Trên địa bàn huyện Nông Sơn hiện chỉ duy nhất có Cty Quý Tín - Đại Việt được cơ quan chức năng cấp phép khai thác đất sét làm vật liệu xây dựng thông thường và đất, đá san lấp tại mỏ thuộc thôn Trung An, xã Quế Trung. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân sở tại, những ngày qua, có một mỏ khai thác đất trái phép diễn ra khá rầm rộ cũng thuộc địa bàn xã.

Mỏ đất này nằm sát Quốc lộ 14H, đã san ủi với diện tích khá rộng. Phía sau là quả đồi ở độ cao khoảng 5m so với mặt nền đã bị san ủi khối lượng lớn và hiện trạng có một máy múc đang chăm chỉ “cắt ngọn” đồi.

Bên trong khu vực mỏ, hoạt động khai thác đất liên tục diễn ra với 2 máy múc đất cỡ lớn lấy đất từ sườn đồi đổ lên thùng xe tải to chở đi nơi khác. Khối lượng đất đã bị đào múc những ngày qua ước tính hàng chục ngàn m3...

Chúng tôi bám theo chiếc xe vận chuyển đất để tìm “điểm đến” của đất đã khai thác thì thấy xe chạy ngược lên Quốc lộ 14H rồi xuyên qua trục đường chính của trung tâm huyện Nông Sơn và rẽ vào đổ đất cho đường dẫn công trình thi công cầu Nông Sơn (mới).

Qua tìm hiểu tại Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Nông Sơn thì được biết, khu vực mỏ đất đang khai thác đất rầm rộ nói trên không hề được cấp phép mà là khu vực Dự án (DA) Nhà máy chế biến gỗ của Cty Nhất Hưng Nông Sơn (trụ sở chính tại xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam).

DA này được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 7/1/2020; có quy mô công suất 60 ngàn tấn sản phẩm/năm, diện tích đất sử dụng gần 34.873m2.

Theo quyết định, tiến độ thực hiện DA từ tháng 1/2020 đến tháng 6/2020, Cty Nhất Hưng Nông Sơn phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, đất đai... Trước khi thực hiện DA, nhà đầu tư phải thực hiện đúng và đầy đủ các hồ sơ, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất lúa trong phạm vi cho phép; lập thủ tục trình và được cấp thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế đối với diện dích đất rừng sản xuất thuộc quy hoạch 3 loại rừng theo đúng quy định của pháp luật; lập hồ sơ bảo vệ môi trường, trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định…

Đặc biệt, Quyết định số 44 cũng nhấn mạnh: “Không được tác động vào đất rừng khi chưa lập đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật và các thẩm quyền cho phép. Trường hợp Cty không thực hiện đúng quy định, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam  phối hợp UBND huyện Nông Sơn và các cơ quan liên quan xem xét chấm dứt hoạt động của DA; trình UBND tỉnh thu hồi Quyết định chủ trương đầu tư”.

Trao đổi với chúng tôi, một người có trách nhiệm của Cty Nhất Hưng Nông Sơn xác nhận hoạt động khai thác đất diễn ra được 5 ngày và chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác tận thu đất trong quá trình thi công DA.

Như vậy, dù chỉ mới tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng DA Nhà máy chế biến gỗ nhưng Cty Nhất Hưng Nông Sơn đã “san đồi, xẻ núi” khu đất lâm nghiệp để vận chuyển đất bán cho một công trình xây dựng khác.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương cùng các cơ quan có thẩm quyền vẫn không xử lý kịp thời...

Đến chiều ngày 5/3, UBND huyện Nông Sơn mới ra Văn bản số 109/UBND-KT nêu rằng, hiện nay, Cty Nhất Hưng Nông Sơn chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định nhưng đã tổ chức thi công sang nền, vận chuyển đất san lấp ra khỏi vị trí được thỏa thuận. Do đó, UBND huyện yêu cầu Cty phải dừng ngay việc tổ chức thi công DA Nhà máy chế biến gỗ rừng trồng; khẩn trương lập đầy đủ các thủ tục có liên quan theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 44 của UBND tỉnh và các thủ tục khác trước khi triển khai thực hiện DA.

UBND huyện Nông Sơn yêu cầu Công an huyện tổ chức lực lượng kiểm tra, ngăn chặn xe cơ giới vào khu vực DA để chở khoáng sản cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của UBND huyện; đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.

UBND xã Quế Trung phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện của Cty Nhất Hưng Nông Sơn và kịp thời xử lý những hành vi vi phạm pháp luật nếu có.

Như Báo Thanh tra từng phản ánh, trên địa bàn xã Quế Trung kể từ khi triển khai DA Nhà máy gạch không nung với diện tích đất đồi rộng 4ha, công suất 20 triệu sản phẩm/năm; do Cty Quý Tín - Đại Việt làm chủ đầu tư; đã bị người dân phản đối, khiếu kiện vì cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng...

Trước khi DA được triển khai thì người dân không đồng tình vì tại nhiều cuộc họp dân nhằm lấy ý kiến đa số họ đều lên tiếng phản đối với nhiều lo ngại. Trong đó, nổi cộm nhất là vị trí DA nhà máy gạch nằm ở trên cao, phía dưới là nhà dân; dễ gây hệ lụy về ô nhiễm, sạt lở, tai nạn giao thông... Song, DA cũng vẫn được cấp phép?

Tại Văn bản số 02/QĐ-UBND ngày 2/1/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ DA phải tuân thủ các quy chuẩn về môi trường, đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình thực hiện; nếu ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, dân cư phải dừng ngay các hoạt động, báo cáo cơ quan chức năng xử lý.

UBND tỉnh cho phép Cty Quý Tín -  Đại Việt được khai thác đất trong quá trình thi công mặt bằng gồm có đất san lấp và đất sét. Tuy nhiên, địa điểm DA có một khối lượng lớn đất cao lanh; khiến dư luận hoài nghi doanh nghiệp lợi dụng DA để khai thác đất sét, cao lanh đi bán thu lợi?

Ngày 3/3/2020, Sở TN&MT Quảng Nam đã kiểm tra thực tế công trường khai thác đất đá của Cty Quý Tín -  Đại Việt nhận thấy, dù đã từng yêu cầu khắc phục ô nhiễm, ảnh hưởng ra bên ngoài nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình chây ì; chưa thực hiện lắp đặt trạm cân, camera, chưa xây dựng hoàn thiện hệ thống mương dẫn nước; xung quanh DA chưa được che chắn rào tôn, hạn chế phát tán bụi ra ngoài; công tác giảm thiểu tác động từ rà phá bom mìn cũng chưa được thực hiện...

Ông Nguyễn Chí Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, sau khi nhận được phản ánh từ báo chí, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với UBND huyện vào cuộc kiểm tra. Sau buổi kiểm tra, Sở TN&MT thống nhất với báo cáo UBND huyện là tiếp tục đình chỉ việc khai thác khoáng sản tại khu vực này; đồng thời đề nghị Cty thực hiện, khắc phục những tồn tại hạn chế đã được nêu ra trong biên bản trước khi triển khai thực hiện.

Nguyên Phê