Hàng loạt cây cối được gia đình ông Nguyễn Ngọc Tỵ trồng từ những năm 1984. Ảnh: TQ

Liên quan đến việc thực hiện dự án Ao hồ bơi tại xã Tam Hiệp, Báo Thanh tra ngày 15/3/2019 có bài "Phúc Thọ (Hà Nội): “Quên” quyền lợi của dân khi thực hiện dự án Ao hồ bơi?"; Số 28, phát hành ngày 5/4/2019 có bài "Các cơ quan chức năng vào cuộc"; Số 42, phát hành ngày 24/5/2019 có bài "Chậm giải quyết đơn khiếu nại của dân?".

Phản ánh hàng loạt cây cối được gia đình ông Nguyễn Ngọc Tỵ (cụm 3, xã Tam Hiệp) trồng từ những năm 1984, nhưng khi Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phúc Thọ triển khai thực hiện dự án Ao hồ bơi thì tự ý chặt phá mà không quan tâm đến quyền lợi của gia đình.

Trước sự việc này, ông Tỵ đã có đơn tố giác và đơn khiếu nại gửi tới UBND huyện Phúc Thọ và Công an huyện Phúc Thọ. Ngày 6/3/2019, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn đã có ý kiến chỉ đạo UBND xã Tam Hiệp và Công an huyện làm rõ việc một số đối tượng hủy hoại tài sản.

Ngày 15/3/2019, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ tiếp tục chỉ đạo UBND xã Tam Hiệp và Phòng Tài nguyên - Môi trường xác minh làm rõ đơn của gia đình ông Tỵ liên quan đến việc gia đình ông đề nghị: “Kiểm tra và xử lý các đối tượng liên quan trong việc tự ý phá hoại tài sản gia đình ông và dừng việc thi công hồ bơi (nếu có) để chờ kết quả giải quyết mốc giới của gia đình ông theo quy định”.

Cả hai văn bản, UBND huyện đều yêu cầu các đơn vị nói trên báo cáo UBND huyện bằng văn bản kết quả giải quyết và trả lời công dân theo quy định.

Thế nhưng, đến nay đã hơn 8 tháng mà ông Tỵ vẫn chưa nhận được quyết định giải quyết đơn tố giác, đơn khiếu nại từ các cơ quan chức năng, trong khi Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phúc Thọ vẫn cho nhà thầu triển khai thực hiện dự án.

“Trước sự việc này, rất nhiều lần tôi tiếp tục có đơn khiếu nại, tố cáo gửi tới ông Chủ tịch UBND huyện và ông Trưởng Công an huyện và Ban Tiếp công dân UBND huyện Phúc Thọ, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng đến khó hiểu của các vị lãnh đạo này” - ông Tỵ cho biết.

Trách nhiệm giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của ông Nguyễn Ngọc Tỵ theo luật định phải thuộc thẩm quyền của UBND huyện Phúc Thọ mà người đứng đầu là ông Doãn Trung Tuấn. Tuy nhiên, ông Tuấn không những không giải quyết đơn tố cáo công dân, mà còn ra một loạt văn bản giao cho chính những người bị ông Tỵ tố cáo đứng ra giải quyết đơn. Sự việc có dấu hiệu hình sự nên phía CA huyện cũng được UBND huyện giao trách nhiệm vào cuộc xác minh.

Cây cối của gia đình ông Nguyễn Ngọc Tỵ trồng từ những năm 1984 đã bị nhổ bỏ mà không được bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành. Ảnh: TQ

Đến nay đã hơn 8 tháng vào cuộc, phía Công an huyện Phúc Thọ chưa có văn bản trả lời nào cho công dân. UBND huyện Phúc Thọ cũng vậy, chưa có văn bản thụ lý đơn tố cáo của công dân theo quy định của Luật Tố cáo 2018, cho dù thời hạn giải quyết và trả lời công dân đã quá rất lâu.

Liên quan đến sự việc của ông Nguyễn Ngọc Tỵ, tháng 7/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi tới UBND TP Hà Nội đề nghị giải quyết theo quy định.

“Do ông Doãn Trung Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ không giải quyết đơn thư của tôi theo Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo hiện hành nên tôi đã có đơn tố cáo đối với Doãn Trung Tuấn gửi đến UBND TP Hà Nội và các cấp liên quan” – ông Tỵ cho biết.

Theo luật sư Hoàng Văn Doãn, Văn phòng Luật Hoàng Hưng, không chỉ vi phạm Luật Tố cáo, ông Doãn Trung Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ còn vi phạm Nghị định 31/2019 có hiệu lực từ tháng 4/2019 của Chính phủ. Nghị định quy định hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau: Cố ý không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội; Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu, làm mất hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc; bao che cho người bị tố cáo gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội…

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc này.

Trần Quý