Luận án TS của NCS Nguyễn T.M.H với đề tài trên được đánh giá là hoàn toàn cần thiết và phù hợp đối với tầm của một luận án TS tại đại học hàng đầu đào tạo về kinh tế.

Theo đánh giá của một Ủy viên Hội đồng Đánh giá luận án TS tại trường đại học trên, luận án sẽ thể hiện sự cần thiết và thuyết phục hơn nếu NCS trình bày và lý giải thêm tại sao cần nghiên cứu sự tham gia của cộng đồng địa phương bằng cách gắn với yêu cầu của phát triển bền vững, đồng thời cũng nên phân tích và chỉ ra những khó khăn dẫn đến sự hạn chế thậm chí cản trở sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động du lịch.

NCS cần phải chỉ ra được khoảng trống nghiên cứu mà các nghiên cứu khác chưa đề cập đến và luận án của NCS sẽ giải quyết vấn đề này. NCS không nên chỉ đơn thuần đưa một nhận định “phần lớn các nghiên cứu về sự tham gia của cộng đồng địa phương chỉ là nghiên cứu tổng quan và nghiên cứu định tính” để khẳng định tính cấp thiết và khoảng trống nghiên cứu.

Cũng theo đánh giá của Ủy viên Hội đồng trên, luận án TS của NCS Nguyễn T.M.H đã tham khảo những nghiên cứu rất chuyên sâu về nhận thức của cộng đồng địa phương, sự tham gia của họ trong các hoạt động du lịch, nhất là các nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

Tuy nhiên, nhiều trích dẫn và ghi tài liệu tham khảo không đúng với quy định và cũng không thống nhất trong các phần khác nhau của luận án. Đơn cử: “Cohen và Uphoff (1977)” (trang 27); “Oakley & Marsden, 1987” (trang 32). Hiện tượng này lặp đi lặp lại trong toàn bộ luận án. Hơn nữa, cách viết tài liệu tham khảo không đúng, như tài liệu số 7.

Đặc biệt, nội dung của mục 2.3 (từ trang 31 đến trang 41) thể hiện “hình ảnh trung thành” của tài liệu số 138 là bài báo. Nghi vấn về sự sao chép trong phần nội dung trên của luận án TS được Ủy viên Hội đồng TS đặt vấn đề giống với bài báo gốc: Zomorrodian và cộng sự (2013) “Quantitative models for participation evaluation in community development: A theoretical review”, World Applied Sciences Journal, No25 (2)”.

Theo một thành viên Hội đồng Đánh giá TS khác, đồng thời là phản biện đối với luận án, về nội dung nghi vấn có sự sao chép từ bài báo nước ngoài trên, NCS đã “copy” tài liệu từ một nguồn thứ cấp mà không phải là từ tài liệu gốc. Song, sau khi có ý kiến của một Ủy viên Hội đồng góp ý thì NCS đã sửa.

Trên thực tế, theo nhận xét của Ủy viên đã phát hiện ra nghi vấn sao chép, mặc dù NCS đã tiến hành chỉnh sửa nội dung của mục 2.3 (từ trang 31 đến trang 41), nhưng vẫn thể hiện “hình ảnh trung thành” của tài liệu 138.

Ý kiến trên được bảo lưu và nhấn mạnh một số nội dung không thực sự chính xác trong nguồn trích dẫn tài liệu tham khảo. Chính sự thiếu chính xác trong trình bày tổng quan nghiên cứu, khung và cơ sở lý thuyết chưa đủ mạnh và thiếu thiếu thuyết phục với người đọc.

Ý kiến này được dành cho toàn thể thành viên của Hội đồng Đánh giá TS thảo luận và đưa ra quyết định cuối cùng. Đến nay, bản luận án của NCS Nguyễn T.M.H đã được người đứng đầu Hội đồng Đánh giá luận án TS của trường đại học hàng đầu đào tạo về lĩnh vực kinh tế “thông qua”.

Những dấu hiệu trên của luận án TS do NCS Nguyễn T.M.H thực hiện tại một trường đại học uy tín hàng đầu về kinh tế cần được kiểm tra, làm rõ, thông tin để rộng đường dư luận. 

Chưa kể, cũng có thông tin hoạt động bảo vệ luận án TS không có trong lịch công tác của trường? Trách nhiệm của NCS trong quá trình đào tạo trình độ TS tại trường có được thực hiện đầy đủ? Những vấn đề này cần tiếp tục được làm rõ.

P.V