Xử phạt vi phạm hành chính 8 DN

Trước đó, như Báo Thanh tra đã có loạt bài phản ánh, vào tháng 6/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kết luận 2234 thanh tra các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất kinh doanh tại CCN Phú Lâm.

Kết luận đã chỉ ra hàng loạt sai phạm về môi trường, trật tự xây dựng, thuế, quản lý đất đai, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động...

Đáng nói là, những vi phạm trên diễn ra khá phổ biến, nhưng các cơ quan chức năng của địa phương đã buông lỏng quản lý, để sai phạm kéo dài trong nhiều năm.

Với hàng loạt sai phạm như vậy, UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các sở, ngành liên quan (Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Cục Thuế tỉnh...); Huyện ủy, UBND huyện Tiên Du; Đảng ủy, UBND xã Phú Lâm xem xét, kiểm điểm trách nhiệm, các tập thể và cá nhân đã để xảy ra sai phạm.

UBND huyện Tiên Du phải xử phạt vi phạm hành chính các DN có hành vi vi phạm thi công xây dựng sau năm 2015…

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Tiên Du đã xử phạt vi phạm hành chính 8 DN vi phạm về xây dựng, thu về ngân sách huyện số tiền 320 triệu đồng.

Cùng với đó, UBND huyện đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 1 tập thể là Phòng Kinh tế và Hạ tầng và 4 cá nhân là Trưởng phòng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng; Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường.

UBND xã Phú Lâm cũng đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể UBND xã và 5 cá nhân gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch UBND xã, cán bộ địa chính và cán bộ phụ trách xây dựng.

Vi phạm đã rõ, nhưng khó xử lý

Đại diện UBND huyện Tiên Du cho biết, có những vi phạm đã được kết luận thanh tra chỉ rõ, nhưng xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tháo dỡ các công trình xây dựng trên hành lang đường giao thông, đường điện, công trình xây dựng trên hành lang bảo vệ đê…

Mặc dù, các công trình vi phạm đã được UBND tỉnh yêu cầu tháo dỡ, nhưng đã gần 1 năm trôi qua, UBND huyện vẫn chưa cưỡng chế tháo dỡ công trình nào.

Lý do được UBND huyện Tiên Du đưa ra là khi thực hiện kiểm tra, đôn đốc xử lý vi phạm tại hiện trường, cơ quan chuyên môn chưa có căn cứ để xác định chính xác mốc giới vi phạm đê Ngũ Huyện Khê của các DN, do đê hình thành từ nhiều năm trước, chưa được cắm mốc bảo vệ hành lang.

Hơn nữa, hiện trạng mặt đê, chân đê cũng đã có nhiều thay đổi so với ban đầu, nên nội dung này đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Bên cạnh đó, việc xử lý các tổ chức, hộ gia đình kinh doanh vi phạm lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng công trình trên đất mặt nước chuyên dùng, tự chuyển mục đích sử dụng đất thuộc dải cây xanh ven CCN... cũng gặp không ít khó khăn.

Sau khi kết luận thanh tra ban hành, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên Môi trường rà soát lại toàn bộ hồ sơ đất đai của các đơn vị vi phạm.

Qua rà soát thấy rằng, kết luận đã nêu rõ các hành vi vi phạm pháp luật đất đai, và diện tích vi phạm, nhưng thực tế lại rất khó khăn trong việc xác định cụ thể trên thực địa để đánh dấu hoặc sơn vạch các mốc giới sử dụng đất của DN, cơ sở vi phạm. Vì vậy, rất khó để lập hồ sơ chi tiết xử lý cụ thể.

Việc xử lý đối với các DN xây dựng trên hành lang giao thông, hành lang đường điện cũng rất chậm trễ. Vi phạm đã được chỉ ra gần 1 năm nay, nhưng hiện tại UBND huyện mới đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục đôn đốc thực hiện, trong khi vi phạm này đang hàng ngày, hàng giờ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông cũng như những người dân sống xung quanh.

Hải Hà