Nhẹ dạ, nghe lời xúi giục kẻ xấu 

Theo tìm hiểu của PV, toàn bộ 400ha diện tích trồng cà phê của Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm nằm trong tổng số 16.940ha đã được Bộ Lâm nghiệp giao cho Lâm trường Buôn Ja Wầm quản lý theo Quyết định số 242/TCLD ngày 28/5/1993. 

Đến năm 2003, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty đối với số diện tích cà phê quốc doanh này.

Trên mạng xã hội, Phan Xuân Lương đã rất nhiều lần lu loa rằng, nguồn gốc diện tích cà phê này là do người dân tự khai hoang hoặc mua lại của những người khai hoang mà có. Nhưng khẳng định chắc chắn từ các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk thì đó là xuyên tạc sự thật, nhằm đánh đồng hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp với việc khai hoang theo đúng chủ trương của Nhà nước.

Thực tế chứng minh, vào thời điểm Phan Xuân Lương (đối tượng bị bắt về tội trộm cắp tài sản), được tha tù về định cư tại xã Ea Kiết, huyện CưM’gar (năm 1993) thì toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp trên đã được Nhà nước giao cho Lâm trường Buôn Ja Wầm quản lý, theo Quyết định của Bộ Lâm nghiệp khi đó.

Một số hộ dân cho rằng họ đã mua lại vườn cà phê từ những người trước đó từng nhận khoán với Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm. Họ tưởng rằng đã “mua đứt, bán đoạn” số diện tích này và không có nghĩa vụ phải nộp sản lượng theo thỏa thuận trong các hợp đồng giao khoán.

Thực chất, hành vi “mua - bán” trên chỉ là thỏa thuận giữa những người dân, nhằm mua lại quyền hợp tác với Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm trong việc chăm sóc, thu hoạch cà phê. Vì thế, người dân muốn sản xuất hay nuôi trồng vật giống gì trên diện tích đó, đều phải được sự chấp thuận từ phía công ty, phải kí hợp đồng giao khoán và thực hiện nghĩa vụ được thỏa thuận trong hợp đồng, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

 

Những phán quyết của tòa án buộc các hộ nhận khoán phải trả nợ sản lượng cho Công ty Buôn Ja Wầm. Ảnh: nhóm PV

Phát biểu với báo chí, ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch UBND xã Ea Kiết cho biết: Thời gian qua, ông Phan Xuân Lương (ở thôn 1, xã Ea Kiết) đại diện cho khoảng 50 hộ nhận khoán cà phê với công ty có gửi đơn kiến nghị đến xã. UBND xã đã chỉ đạo các đoàn thể và Ban Tự quản các thôn đến tuyên truyền, vận động người dân không gây mất an ninh trật tự; đồng thời yêu cầu bà con cần thực hiện nghiêm túc hợp đồng giao khoán vườn cà phê giữa hộ gia đình và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm. 

Vừa qua, trên địa bàn xã cũng xảy ra tình trạng tụ tập đông người, gây ảnh hưởng an ninh nông thôn, tạo dư luận không tốt trong xã hội. 

Mỗi khi như vậy, lực lượng Công an xã cũng đã đến giải tán nhưng các đối tượng này có những hành động cản trở chống đối. Thậm chí họ không cho lực lượng chức năng vào nhà hoặc đưa phụ nữ, trẻ em ra đối phó để tạo áp lực với chính quyền.

Vi phạm hợp đồng, người dân đứng trước nguy cơ “thiệt kép”!

Việc các hộ nhận khoán với Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm tự ý “bẻ kèo”, không chịu nộp sản lượng theo hợp đồng giao khoán đã xảy ra từ năm 2016 đến nay, khiến công ty rơi vào cảnh khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản.

Như Báo Thanh tra đã thông tin, năm 2016 Phan Xuân Lương cùng với Nguyễn Văn Dinh, Nguyễn Hữu Tương và Lê Văn Bình là những người đầu đơn, xưng danh đại diện các hộ dân nhận khoán với Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm để khiếu kiện, đòi công ty phải giảm sản lượng từ 80 - 100% và trả đất về cho địa phương để cấp sổ đỏ cho các hộ dân nhận khoán.

Sự việc này xuất phát từ tình hình hạn hán khiến năng suất cà phê trên địa bàn sụt giảm. Trên thực tế, theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện CưM’gar thì vùng sản xuất cà phê xã Ea Kiết năm 2016 do hạn hán đã giảm năng suất 20% so với cùng kỳ năm 2015.

“Trên tinh thần công ty và người dân cùng gánh một phần hậu quả hạn hán, chúng tôi đã thống nhất giảm 15% sản lượng cà phê phải nộp cho tất cả các hộ thành viên theo diện tích nhận khoán. Tuy nhiên, vẫn còn những hộ do bị xúi giục nên chây ỳ không chịu nộp và còn khiếu kiện, tụ tập gây cản trở hoạt động của công ty”, ông Dương Văn Sơn, Chủ tịch HĐTV Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm cho biết.

Trước tình trạng các hộ nhận khoán không chấp hành thực hiện nghĩa vụ theo như cam kết tại hợp đồng giao khoán trong một thời gian dài, buộc Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm phải tiến hành khởi kiện các hộ vi phạm ra tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trong 4 bản án đã tuyên, Tòa án nhân dân huyện CưM’gar đều chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm; buộc các bị đơn Phan Xuân Lương, Nguyễn Văn Minh, Lê Văn Dương, Nguyễn Văn Đạt phải trả số sản lượng cà phê mà các hộ nhận khoán này đã nợ của công ty.

Riêng đối với bị đơn Phan Xuân Lương, Tòa án nhân dân huyện CưM’gar còn tuyên chấm dứt hợp đồng giao khoán giữa Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm với ông Lương và buộc bị đơn này phải trả lại cho công ty 0,6ha diện tích nhận khoán cùng các loại cây trồng trên diện tích đó.

Ông Trần Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm nói: “Bất đắc dĩ chúng tôi mới phải khởi kiện ra tòa để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho công ty. Thực chất họ (những người dân nhận khoán - PV) đa số là những người dân lao động chất phác. Do nhẹ dạ nên mới nghe kẻ xấu xúi giục, vi phạm hợp đồng”.

Theo phán quyết của tòa án, những người dân này phải trả số nợ sản lượng cho Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm. Họ còn phải chịu hàng triệu đồng tiền án phí theo quy định.

Trước đó, theo các cơ quan chức năng, để được nhóm của Phan Xuân Lương “làm người đại diện” trong các cuộc tụ tập đông người, gửi kiến nghị, khiếu nại… lên các cấp chính quyền thì những người dân nhận khoán tại xã Ea Kiết đã phải đóng nộp cho nhóm này với số tiền lên tới 500 nghìn đồng/sào diện tích cà phê.

Báo Thanh tra sẽ trở lại vấn đề này trong các bài viết tiếp theo.

Nhóm PV