Đường nát, người dân khổ vì xe quá khổ, quá tải

Theo người dân ở gần khu vực gần bến Lời, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết: Nhiều năm qua, tình trạng bến, bãi “chui” được hoạt động rầm rộ, công khai. Nạn xe quá khổ, quá tải diễn ra từ nhiều năm nay. Ngày thì lo tai nạn giao thông, ban đêm lượng xe hoạt động đông gấp nhiều lần, gây mất ngủ. Bụi bặm gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân khu vực.

Cũng theo phản ánh thì mặc dù đường Ỷ Lan đã có biển cấm xe trọng tải 10 tấn trở lên hoạt động, nhưng thời gian gần đây, nhiều xe tải chở vật liệu xây dựng có trọng tải trên 10 tấn vẫn lưu thông. Các xe này phần lớn lấy hàng từ bến Lời ven Sông Đuống, đi với tốc độ cao khiến người dân cảm thấy vô cùng bất an. Đáng lo ngại nữa là dọc đường Ỷ Lan có tới 4 trường học, trong đó có 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS.

Người dân sống gần bến Lời khổ vì ô nhiễm, và bất an vì hoạt động của các xe siêu trường, siêu trọng. Ảnh: ĐT

Theo ghi nhận của phóng viên trong những ngày đầu tháng 5/2017y, tại khu vực bến Lời bên dòng sông Đuống có hàng loạt xà lan chở hàng được neo đậu dàn hàng, chờ đến lượt nhập vào bến. Hàng hóa ở bến chủ yếu là hàng sắt thép, thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng với những bãi cát khổng lồ cùng hệ thống cần cẩu xúc vật liệu hối hả làm việc.

Từng dòng xe “hổ vồ”, xe đầu kéo container nối đuôi nhau vào bến bốc xếp bất kể ngày đêm. Con đường dẫn vào bến lồi lõm, bụi cát phủ trắng xóa cây cối bên đường khiến tuyến đường Ỷ Lan và đoạn dốc lên đê như bị “bức tử”. Điều đáng nói, mặc dù các “binh đoàn” xe tải, xe chở container được tập kết và hoạt động rầm rộ lao vun vút trên đường nhưng lại không gặp bất cứ trở ngại nào từ cơ quan chức năng?

Bến chui hoạt động không phép?

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại khu vực bến Lời hiện có 3 doanh nghiệp đang hoạt động là Công ty TNHH Kinh doanh vật tư và Vận chuyển Hà Trang, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng An Thịnh, và Công ty TNHH Gia Lâm. Các doanh nghiệp này đều được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hà Nội cho thuê đất.

Mặc dù trong hợp đồng với Sở TT&MT Hà Nội, các doanh nghiệp được thuê đất chỉ sử dụng bến bãi để trung chuyển vật liệu xây dựng, nhưng thời gian qua, bến Lời dường như đã biến thành bến cảng vận chuyển đủ loại hàng hóa.

Trên danh nghĩa là bãi trung chuyển vật liệu xây dựng, nhưng ngay tại bến Lời gần chân đê cát được múc thành những hố sâu gần chục mét. Ảnh: ĐT

Liên quan đến bến bãi trung chuyển hoạt động nói trên, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ánh Quang, Phó Chủ tịch xã Đặng Xá thừa nhận, bãi trung chuyển của Công ty Hà Trang là chưa có giấy phép. Hiện Công ty Hà Trang đang làm thủ tục. Một số sở, ngành đang có văn bản chấp thuận nhưng hoàn thiện thì chưa có.

Phó Chủ tịch xã cho biết thêm: “Ở xã Đặng Xá có 3 đơn vị ở khu vực bến Lời đang hoạt động. Tuy nhiên, Công ty Hà Trang có một vị trí với hai điểm cuối bến Lời chưa hoàn thiện, đang làm thủ tục. Chủ trương thì chấp thuận nhưng về thủ tục khi các sở, ngành có văn bản chấp thuận thì TP mới căn cứ để có quyết định…”.

Cũng với nội dung trên, ngày 10/5, khi trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Nguyễn Hữu Cảnh, Phó phòng TN&MT huyện Gia Lâm cho rằng, cả 3 doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại khu vực bến Lời đều được Sở TN&MT TP Hà Nội cho thuê đất hàng năm và các đơn vị này có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. 

“Giấy phép của 3 đơn vị này có hiệu lực đến năm 2019”, ông Cảnh khẳng định. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được cung cấp hồ sơ cho thuê đất và các giấy phép thì ông Cảnh từ chối với lý do hiện Phòng TN&MT huyện không lưu, và đang yêu cầu các đơn vị nói trên gửi lên!?

Thiết nghĩ, trước những dấu hiệu hoạt động có phần biến tướng của bến Lời trong thời gian qua, cùng hoạt động đêm ngày của xe quá khổ, quá tải tại khu vực trong và ngoài bến, chính quyền huyện Gia Lâm cần khẩn trương kiểm tra, xử lý dứt điểm những vi phạm tại đây.

Đức Tôn