Như báo Thanh tra ra ngày 26/10 có bài viết: “Đấu giá đất Khu dịch vụ thương mại văn phòng và dân cư Khu đô thị Đông Hương, TP. Thanh Hóa: Vì đâu năm lần bảy lượt vẫn không xong!” phản ánh việc UBND TP. Thanh Hóa tiến hành bán đấu giá Quyền sử dụng đất (QSDĐ) của 375 lô đất thuộc mặt bằng Quy hoạch số 3241/QĐ-UBND (trong đó 200 lô đất liền kề và 175 lô biệt thự) với tổng diện tích gần 58.000m2 với giá khởi điểm 9 triệu đồng/m2.

Việc tiến hành bán đấu giá QSDĐ đã diễn ra nhiều lần nhưng đến nay đều bất thành. Thậm chí, cho đến thời điểm này, việc đấu giá quyền sử dụng 375 lô đất “vàng” nói trên đang dần trở thành một mớ bùng nhùng, hỗn độn đầy tai tiếng trước hàng loạt ý kiến cho rằng: đơn vị đứng ra bán đấu giá tài sản là Công ty đấu giá Hợp danh Hoàng Nguyên không khách quan, cố tình đặt ra nhiều tiêu chí tréo ngoe để loại hồ sơ khách hàng tham gia đấu giá; Chủ tài sản là UBND TP. Thanh Hóa chưa thực sự công tâm, sâu sát trong việc quản lý tài sản Nhà nước…

Sau nhiều lần lùi lịch mở phiên đấu giá, đến 14 giờ ngày 9/10, buổi đấu giá theo lịch thông báo trước đó cũng không được diễn ra. Tại đây, 15/19 hồ sơ của khách hàng tham gia dự nộp đã được thẩm định trước đó bị Công ty đấu giá Hợp danh Hoàng Nguyên loại với những lý do khó hiểu?

Bốn khách hàng lọt vào vòng “chung kết” bỏ giá gồm: 1) Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng ADI (đơn vị có mã số doanh nghiệp trùng khớp với mã số doanh nghiệp mà Công ty CP Nakama Việt Nam được cấp) - Công ty Cổ phần Bất động sản Đại Lộc; 2) Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Lộc Phát; 3) Liên doanh Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Minh Hương - Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Thăng Long; 4) Liên doanh Công ty Cổ phần Khai thác Việt Nhật Đức - Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư phát triển nông thôn miền Tây.

Danh sách này lập tức khiến nhiều khách hàng tham dự dấy lên nghi vấn có sự dàn xếp, sắp đặt “quân xanh, quân đỏ” hòng dìm giá trúng thầu, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước?

Những nghi vấn trên là có cơ sở, khi mà Công ty Cổ phần Nakama Việt Nam chính là đơn vị đã trúng đấu giá 375 lô đất được tổ chức trước đó với mức giá gần 438 tỷ đồng, chỉ cao hơn giá sàn gần 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả trúng đấu giá này đã buộc phải hủy bỏ vì đã xảy ra nhiều vi phạm trong công tác bán đấu giá tài sản. Sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định phê duyệt lại giá khởi điểm từ 7,5 triệu đồng/m2 như lúc ban đầu lên thành 9 triệu đồng/m2, tăng thu số tiền nộp ngân sách Nhà nước gần 100 tỷ đồng.

Đáng chú ý hơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Lộc Phát và Công ty Cổ phần Khai thác Việt Nhật Đức là 2 đơn vị nằm ở hai liên doanh khác nhau nhưng lại có chung một địa chỉ trụ sở: Tầng 3, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 36.03D, Đại lộ Võ Nguyên Giáp, phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Theo địa chỉ nói trên, chiều ngày 26/10, phóng viên báo Thanh tra đã đến tìm hiểu thực tế. Tòa nhà 3 tầng văn phòng nằm trong khuôn viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 36.03D trực thuộc Tập đoàn Xây dựng Miền Trung.

Tuy nhiên, nơi đây chỉ là những căn phòng trống bỏ hoang lâu ngày, cửa và hành lang khu nhà bám đầy bụi bẩn, mạng nhện dấu hiệu cho thấy từ lâu không có hoạt động văn phòng của công ty tại đây. Và có tìm mỏi mắt cũng không thấy cólấy một tấm biển ghi tên giới thiệu về trụ sở của hai Công ty nói trên tại khu vực nhà 3 tầng này?. Qua dò hỏi người dân quanh khu vực, chúng tôi được chỉ dẫn giới muốn làm việc với hai Công ty này thì tìm đến Tập đoàn Xây dựng Miền Trung?

Còn Công ty Cổ phần Bất động sản Đại Lộc có trụ sở tại Số nhà 479 Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa. Qua tìm hiểu trên website của Tập đoàn Xây dựng Miền Trung thì chúng tôi được biết đây là trụ sở của Tập đoàn Xây dựng Miền Trung.

Vậy câu hỏi được đặt ra Công ty Cổ phần Bất động sản Đại Lộc, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Lộc Phát, Công ty Cổ phần Khai thác Việt Nhật Đức (3/7 đơn vị lọt vào vòng bỏ giá - PV) có quan hệ như thế nào với Tập đoàn Xây dựng Miền Trung?

Theo ý kiến nhận định của những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực đấu giá tài sản, nếu cả ba công ty nói trên đều có “quan hệ” với Tập đoàn Miền Trung thì câu chuyện bắt tay nhau để dìm giá trúng của 375 lô đất nói trên là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Một trường hợp dìm giá khác cũng có thể diễn ra trên thực tế đó là việc lịch mở phiên đấu giá liên tục lùi hoãn, khiến các đơn vị lọt vào vòng trong có nhiều cơ hội và thời gian “ngồi” lại với nhau để bắt tay thông đồng làm giá trúng. Đây là nguy cơ nhãn tiền làm méo mó bản chất của đấu giá là khách quan, công bằng, đưa giá trúng tiệm cận với giá thị trường, ngân sách Nhà nước thu được tối đa tránh thất thoát. Việc có thông thầu hay không, thì cần có cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Nhóm PV