Trong những ngày qua, dư luận ở Thanh Hóa xôn xao về việc Công ty Cổ phần Đầu tư XNK Thanh Bình (Cty Thanh Bình) mới được thành lập 12 ngày (đến ngày có văn bản trình chấp thuận chủ trương dự án cho UBND tỉnh Thanh Hóa) đã có văn bản trình UBND tỉnh thực hiện một dự án lên đến gần 1.200 tỷ đồng. Đáng nói, dự án này lại là “bản sao” của một dự án mà tỉnh Thanh Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho lập báo cáo dự án xây dựng sử dụng vốn vay của ODA của Chính phủ Hung-ga-ry. 

Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án. Hiện dự án đã được cấp 2 tỷ đồng lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, tỉnh Thanh Hóa đã trình Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) dự án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án tại Văn bản số 553/QĐ-BTNMT ngày 11/3/2019.

Sau khi tham vấn ý kiến của các sở, ngành liên quan, hiện Sở KH&ĐT Thanh Hóa đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa chưa có cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cho Cty Thanh Bình. Tuy nhiên, Sở KH&ĐT lại đề nghị UBND tỉnh có văn bản báo cáo, xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy xem xét hình thức đầu tư dự án.

Để có thông tin đa chiều, PV Báo Thanh tra đã tham vấn nhiều ý kiến của các chuyên gia về ngành nước. Đa số các ý kiến đều cho rằng, nếu thực hiện dự án xây dựng hệ thống nước thô chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 47, TP Thanh Hóa và vùng phụ cận bằng nguồn vốn tư nhân thì giá nước thô sau này sẽ tăng cao, dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh, người dân sẽ phải gánh chịu hậu quả từ việc tăng giá nước này. 

Còn nếu thực hiện dự án bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hung-ga-ri thì người dân sẽ được hưởng lợi, Nhà nước có thể điều hành được giá nước thô theo diễn biến của thị trường, đảm bảo được an sinh xã hội, tránh được tình trạng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, tỉnh Thanh Hóa không nên lập lại “vết xe đổ” như ở Nghệ An vì trong thời gian qua dư luận đang nóng lên về việc cung cấp nước thô để sản xuất nước sạch phục vụ cho nhân dân, trong đó mâu thuẫn chính vẫn là việc cạnh tranh giá nước không lành mạnh. 

Nhiều cơ quan báo chí đã viết bài phân tích ở các khía cạnh khác nhau, tuy nhiên tựu chung là một Công ty tư nhân là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cấp nước Sông Lam (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Tuấn Lộc) xây dựng dự án Trạm bơm nước Sông Lam với tổng mức đầu tư theo doanh nghiệp này kê khai là 496 tỉ đồng, ký kết bán giá nước thô cho Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An với mức giá nước thô là 1.950 đồng/m3, từ đó đẩy giá nước sạch lên cao, làm người dân phải bỏ tiền mua nước sinh hoạt với giá cực cao.

Trong khi đó, theo thông tin từ phía Công ty Cổ phần cấp nước Thanh Hóa, đơn vị cung cấp phần lớn lượng nước sạch cho TP Thanh Hóa và một số vùng phụ cận thì hiện tại giá nước thô Công ty mua vào từ Công ty TNHH Một thành viên sông Chu là 945 đồng/m3. Như vậy, nếu so sánh thì nguồn nước thô ở Thanh Hóa mua vào chưa bằng một nửa tiền ở Nghệ An. Nếu dự án xây dựng hệ thống cấp nước thô chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 47, TP Thanh Hóa và các vùng phụ cận được thực hiện bằng nguồn vốn tư nhân thì việc giá nước thô sẽ bị đẩy tăng cao là điều không thể tránh khỏi. Nhiều câu hỏi và bài học nhãn tiền đã diễn ra ở tỉnh bạn, vì thế lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần phải tỉnh táo khi quyết định việc đầu tư dự án này theo hình thức nào để người dân có thể được hưởng lợi.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Văn Thanh