Cho rằng, năm 1964, vợ chồng bà Chu Thị Cúc và ông Nguyễn Văn Hanh (cán bộ Thị ủy Hưng Yên, mất năm 1979) không có nhà ở nên đã nhờ ông Dương Mạnh Tiến (thời kỳ đó là Chủ tịch Ủy ban Hành chính (UBHC) thị xã Hưng Yên) đến nói với ông Dũng cho mượn đất mà gia đình ông để lại cho ông Lâm Hạnh Phúc (em ông Dũng, đang ở chiến trường) ở tạm, hứa khi nào ông Phúc về sẽ trả lại; nhưng gia đình bà Cúc sử dụng từ năm 1964 đến nay mà không chịu trả lại, ông Dũng yêu cầu TAND TP Hưng Yên xét xử công nhận thửa đất 139 đường Điện Biên 1, TP Hưng Yên là của ông Dũng.  

Theo lời khai của bà Cúc tại phiên tòa, từ năm 1949, gia đình bà có khoảng 500m2 đất ở tại khu vực Bưu điện TP Hưng Yên hiện nay (ngã tư đường Điện Biên - Nguyễn Thiện Thuật) do bố bà là cụ Chu Văn Phúc làm chủ hộ đứng tên. Năm 1959, bà Cúc lấy chồng nhưng vẫn ở với bố mẹ tại địa chỉ trên.

Đến năm 1964, theo chủ trương của UBHC thị xã Hưng Yên vận động nhân dân nhường lại đất để mở đường và xây dựng trụ sở cho Hợp tác xã Tiền Tiến. Một số gia đình được lùi lại phía sau, nhưng gia đình bà Cúc thuộc diện phải di dời. Gia đình được UBHC thị xã giao cho thửa đất tại ô đất trống thuộc hộ cụ Bùi Ngọc Yến (cụ Yến bị quy địa chủ năm 1955) tại thôn An Vũ, xã Hiến Nam, nay là thửa đất 139 đường Điện Biên 1, TP Hưng Yên và sử dụng từ đó đến nay. “Gia đình chúng tôi được UBHC thị xã Hưng Yên giao đất ở hợp pháp từ năm 1964 và sử dụng ổn định từ đó đến nay chứ gia đình chúng tôi không mượn đất của ông Lâm Thành Dũng”, bà Cúc khẳng định.

Tại phiên tòa, luật sư Hà Đăng, người bảo vệ quyền lợi cho bị đơn nhận định các bằng chứng mà nguyên đơn cũng như luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn là không thuyết phục. Theo luật sư Đăng, chỉ riêng việc cung cấp nguồn gốc đất của ông Dũng đã cho thấy “tiền hậu bất nhất”. Theo bút lục 11, ngày 28/9/1985, ông Dũng khai, tôi đến đây ở (trên đất của cụ Yến) từ năm 1952, lý do là mẹ tôi là chị em với cụ Bùi Ngọc Yến nên có chung vốn với cụ Yến là 2,7 sào đất hồ ao… Đến ngày 28/7/2005 (BL 14 - 15) tại UBND thị xã Hưng Yên thì ông Dũng lại cung cấp nguồn gốc đất: Năm 1952, ông Phùng Văn Côi có chia phần đất làm ba, gia đình tôi được chia về phía Nam thuộc khu vườn mía lúc bấy giờ, năm 1954 vẫn được sử dụng đất này. Bản tự khai ngày 26/4/2016 (BL 43), ông Dũng cung cấp: Nguồn gốc đất là của bà ngoại tôi là cụ Trần Thị Choi, diện tích 2,7 sào. Năm 1952, bà ngoại chia cho 3 chị em tôi là bà Bùi Thị Lụa, Bùi Ngọc Yến (Hiển), Bùi Thị Ve… toàn bộ phần đất của gia đình tôi không liên quan gì đến đất của địa chủ Bùi Ngọc Yến (Hiển).

Như vậy, "nguồn gốc diện tích đất tại số nhà 139 và 141 đường Điện Biên mà ông Lâm Thành Dũng có đề nghị UBHC xã Hiến Nam xác nhận nguyên canh là không có căn cứ, không có tài liệu nào xác định là tài sản chung với địa chủ Bùi Ngọc Hiến, hoặc tài sản của ông Phùng Văn Côi, cụ Trần Thị Choi cho bà Bùi Thị Lụa là mẹ đẻ của ông Lâm Thành Dũng”, luật sư Đăng khẳng định.

Với những chứng cứ thu thập được, quan điểm của Viện KSND TP Hưng Yên tại phiên tòa: Gia đình bà Cúc không mượn đất của gia đình ông Lâm Thành Dũng mà do Nhà nước giao đất cho gia đình bà Cúc theo chủ trương chính sách của UBHC thị xã Hưng Yên thời điểm năm 1963 - 1964, vì vậy, ông Dũng khởi kiện yêu cầu bà Cúc phải trả đất mà lập luận cho rằng nguồn gốc đất của ông có trên bản đồ sổ mục kê năm 1963 là do UBHC thị xã Hưng Yên mượn đất của gia đình ông Dũng giao cho gia đình bà Cúc ở nhờ là chưa có căn cứ thuyết phục để chứng minh, nên không có cơ sở để chấp nhận đơn khởi kiện của ông Dũng.

Từ những phân tích và quan điểm trên, đại diện Viện KSND TP Hưng Yên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Khoản 9 Điều 26, điểm a, Khoản 1 Điều 35, Khoản 1 Điều 147, Điều 191 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lâm Thành Dũng về yêu cầu bà Cúc trả lại 97,3m2 đất tại 139 đường Điện Biên 1.

Tại phiên tòa, ông Dũng và luật sư Lê Minh Sơn, người bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn đã đưa ra các bằng chứng chứng minh thửa đất tại số nhà 139 đường Điện Biên 1, nơi gia đình bà Cúc sử dụng từ năm 1964 đến nay là đất của ông Dũng. Tuy nhiên, các bằng chứng mà ông Dũng và luật sư đưa ra không chứng minh được điều đó, nên Hội đồng Xét xử TAND TP Hưng Yên đã tuyên án bác đơn khởi kiện đòi đất của ông Lâm Thành Dũng.

Việc tranh chấp đất giữa bà Cúc và ông Dũng diễn ra từ năm 1987 và đã được các cơ quan chức năng giải quyết nhiều lần và khẳng định, việc ông Dũng đòi đất của bà Cúc là không có cơ sở. Thậm chí, ông Dũng cũng đã làm đơn khởi kiện ra TAND TP Hưng Yên, song cũng bị trả lại đơn vì không đủ chứng cứ. (Báo Thanh tra đã có loạt bài phản ánh).

Trong quá trình giải quyết vụ việc, UBND TP Hưng Yên đã có văn bản báo cáo và xin ý kiến Tổng cục Quản lý đất đai và được đơn vị này trả lời tại Văn bản 408/TCQLĐĐ-CĐKTK (ngày 8/4/2014), “đề nghị UBND TP Hưng Yên làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình bà Chu Thị Cúc theo hiện trạng đang sử dụng; không xem xét đơn yêu cầu giải quyết của ông Lâm Thành Dũng đối với phần diện tích này”.

Ngày 7/11/2014, UBND tỉnh Hưng Yên có Văn bản số 1976/UBND-TCD yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hưng Yên giải quyết dứt điểm việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà Chu Thị Cúc; không để công dân khiếu nại vượt cấp đến các cơ quan của tỉnh và Trung ương. Thế nhưng, không hiểu vì sao mà UBND TP Hưng Yên không thực hiện mà dướng dẫn ông Dũng đưa vụ việc ra Tòa án.

Ai đã "phớt lờ" chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh và cố tình đưa vụ việc trở nên phức tạp, gây khiếu kiện vượt cấp, kéo dài? Báo Thanh tra sẽ tiếp tục có bài phản ánh về vụ việc này.

Trần Quý