưởng lợi thì người bị thu hồi đất và các cơ quan Nhà nước lại đối đầu nhau với hàng loạt cuộc tranh cãi bất tận về thẩm quyền, giá bồi thường, thiệt hại tài sản khi cưỡng chế. Ngoài ra, một số hộ dân đã buộc phải khởi kiện quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường của UBND quận 2.

Trớ trêu là, khi TAND Cấp cao có bản án tuyên với nội dung các quyết định của UBND quận 2 là sai pháp luật, thì việc giải quyết hậu quả của hàng trăm hộ dân bị thu hồi nhà đất, bị cưỡng chế theo các quyết định này vẫn sẽ là bài toán khó cho cơ quan quản lý Nhà nước. Lý do là SDI đã chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác và khu liên hợp sân golf thể dục thể thao và nhà ở An Phú đã đổi tên thành khu đô thị Sài Gòn Bình An, với chủ đầu tư mới là Tập đoàn Him Lam.

Tại các văn bản của nhiều bộ, ngành, tổng mức đầu tư của khu đô thị Sài Gòn Bình An là 13.680 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cho hạng mục hạ tầng kỹ thuật là 3.600 tỷ đồng do Ngân hàng Lienviet Postbank cấp tín dụng theo văn bản phát hành vào ngày 19/5/2016. Về quy mô chiếm đất thì khu đô thị Sài Gòn Bình An chiếm đến 11% diện tích tự nhiên của phường An Phú, vì diện tích của phường này là 1.042 ha. Nếu nhìn nhận về quy mô bất động sản, khu đô thị Sài Gòn Bình An đạt quy mô trong nhóm ngoại hạng, chỉ đứng sau khu đô thị Vạn Phúc Riverside có diện tích 198ha, cũng được chuyển đổi từ một sân golf thuộc địa bàn quận Thủ Đức, đang bị nhiều hộ dân khiếu nại về chính sách bồi thường.

Bất thường lại bình thường?

Hàng loạt quyết định thu hồi đất sai pháp luật không chỉ được phát hiện tại khu đô thị Sài Gòn Bình An, mà ngay trung tâm quận 1. Khi tiến hành các thủ tục để thực hiện dự án nhà ở cao tầng, khách sạn (Spring Light City) tại số 1bis 1kep đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, chủ đầu tư đã không phải thực hiện thỏa thuận bồi thường nhà đất của 213 hộ dân, với 1.292 nhân khẩu là cán bộ, nhân viên, nhân dân địa phương.

Nguyên nhân bắt nguồn từ việc UBND TP Hồ Chí Minh đã dùng văn bản hết hiệu lực để xác lập sở hữu Nhà nước đối với toàn bộ diện tích nhà đất của 213 hộ dân vào thời điểm tháng 7/1994. Với tư duy cho rằng đây là nhà đất của Nhà nước nên hơn 1,7ha đất có vị trí đắc địa tại khu vực trung tâm quận 1 đã được đơn vị chủ quản liên doanh với một doanh nghiệp tư nhân để lập pháp nhân mới là Cty Cổ phần Bến Thành - Sao Thủy nhằm triển khai xây dựng nhà cao tầng và khách sạn.

Nếu tính đúng, tính đủ thì với hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư như cách làm của UBND TP Hồ Chí Minh năm 2008 tại khu đất tam giác vàng Phạm Ngũ Lão - Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học, thì với hơn 1,7ha tại số 1bis 1 kep đường Nguyễn Đình Chiểu, ngân sách sẽ thu về hàng ngàn tỷ, đủ để chi trả bồi thường cho người dân với mức giá thỏa thuận thay vì UBND quận 1 phải ban hành quyết định thu hồi đất, áp giá bồi thường, cũng như tiến hành hàng loạt hành động cưỡng chế phá dỡ nhà của người dân sai pháp luật.

Điều bất thường khác là trong khi UBND quận 1 vẫn kiên trì áp giá bồi thường và lãi suất ngân hàng cho người dân bị thu hồi nhà đất cho dự án Spring Light City theo kiểu nhỏ giọt thì trước khi tham gia liên doanh, Cty Sao Thủy đã chấp nhận thương lượng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của một số hộ dân với mức giá 68 triệu đồng/m2 thông qua các bản hợp đồng có chứng thực của một văn phòng luật sư có trụ sở tại miền Trung.

Trong khi chính quyền và người dân phải liên tục đối diện tại các buổi tiếp công dân, cũng như trước đây Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khi tiếp xúc cử tri quận 1, đã nhiều lần yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh giải quyết quyền lợi của 213 hộ dân, thì chủ đầu tư dự án Spring Light City đã vội vàng cho quây tôn xung quanh khu đất, đồng thời triển khai xây dựng ào ạt, không kể ngày lễ ngày nghỉ dù trong quá trình thi công đã làm phát lộ nhiều bom đạn, cũng như bị Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt.

Nhận thấy quyền lợi vẫn không được chính quyền địa phương giải quyết trong khi chủ đầu tư dự án Spring Light City vẫn ngang nhiên thi công, người dân đã liên tục kêu cứu đến Chủ tịch UBND TP, nhưng câu trả lời của các cơ quan chuyên môn là đang xếp lịch để lãnh đạo đối thoại với công dân.

 

Thái độ làm việc quan liêu, hách dịch của bà Võ Thị Kim Hoàng, Phó Chánh Văn phòng Sở Xây dựng, chiều 16/5/2017. Ảnh: Thăng Du

 

Bức xúc với cách giải quyết này, đại diện các hộ dân đã tiếp tục có đơn khiếu nại vượt cấp gửi Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ, với nội dung: Dự án Spring Light City không có quyết định thu hồi nhà đất, không có phương án bồi thường, chỉ có quyết định cưỡng chế, chủ đầu tư còn nợ hơn 300 tỷ tiền sử dụng đất nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ đầu tư chưa hoàn thành các thủ tục về xây dựng nhưng đã tiến hành thi công.

Từ các sai phạm này, công dân đề nghị Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định đình chỉ thi công để xử lý xong các sai phạm, cũng như giải quyết dứt điểm quyền lợi hợp pháp của 213 hộ dân, thì mới cho phép dự án Spring Light City tiếp tục triển khai xây dựng.

Với mục đích làm rõ các vấn đề liên quan đến dự án Spring Light City, chiều 16/5/2017, phóng viên Báo Thanh tra đã liên hệ với Sở Xây dựng để đăng ký lịch làm việc. Vì lãnh đạo Sở Xây dựng đều bận họp nên phóng viên đã đăng ký qua Văn phòng. Sau khi phóng viên ghi rõ nội dung làm việc thì bà Võ Thị Kim Hoàng, Phó Chánh Văn phòng Sở Xây dựng đã yêu cầu phải gửi lại giấy giới thiệu để bà đóng dấu công văn đến vào giấy giới thiệu. Khi phóng viên không đồng ý thì bà Hoàng đã bày tỏ thái độ rất quan liêu và lớn tiếng là sẽ không báo cho lãnh đạo Sở Xây dựng về nội dung mà phóng viên đề nghị làm việc, cũng như đề nghị bảo vệ lập biên bản phóng viên.

Không đồng tình với cách làm việc quan liêu, hách dịch này, phóng viên Báo Thanh tra đã mời cán bộ của Thanh tra Sở Xây dựng lập biên bản về sự việc và đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng kiểm tra, chấn chỉnh cách làm việc của Phó Chánh Văn phòng Sở đối với báo chí liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của đơn vị trong thực hiện Luật Xây dựng cùng các văn bản có liên quan. 

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục phản ánh sự việc này. 

Giáng Thăng - Thảo Du